Ngày 26-5-2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/ NĐ-CP. Nghị định chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-8-2016, trong đó có nhiều điểm mới về quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt so với các nghị định trước đây.
Bổ sung quy định xử phạt nhiều hành vi, nhóm hành vi vi phạm
Đối với hành vi vi phạm (HVVP) trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung, mô tả lại để làm rõ hơn đối với 105 hành vi và nhóm HVVP như: HVVP của người điều khiển xe ô tô chở người trên buồng lái quá số lượng quy định; HVVP của người điều khiển xe ô tô, xe mô tô lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định hoặc sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc có giấy phép nhưng không còn giá trị sử dụng theo quy định đối với xe được quyền ưu tiên; hay HVVP của người điều khiển xe ô tô, xe mô tô chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ...
Từ ngày 1-8, việc điều chỉnh mức phạt tiền đối với 153 hành vi, nhóm HVVP trong lĩnh vực đường bộ theo quy định của Nghị định 46 sẽ giúp hạn chế TNGT. Trong ảnh: Một vụ TNGT giữa xe container và xe khách trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: M.DUY
Nghị định cũng đã bổ sung quy định xử phạt đối với 33 hành vi và nhóm HVVP chưa được quy định trong nghị định hiện hành để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Cụ thể như: Bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô có HVVP chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy để phù hợp với Công ước Quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ mà Việt Nam vừa mới gia nhập. Bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô có HVVP dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường. Bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà)...
Về HVVP trong lĩnh vực giao thông đường sắt, Nghị định 46 cũng sửa đổi, bổ sung, mô tả lại để làm rõ hơn đối với 70 hành vi và nhóm HVVP. Bổ sung quy định xử phạt đối với 32 hành vi, nhóm HVVP chưa được quy định trong nghị định hiện hành để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm TTATGT đường sắt.
Về chế tài xử phạt, nghị định điều chỉnh mức phạt tiền đối với 153 hành vi, nhóm hành vi trong lĩnh vực đường bộ và 47 hành vi, nhóm hành vi trong lĩnh vực đường sắt. Riêng về hình thức xử phạt bổ sung, quy định thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động theo khung thời gian.
Tăng mức xử phạt
Một trong những nội dung quan trọng, được người dân quan tâm là Nghị định 46 đã quy định tăng mức xử phạt đối với nhiều HVVP trên lĩnh vực giao thông đường bộ.
Cụ thể như đối với nhóm HVVP quy định về nồng độ cồn: Nếu người điều khiển xe ô tô vi phạm quy định này ở mức 1 (theo quy định thì nồng độ cồn dưới 50 miligam hoặc dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở) sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX từ 3 - 5 tháng. Vi phạm ở mức 2 (nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở) sẽ bị phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng và tước GPLX từ 4 - 6 tháng. Vi phạm mức 3 (nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở) sẽ bị phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX từ 4 - 6 tháng.
Tương tự, nếu người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm quy định về nồng độ cồn mức 2 sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng và bị tước GPLX từ 1 - 3 tháng. Vi phạm ở mức 3 bị phạt tiền từ 3 - 4 triệu đồng và bị tước GPLX từ 3 - 5 tháng.
Riêng đối với HVVP quy định về tốc độ, nếu người điều khiển ô tô chạy quá tốc độ cho phép từ 5 - 10km và từ 10 - 20km sẽ bị phạt tương ứng với số tiền từ 600.000 - 800.000 đồng và từ 2 - 3 triệu đồng (tương đương với mức phạt của Nghị định 171). Nhưng nếu chạy quá tốc độ từ 20 - 35km sẽ bị phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng và bị tước GPLX từ 1 - 3 tháng. Nếu chạy quá tốc độ trên 35km thì bị phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng và bị tước GPLX từ 2 - 4 tháng. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chạy quá tốc độ từ 5 - 10km và từ 10 - 20km vẫn bị phạt tiền như Nghị định 171 là từ 100.000 - 200.000 đồng và từ 500.000 - 1 triệu đồng. Nhưng nếu chạy quá tốc độ trên 20km thì sẽ bị phạt tiền từ 3 - 4 triệu đồng, bị tước GPLX từ 1 - 3 tháng (NĐ 171 là 2 - 3 triệu đồng và tước GPLX 2 tháng)...
Nghị định 46 còn quy định tăng mức xử phạt đối với nhiều nhóm HVVP trên lĩnh vực giao thông đường bộ như nhóm HVVP trên đường cao tốc; hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; hành vi vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ; hành vi chở hành khách, chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ; vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; HVVP quy định về đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ hay HVVP quy định về hoạt động kiểm định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.
Nghị định 46 gồm có 5 Chương và 82 Điều, tăng 4 điều so với Nghị định số 171; trong đó tăng 2 điều tại Chương III (Hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả VPHC trong lĩnh vực giao thông đường sắt) và 2 điều thuộc Chương IV (Thẩm quyền, thủ tục xử phạt, gồm: 1 điều quy định về tước quyền sử dụng giấy phép lái xe; 1 điều quy định việc sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật)...
BÌNH MINH