Hiện tại, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành gỗ đã có đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới. Cùng với đó, nhiều khách hàng Hoa Kỳ, châu Âu gặp khó ở các đối tác lân cận nên tìm nhà cung cấp mới để thay thế, trong đó có các DN Bình Dương.
Các doanh nghiệp ngành gỗ chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất. Trong ảnh: Doanh nghiệp tìm hiểu công nghệ mới tại Hội chợ máy móc ngành gỗ tổ chức tại Bình Dương năm 2023
Tín hiệu đáng mừng
Bà Dương Thị Tú Trinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đức Thiện (TP.Tân Uyên), cho biết hiện nay đơn hàng đã trở lại. Công ty đã bắt nhịp lại hoạt động sản xuất, bảo đảm ngày công cho người lao động. “Nếu như từ đầu năm đến tháng 7 vừa qua công ty hoạt động cầm chừng, nhiều thời điểm phải cắt giảm công nhân thì nay đã tuyển lại lao động, hoạt động đạt 50 - 60% công suất. Bước sang quý IV-2023, đơn hàng của DN tăng trở lại với mức từ 20 - 25% so với 3 quý trước”, bà Dương Thị Tú Trinh chia sẻ niềm vui khi thị trường xuất khẩu ấm lên.
Được biết, DN này đã có đủ đơn hàng đến hết quý I-2024. Người lao động làm đủ ngày công trong tháng, bình quân công ty xuất khẩu khoảng 100 container hàng/tháng. Thời gian tới, công ty tập trung vào tiêu chí giá tốt, phù hợp với thị hiếu, sản phẩm đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt… Đó là những giải pháp hàng đầu để gia tăng đơn hàng.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long (TP.Thuận An), cho rằng thị trường xuất khẩu gỗ đã dần phục hồi. Dự báo năm 2024 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phục hồi nhanh hơn, các DN ngành gỗ phải sẵn sàng đón cơ hội. “Mặc dù chưa trở lại được như những năm trước, tuy nhiên, đến nay chúng tôi đang tiếp xúc với một số khách và tình hình đơn hàng năm 2024 khá khả thi. Đây là tin mừng cho ngành gỗ, chúng tôi hy vọng năm 2024 xuất khẩu gỗ sẽ phục hồi trở lại”, ông Huỳnh Quang Thanh kỳ vọng.
Mặc dù có những điểm sáng nhưng các DN ngành gỗ vẫn đang phải đối mặt nhiều thách thức khi đơn hàng hiện nay phải cạnh tranh hơn và yêu cầu về mẫu mã, chất lượng lại cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn khách hàng yêu cầu nguyên liệu gỗ, phụ liệu phải tái chế, nhưng chất lượng phải bảo đảm. Đây là một áp lực đối với DN. Ông Huỳnh Quang Thanh cũng chia sẻ thêm, mặc dù có tín hiệu phục hồi tích cực, nhưng ngành gỗ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và đà tăng trưởng của ngành gỗ vẫn còn nhiều cản trở bởi nền kinh tế toàn cầu vẫn yếu, lạm phát kéo dài trong bối cảnh rủi ro nghiêm trọng. Chính điều này đòi hỏi các DN phải có sự chủ động trong sản xuất, đối tác và quản trị rủi ro, chắt chiu cơ hội trong khó khăn, thách thức.
Chú trọng yêu cầu thị trường
Mặc dù xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang có xu hướng phục hồi tích cực, tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ đô la Mỹ năm 2023 được nhận định khó hoàn thành. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch BIFA, nhận định: “Nếu lấy doanh số xuất khẩu 6 - 7 tháng đầu năm so sánh thì mục tiêu xuất khẩu cả năm 17 tỷ đô la Mỹ là khó hoàn thành. Tôi cho rằng, con số 15 tỷ đô la Mỹ là khả thi hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường khó khăn chung, không chỉ riêng với ngành gỗ đó vẫn là con số cần được ghi nhận”.
Các DN cho rằng với những sự dịch chuyển đơn hàng từ các nước lân cận, tiềm năng mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong thời gian tới là rất lớn, bởi quy mô thị trường đồ gỗ, nội thất thế giới lên tới 200 tỷ đô la Mỹ. Đến nay, mặc dù Việt Nam nằm trong Top 5 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới, nhưng cũng mới chỉ xuất khẩu trên 16 tỷ đô la Mỹ/năm.
Theo ông Huỳnh Thanh Trung, Ban Xúc tiến thương mại BIFA, hiện tại các DN ngành gỗ đang tích cực đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững. “Chính những khó khăn này cũng là cơ hội để DN tự làm mới mình. Từ chỗ làm những đơn hàng truyền thống, chuyển hướng đến các sản phẩm mang tính bảo vệ môi trường, đa dạng về mẫu mã… mới có thể cạnh tranh và làm chủ thị trường”, ông Huỳnh Thanh Trung cho biết.
Hiện có nhiều DN, làng nghề đã nắm bắt và chuyển đổi theo hướng sản phẩm thân thiện với môi trường, tuy nhiên để đáp ứng được yêu cầu của thế giới, DN vẫn phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Đặc biệt, phải chú trọng đổi mới công nghệ, hoàn thiện hệ thống quản trị sản xuất, nâng cao tính hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, đẩy mạnh sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
TIỂU MY