Đại dịch được kiểm soát, sản xuất quay trở lại, ngành gỗ Bình Dương cần chuẩn bị những điều kiện gì để giảm thiểu rủi ro phát sinh? Cơ hội và xu hướng nào của thị trường đòi hỏi doanh nghiệp (DN) cần nắm bắt?
Sản xuất gỗ tại Công ty Sao Nam (TX.Tân Uyên)
Tháo gỡ khó khăn
Năm 2020, ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu đạt 12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất và xuất khẩu của ngành gỗ đang gặp không ít khó khăn. Qua khảo sát của Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho thấy 100% DN bị ảnh hưởng. Tại các thị trường quan trọng nhập khẩu đồ gỗ của Bình Dương, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU (5 thị trường này chiếm trên 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành) hiện đang áp dụng các chính sách nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch bệnh lan rộng như đóng cửa biên giới, đóng toàn bộ chuỗi cửa hàng không thiết yếu. Điều này dẫn đến các đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng.
Đại dịch Covid-19 cũng tác động tới khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu và chế biến, tiêu thụ trong nước. Cụ thể, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Phi - nguồn cung gỗ nguyên liệu nhiệt đới lớn nhất cho Việt Nam đã dừng hẳn. Lượng nhập từ nguồn gỗ ôn đới giảm 70%. Đại dịch làm giá gỗ nguyên liệu và cước vận chuyển tăng. Sản xuất, kinh doanh của các làng nghề giảm 80%. Khoảng 50 - 60% xưởng xẻ gỗ sử dụng nguyên liệu rừng trồng trong nước phải dừng hoạt động. Cầu tiêu dùng trong các dự án dân sinh và công cộng hiện đang dừng. Bên cạnh khó khăn về nguồn nguyên liệu, xuất khẩu, ngành gỗ Việt Nam còn đối mặt với khó khăn kép, đó là khả năng bị áp thuế chống bán phá giá gỗ ván xuất khẩu qua Mỹ, Hàn Quốc... Mới đây Ấn Độ khởi xướng điều ra sản phẩm gỗ MDF từ Việt Nam.
Thời gian qua, sự nỗ lực giảm thiểu tác động của bệnh dịch tới các ngành kinh tế, bao gồm cả ngành gỗ, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành các chính sách và giải pháp về chính sách tài khóa, tín dụng thương mại, an sinh xã hội… Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã tiếp thu, đưa phân ngành chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre nứa vào dự thảo nghị định trình Chính phủ tiếp tục đề xuất nâng gói tài khóa hỗ trợ DN, bao gồm DN ngành gỗ lên gần 180.000 tỷ đồng, gấp 6 lần số tiền dự tính ban đầu.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Lâm Việt (TX. Tân Uyên), cho biết hiện nay công ty phải giảm công suất hoạt động xuống còn 40%. Nhưng vấn đề lớn nhất chính là việc khôi phục sản xuất dự kiến phải mất cả năm mới có thể hoạt động bình thường như trước dịch bệnh… Ông Liêm hy vọng gói hỗ trợ của Chính phủ nhanh chóng được triển khai để giúp DN đứng vững trong thời gian này.
Thay đổi căn bản trong nội tại
Tại hội thảo trực tuyến: “Phục hồi - Tăng tốc - Bứt phá- Phát triển bền vững ngành gỗ giai đoạn hậu đại dịch” do Tổ chức Forest Trends và các hiệp hội gỗ trong cả nước tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, các DN, tổ chức, bộ, ngành đã cùng tìm “đáp án” cho câu hỏi ngành gỗ cần làm gì để bứt tốc sau dịch?
Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng trong bối cảnh bất định do dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cũng như từ nhiều nguy cơ khác, đây là thời điểm để DN tư duy lại, thiết kế lại hoạt động, học cách quản trị rủi ro. DN không quá bi quan nhưng cũng không quá lạc quan mà cần linh hoạt, bình tĩnh và hướng theo xu thế. Tuy khó khăn trước mắt là thật song DN cũng xác định trong nguy có cơ. Trong sự chuyển dịch này có thể tạo những bứt phá phát triển ngành gỗ trong tương lai. Theo đại diện BIFA, hiệp hội đang đẩy mạnh nhiều kênh họp trực tuyến với đối tác thương mại quốc tế để tìm hiểu diễn biến thị trường. Từ đó dự báo và thông tin đến DN thời điểm phục hồi thị trường, dự đoán hành vi và xu hướng tiêu dùng mới.
Điều quan trọng là DN gỗ cần có thay đổi căn bản về xác định dòng sản phẩm và thị trường chiến lược khi muốn giảm thiểu rủi ro. Cụ thể, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), cho biết cơ cấu dòng sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện chưa hợp lý, sản xuất các sản phẩm không có nhu cầu lớn và không tăng cao trong tương lai. Từ đó, để phục hồi sản xuất, DN cần chuyển đổi cơ cấu dòng sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Hiện nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm đang chiếm khoảng 60% trong tổng cầu của tất cả các loại đồ gỗ trên toàn thế giới. Đây là dòng sản phẩm chiến lược.
Khi dịch bệnh xảy ra, chuỗi cung cho các loại đồ gỗ chiến lược không bị biến động quá lớn, trong khi nhu cầu về các nhóm đồ gỗ khác gần như mất hẳn. Đại dịch cũng cho thấy ngành cần phải dịch chuyển về phương thức bán hàng. Kênh truyền thống (offline) cần phải thay đổi, nhằm giảm rủi ro trong hội nhập và phù hợp với xu thế thương mại thế giới (online). Thêm vào đó, ngành gỗ cần hình thành và đẩy mạnh liên kết giữa các DN, xây dựng chuỗi cung trong nước, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Tác động của dịch bệnh Covid-19 cho thấy chuỗi cung ứng xuất khẩu đồ gỗ hiện nay của Việt Nam chưa tốt, phụ thuộc một phần nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn phân tích, tác động của dịch bệnh cũng cho thấy sức chống chịu của thị trường nội địa rất cao. Việc ưu tiên phát triển thị trường nội địa trong tương lai là một trong những chiến lược giúp ngành gỗ bứt phá.
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhận định trong dịch bệnh, các công ty trên thế giới đều nhận ra họ đã quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Tình hình hiện nay chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều ngành. Việt Nam có vị thế khá thuận lợi với nền kinh tế ổn định và có thể sẽ là nước đầu tiên hồi phục sau dịch bệnh. Ngay từ năm 2019 đã có nhiều công ty tìm cách chuyển sang Việt Nam dù năng lực về hậu cần, vận tải và cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, cho biết theo đề xuất của Viforest, Bộ Tài chính đưa phân ngành chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre nứa vào dự thảo nghị định gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất… Chính phủ ban hành nghị quyết về gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, DN khó khăn do dịch bệnh là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, Chính phủ cần triển khai ngay các gói hỗ trợ để DN có thêm nguồn lực vượt khó. Ông Huỳnh Quang Thanh, Phó Chủ tịch Viforest, Tổng Giám đốc Công ty Hiệp Long (TP.Thuận An) ví ngân hàng như cái “máy thở” của DN trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Thế nhưng thực tế một số ngân hàng cho rằng bây giờ dịch bệnh nên rủi ro nhiều hơn, lãi suất cho vay phải cao hơn… Ông Thanh đề nghị Chính phủ nên kiểm soát chặt chẽ hơn việc thực thi chính sách đã ban hành. |
TIỂU MY