Ngành may mặc cần đẩy mạnh hợp tác

Cập nhật: 16-10-2017 | 08:20:55

May mặc là ngành xuất khẩu lớn của Bình Dương. Tuy vậy, ngành này đang đối mặt với nhiều khó khăn phía trước.

 Phụ trợ ngành may còn yếu

Theo Sở Công thương, trong những tháng qua xuất khẩu ngành dệt may tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tuy vậy, tiềm năng của ngành may mặc còn rất lớn, bởi hiện nay ngành dệt may cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng chủ yếu là hoạt động gia công xuất khẩu (chiếm trên 90%), chỉ tham gia vào phần thứ 3 trong chuỗi cung ứng dệt may là cắt và may - công đoạn tạo giá trị thấp nhất trong chuỗi giá trị của ngành. Bên cạnh đó, các khâu thiết kế, marketing và phân phối sản phẩm thường tạo ra giá trị gia tăng cao nhất thì hiện nay, phần lớn doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam không đảm nhiệm được, chưa kể còn bị động và yếu kém trong hoạt động thiết kế và xây dựng thương hiệu.

 Để ngành may mặc của tỉnh phát triển ổn định, các DN cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất quần jean tại Công ty Đại Tây Dương (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Cùng với đó, công nghiệp phụ trợ cho ngành may trong nước còn nhiều hạn chế. Tại Bình Dương, hiện có hàng trăm DN hoạt động, cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành may, có thể kể đến như Công ty Việt Kim San, Công ty TNHH Giai Mỹ, Công ty TNHH Nhuận Ích… Tuy vậy đa phần nguồn phụ liệu này đều được nhập khẩu rồi cung cấp lại cho các DN may mặc tại Bình Dương.

Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết, năng suất lao động ngành dệt may và giá trị gia tăng của sản phẩm do các DN trong nước sản xuất ra hiện còn rất thấp, chỉ bằng 1/4 so với Trung Quốc, 1/8 so với Hàn Quốc; tính riêng ngành dệt chỉ bằng 90% của Trung Quốc, 85% của Thái Lan. Đây là thách thức không nhỏ đối với DN trong nước, vì ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm khi sức ép về chi phí nhân công ngày càng tăng, trong khi năng suất lao động không tăng tương ứng.

Hợp tác để phát triển

Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương cho biết, hiện ngành kéo sợi của các DN trong nước đang phải nhập khẩu bông từ Mỹ, (chiếm tới 60% tổng nhu cầu). Trong khi đó, diện tích trồng bông ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng thu hẹp, chỉ đáp ứng 0,04% trong tổng nhu cầu của toàn ngành. Theo ông Phoa, việc tổ chức Ngày hội COTTON DAY vừa qua tại TP.Hồ Chí Minh là cơ hội để ngành bông của các DN Mỹ đánh giá tiềm năng, tầm quan trọng của ngành kéo sợi Việt Nam. Có thể nói, đây là cơ hội tốt cho ngành nguyên phụ liệu may mặc, có thêm nguồn nguyên liệu tại chỗ sẽ tiếp thêm sức mạnh cho ngành may mặc trong cả nước nói chung.

Theo các chuyên gia, ngành may mặc Bình Dương cần chủ động hơn trong việc làm gia tăng giá trị của sản phẩm may mặc, tăng năng suất lao động… để tạo sức mạnh cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Để làm được điều đó, việc liên kết, hợp tác với các DN vốn đầu tư nước ngoài có tiềm lực mạnh hơn là bài toán cần được các DN tính toán kỹ càng, trên tinh thần “muốn giỏi hơn hãy làm bạn với người giỏi hơn mình”.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngành dệt may của Việt Nam có quy mô lớn nhưng không mạnh, do lệ thuộc 85% vào nguyên liệu nhập khẩu và trên 70% là sản xuất gia công. Vì vậy, sự kết hợp giữa một nước có thế mạnh về sản xuất như Việt Nam với một nước có thế mạnh về cung cấp nguyên liệu và thiết kế, như Thái Lan để trở thành trung tâm dệt may ở châu Á là rất quan trọng.

Được biết, để thu hút các DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực dệt may của Việt Nam, Vitas đã tiến hành khảo sát lại toàn bộ ngành dệt may, trên cơ sở đó kiến nghị với Chính phủ xây dựng các khu công nghiệp dệt may tập trung. Đây là mô hình khá thành công ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc. Chính phủ đã ủng hộ chủ trương này và đang cho phép làm thí điểm ở Nam Định, với quy mô 1.500 ha (giai đoạn I là 600 ha đã được Chính phủ phê duyệt).

Còn tại các tỉnh, thành phía Nam, Vitas đang nghiên cứu xây dựng khu công nghiệp dệt may tập trung tại tỉnh Tây Ninh, Bình Dương… Nếu việc xây dựng các khu công nghiệp tập trung này thành công thì đây sẽ là cơ sở để Việt Nam thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư có chất lượng trong lĩnh vực dệt may…

 XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1315
Quay lên trên