Ngành gỗ: Cần chủ động nguồn nguyên liệu

Cập nhật: 23-08-2016 | 09:39:24

Hiện nay, nguyên liệu gỗ chiếm tới 70% giá trị của sản phẩm gỗ. Các doanh nghiệp (DN) gỗ tại Bình Dương đang cố gắng tìm kiếm khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ một số nước kế cận không còn nhiều.

DN ngành gỗ cần chủ động nguồn nguyên liệu để phát triển ổn định trong điều kiện hội nhập hiện nay. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại một DN gỗ ở TX.Thuận An Ảnh: XUÂN VĨ

Nhập nguyên liệu để dành

Ông Lưu Phước Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, đa số các DN gỗ tại Bình Dương đang nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ Hoa Kỳ. Việc giá gỗ nguyên liệu thời gian gần đây liên tục tăng đang làm cho các DN gặp nhiều khó khăn. Để chuẩn bị cho những đơn hàng lớn, các DN đã phải nhập nguyên liệu ngay từ đầu năm 2016 với số lượng lớn để phục vụ sản xuất cả năm. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có điều kiện thực hiện giải pháp này, bởi ngoài cần nguồn vốn dồi dào, DN còn phải lo kho bãi chứa nguyên liệu gỗ.

Hiện nay, nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Lào đang bị nước bạn siết chặt, do đó các DN gỗ trong nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu gỗ từ Hoa Kỳ và một số nước châu Âu. Hoa Kỳ chiếm tới 70% số lượng nguyên liệu gỗ nhập khẩu của DN trong nước; trong khi đó giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ của các DN Bình Dương sang thị trường Mỹ chiếm tới 45% kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước. Trước mắt, mối quan hệ qua lại “nhập nguyên liệu - xuất sản phẩm” giữa các DN Việt Nam và Hoa Kỳ có vẻ đang trong thời kỳ thuận lợi. Nhưng tính toán xa hơn, nếu chúng ta không chủ động được nguồn nguyên liệu từ trong nước hoặc đa dạng hóa các thị trường cung cấp, ngành gỗ cả nước sẽ khó phát triển ổn định và bền vững. Tuy vậy, để nguồn nguyên liệu gỗ tại chỗ đủ điều kiện tham gia chuỗi cung ứng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, vấn đề khó khăn lớn nhất đối với DN gỗ trong nước là phải có chứng chỉ rừng (PEFC). Đây là một điều kiện bắt buộc để bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất đủ điều kiện tham gia xuất khẩu.

Hiện nay, các doanh nghiệp phải cạnh tranh rất quyết liệt với một số quốc gia lân cận như Trung Quốc, Indonesia…, những đối thủ rất mạnh của ngành gỗ nước ta trong việc tham gia thị trường xuất khẩu gỗ toàn cầu, đã được cấp PEFC. Điều đó cho thấy, nếu ngành gỗ của Việt Nam chậm trễ rất có thể nguồn nguyên liệu chính là điểm yếu nhất của các DN gỗ trong nước khi tham gia thị trường xuất khẩu.

Chậm là thua…

Năm 2015, Ấn Độ cùng với Trung Quốc và Indonesia kỷ niệm ngày nhận PEFC đầu tiên. Trong khi đó, Nhật Bản đang tiến tới gần hơn hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia được chứng nhận PEFC. Đại diện Chương trình phê duyệt các quy trình PEFC cho biết vẫn đang tiếp tục hỗ trợ các quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Philippines… để sớm đạt PEFC. PEFC là hệ thống chứng chỉ hiện có quy mô lớn nhất trên toàn cầu, chiếm tới 59,1% tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ. Đứng vị trí thứ hai là hệ thống FSC (quản lý rừng quốc tế), chiếm tỷ trọng 36,8%. Các hệ thống còn lại chiểm tỷ lệ rất nhỏ.

Đại diện Công ty gỗ Thuận An (TX.Thuận An) cho biết, trình độ sản xuất gỗ của các nước trong khu vực hiện nay gần như cân bằng nhau. Do đó, việc cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu gỗ chính là từ nguồn nguyên liệu. Trong thời gian tới, DN nào không có đủ nguồn nguyên liệu hoặc giá nguyên liệu gỗ đầu vào quá cao sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường cả trong nước và xuát khẩu.

Việt Nam hiện đang có quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu gỗ tại một số tỉnh ở Tây Bắc, Tây nguyên, duyên hải miền Trung… Nhưng để nguồn nguyên liệu đủ điều kiện phục vụ sản xuất, xuất khẩu chúng ta cần phải có PEFC. PEFC không những giúp người trồng rừng có thể thụ hưởng công sức xứng đáng mà mình bỏ ra, đồng thời tạo nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp phục vụ xuất khẩu mà còn giúp mỗi quốc gia gìn giữ và phát triển rừng bền vững. Còn theo thông tin từ BIFA, hiện nay, một số DN gỗ của Bình Dương đã đầu tư trồng rừng ở các tỉnh miền Trung nhằm chủ động nguồn nguyên liệu cho những năm tới. Trong đó, tỉnh Quảng Trị, nơi đang có hơn 500 hộ dân được sự hỗ trợ tích cực từ Chương trình phê duyệt các quy trình PEFC trong vùng trồng nguyên liệu gỗ thông, đang được các DN ưu tiên.

Lãnh đạo BIFA chia sẻ, từ thực tế nói trên cho thấy, nguồn nguyên liệu gỗ là vấn đề sống còn đối với mỗi DN hiện nay. Nguyên liệu gỗ với đặc thù là ảnh hưởng rất lớn tới môi trường tự nhiên và biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều này giúp mỗi DN ý thức hơn trong việc khai thác nguồn nguyên liệu cũng như trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trước sự thay đổi của khí hậu toàn cầu. Ở sân chơi hội nhập, không riêng gì ngành gỗ, bảo vệ môi trường chính là trách nhiệm chung của cả cộng đồng.

 

 XUÂN VĨ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1201
Quay lên trên