Ngành giáo dục - đào tạo: Tập trung nâng cao chất lượng

Cập nhật: 28-11-2011 | 00:00:00

Năm học 2011-2012, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) phát triển phương châm “Dạy thật - học thật - thi thật - chất lượng thật” thành phong trào “dạy giỏi - học hỏi”. Biến khẩu hiệu thành hành động, các trường học trong tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục.   Trong lớp, GV luôn sâu sát với HS

 Tập trung nâng cao chất lượng

Để bảo đảm chất lượng, từ đầu năm học, các đơn vị trường học đã sàng lọc, phân loại học sinh (HS), trên cơ sở đó, trường tổ chức dạy phụ đạo đối với HS yếu kém và bồi dưỡng HS giỏi. Những trường có cơ sở vật chất tốt thì tổ chức dạy tăng tiết 3 - 6 buổi chiều mỗi tuần cho toàn bộ HS ở những bộ môn chính. Những trường có chất lượng đầu vào lớp 10 thấp càng nỗ lực nhiều hơn để nâng dần chất lượng. Ông Đặng Thái Hưng, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TX.TDM) chia sẻ: muốn giải quyết được bài toán chất lượng, việc đầu tiên cần làm là ổn định nề nếp, tăng cường công tác quản lý. Do trường nằm ở địa bàn tương đối phức tạp nên trước đây có HS đến trường phải mang theo hung khí để bảo vệ. Để các em yên tâm học tập, Ban giám hiệu đã phối hợp với công an địa phương tổ chức tuần tra dọc các con đường đến trường trong khoảng thời gian đầu giờ và tan học. Nhờ đó mà không còn tình trạng HS đánh nhau như trước. Từ trước đến nay, HS trường Nguyễn Đình Chiểu tự ti là trường bán công nên không cố gắng vươn lên, do đó vai trò của người thầy là vô cùng quan trọng. Chất lượng đội ngũ ở trường này không phải thấp, cái chính là nâng cao trách nhiệm giảng dạy của giáo viên (GV), Ban giám hiệu cũng nâng dần trách nhiệm trong công tác quản lý.

Trường THPT nỗ lực vươn lên, các trường THCS cũng cùng nhau thi đua học tập. Bởi đây là cấp học quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng ở cấp học kế tiếp. Ông Nguyễn Văn Sự, Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Hòa (Phú Giáo) chia sẻ: Để nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường chú trọng hoạt động sinh hoạt chuyên môn. Thời gian qua các tổ làm khá tốt việc này, GV cùng nhau họp bàn đưa ra những giải pháp hữu hiệu, đưa chất lượng giáo dục đi lên. Ngoài ra, nhà trường còn quan tâm đưa GV đi đào tạo, học các lớp chuyên đề - chuyên môn; mặt khác, nhiều GV có ý thức tự học để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Ngoài ra, hầu hết GV ở trường đều ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, tích cực làm và sử dụng đồ dùng dạy học.

Với vai trò là đơn vị quản lý, phòng GD-ĐT các huyện, thị đã tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng. Theo ông Tạ Tấn Tuấn, Phó phòng GD-ĐT huyện Dầu Tiếng, nhiều năm liền chất lượng thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Dầu Tiếng thấp so với các huyện, thị khác. Năm nay huyện quyết tâm cải thiện chất lượng. Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo cán bộ quản lý và GV đăng ký đổi mới biện pháp quản lý, giảng dạy. Giao chỉ tiêu cụ thể cho từng trường thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin. Duy trì tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với những trường đủ điều kiện. Đầu năm học phòng đã kiểm tra đánh giá chất lượng chuyên môn ở 9 trường THCS. Huyện đã tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng. Một việc làm khác cũng khá quan trọng là chỉ đạo các trường quản lý tốt đội ngũ và đoàn kết nội bộ.

Chấn chỉnh dạy thêm - học thêm

Dạy thêm - học thêm (DT-HT) xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh và HS. Bản chất của việc DT có tính tích cực, giúp cho những HS yếu kém lấy lại được căn bản kiến thức, HS khá giỏi phát huy khả năng học tập. Nhưng ngày nay, việc DT-HT đã phát triển tràn lan và đang diễn ra phức tạp. Một bộ phận GV o ép HS để các em buộc phải đi học thêm. Từ đó khiến cho HS cảm thấy “đuối” vì áp lực học ở trường, học thêm và tự học tại nhà.

Muốn cho chất lượng đúng với thực chất thì việc DT-HT cũng cần được chấn chỉnh. Đây cũng là việc làm được ngành GD-ĐT và Ban giám hiệu các trường quan tâm trong năm học này. Hầu hết các phòng GD-ĐT có văn bản gửi các trường yêu cầu Ban giám hiệu nhắc nhở các trường hợp GV DT ngoài nhà trường.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Ban giám hiệu các trường đều tỏ ra bức xúc, có vị còn đề nghị Sở GD-ĐT nên có văn bản chính thức quy định GV không DT ban đêm để giảm áp lực học tập cho HS. ông Nguyễn Văn Thuận, Hiệu trưởng trường THPT Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An) cho hay: “Trường không cấp phép cho GV DT. Hướng tới, nhà trường sẽ phối hợp với địa phương kiểm tra, đánh giá việc DT-HT”. Và để hạn chế tình trạng DT-HT, hiện nay nhiều trường THCS, THPT tổ chức kiểm tra 1 tiết đề chung cho toàn khối.

Tại cuộc họp giao ban khối các trường THCS, THPT được Sở GD-ĐT tổ chức mới đây, ông Dương Thế Phương, Giám đốc sở đã nhắc nhở, những trường dạy 2 buổi/ngày GV không được tổ chức DT. Sở khuyến khích các trường nên tổ chức kiểm tra tập trung để hạn chế GV o ép học sinh HT. Ông cũng lưu ý các trường tập trung đổi mới quản lý, trước hết là chấn chỉnh nề nếp làm việc của CB-CC-VC hành chính, có tinh thần trách nhiệm với công việc. Các trường cần tập trung bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ người thầy, nâng cao trách nhiệm, tận tâm, tận tụy với HS.

A.SÁNG

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=312
Quay lên trên
X