Hiện Bình Dương có hàng trăm doanh nghiệp (DN) hoạt động trên lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gỗ. Các DN này đang tăng cường đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến để đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Dây chuyền sản xuất trị giá hàng triệu USD của Công ty Cổ phần Lâm Việt (TX.Tân Uyên). Ảnh: XUÂN VĨ
Tìm hướng đi an toàn
Theo lãnh đạo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), hội nhập kinh tế giúp ngành gỗ chia sẻ bớt rủi ro, không còn lệ thuộc vào một thị trường nhất định. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các DN chủ quan, bởi ngày nay sự hội nhập kinh tế diễn ra trên quy mô toàn cầu. Bất cứ sự suy giảm kinh tế của một quốc gia, một khu vực vẫn có thể gây ra hiệu ứng domino như cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ vào năm 2008, sau đó lan rộng ra toàn thế giới.
Lãnh đạo một DN gỗ trên địa bàn tỉnh cho biết, hiện nay tại Bình Dương, một số DN gỗ đang tích cực tham gia mua bán cổ phần với các DN gỗ và ngoài ngành gỗ. Xu hướng đa dạng hóa sản xuất, kinh doanh đang diễn ra âm thầm trong cộng đồng DN tại Bình Dương. Xu thế này vừa giúp các DN huy động nguồn tài chính dồi dào vừa tập trung nguồn chất xám, kinh nghiệm giúp DN thêm tự tin trong hội nhập kinh tế.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Lâm Việt (TX.Tân Uyên) cho biết, từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều DN đã rút ra bài học “không bao giờ để trứng trong một rổ”. Chính vì vậy, nhiều DN đã mạnh dạn cổ phần hóa, không những thế còn tham gia cổ phần vào các DN hoạt động ngoài ngành gỗ.
Ưu thế lớn cho doanh nghiệp nắm công nghệ hiện đại
Những năm qua, hoạt động sản xuất và xuất khẩu gỗ tại Bình Dương có mức tăng trưởng khá. Nhiều DN gỗ mở rộng quy mô sản xuất, đón nhận các đơn hàng lớn. Hiện nay, đa số các DN gỗ trong nước ít chịu sức ép về mẫu mã, bởi do phần đông làm gia công theo mẫu hàng từ đối tác. Ông Nguyễn Thành Huy, Giám đốc Công ty TNHH Thành Kiên (TX.Tân Uyên) nói, sản phẩm gỗ của các DN trên địa bàn tỉnh xuất khẩu chủ yếu sang các nước châu Âu và Mỹ nên phần lớn họ phải thực hiện những mẫu sản phẩm từ các nước này cung cấp. Trong thời gian tới, DN gỗ cần tích cực tìm hiểu văn hóa, thị hiếu từ các thị trường lớn nhằm chủ động tạo ra mẫu mã mới phục vụ thị hiếu người tiêu dùng. Đặc trưng của thị trường Mỹ và châu Âu chính là mẫu mã thay đổi liên tục, thậm chí một mẫu mã mới chỉ được khách hàng châu Âu ưa chuộng trong vòng vài tháng. Nếu các DN gỗ của Bình Dương tổ chức tốt khâu thiết kế, sáng tạo mẫu mã phù hợp với thị trường sẽ làm cho sản phẩm gỗ có thêm giá trị gia tăng.
Theo ông Liêm, áp lực lớn nhất hiện nay của cả nước chính là dây chuyền công nghệ sản xuất và chế biến gỗ. Trình độ sản xuất gỗ của các nước trong khu vực Đông Nam Á đang tương đương nhau, sự hơn thua đang được tính trên dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị.
Hiện nay, sức ép về thay đổi công nghệ hiện đại ngày càng tăng đối với các DN, bởi ngoài khả năng tiết kiệm thời gian, thay thế nguồn nhân công hiệu quả, máy móc có thể giúp cho ra đời những sản phẩm đúng kỹ thuật, chất lượng thẩm mỹ mà đối tác đặt hàng đã yêu cầu. Sản xuất theo dây chuyền giúp DN tiết kiệm rất nhiều chi phí, sản phẩm ra đời tỷ lệ hao hụt, lỗi giảm đáng kể so với bằng sức nhân công lao động. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có đủ vốn để trang bị, mua sắm máy móc tiên tiến. Ông Liêm chia sẻ thêm, chẳng hạn một máy CNC 5 chiều (nhập khẩu từ Ý) có thể làm hàng chục thao tác chính xác thay nhân công, khi về Việt Nam có giá trên dưới 5 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn so với các DN vừa và nhỏ.
Có thể nói, DN nào sở hữu nhiều máy móc hiện đại sẽ dễ dàng tiếp cận các đơn hàng và cả việc chiếm lĩnh thị trường sản phẩm gỗ trong tương lai.
XUÂN VĨ