Người cán bộ tận tụy với công tác dân tộc

Cập nhật: 30-03-2016 | 08:44:17

Gần 60 năm tuổi đời, 39 năm tham gia cách mạng, mắt đã mờ, chân đã mỏi nhưng ông Lê Văn Vân (ảnh) - cán bộ Văn phòng UBND tỉnh vẫn đam mê, nhiệt tình với công tác dân tộc, công tác mà ông đã có thời gian 26 năm gắn bó.

Nguyên là nhân viên ngành lâm nghiệp, ông Vân đến với công tác dân tộc như một cái duyên, khi năm 1990, Ty Lâm nghiệp Sông Bé sáp nhập với Ty Nông nghiệp thành Sở Nông - Lâm - Thủy, ông được chuyển sang Chi cục Di dân, Định canh Định cư làm công tác dân tộc. Với công việc được giao là xây dựng kế hoạch, thực hiện chính sách dân tộc, thời gian đầu còn bỡ ngỡ nhưng với sự năng động, nhạy bén, sự chia sẻ khó khăn với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), ông Vân đã quyết tâm học tập, nghiên cứu và nhanh chóng nắm bắt công việc.

Ông kể lại, ngày ấy, cũng như nhiều tỉnh khác, Sông Bé còn là tỉnh nghèo, hạ tầng giao thông kém, đường sá đi lại khó khăn, cách trở, đời sống đồng bào các dân tộc khốn khó trăm bề; đặc biệt bệnh sốt rét ở vùng sâu, vùng xa luôn là nỗi ám ảnh đối với mọi người. Đây cũng là những thách thức không nhỏ đối với những cán bộ làm công tác di dân, định canh, định cư như ông.

Ông tâm sự, năm 1995, trong quá trình thực hiện công trình định canh, định cư cho ĐBDTTS ở huyện Bù Đăng, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước), ông đã bị sốt rét rừng hành hạ tưởng chừng không qua khỏi, nhưng nhờ sự quan tâm cứu chữa tận tình của các nhân viên y tế thôn bản, sự cưu mang, đùm bọc của dân làng trong phum sóc mà ông đã vượt qua thời điểm thập tử nhất sinh. Cũng chính từ ơn nghĩa này mà ông nguyện tận tâm cống hiến đời mình cho công tác dân tộc, cho sự ấm no, giàu có của ĐBDTTS.

Khó khăn, hiểm nguy là thế, nhưng vượt lên tất cả, ông đã cùng đồng nghiệp vượt núi, băng rừng xây dựng những công trình, dự án phục vụ phát triển vùng dân tộc. Hàng chục công trình, dự án mang dấu ấn của ông, có thể kể như Trung tâm Văn hóa cụm xã: An Bình -Phước Vĩnh - Vĩnh Hòa và Tân Hiệp - An Linh - Phước Sang (Phú Giáo); dự án định canh định cư xã Đakia, huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước)…

Năm 2005, do điều kiện thực tế, Bình Dương chia tách bộ phận làm công tác dân tộc của Chi cục Di dân, Định canh, Định cư sáp nhập với Ban Tôn giáo thành lập Ban Tôn giáo - Dân tộc và sau đó ban này được chia tách thành Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ và Phòng Dân tộc thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Mặc dù cơ quan làm công tác dân tộc trải qua nhiều tên gọi nhưng công việc của ông Vân vẫn không thay đổi. Ông vẫn ngày đêm quan tâm, chăm lo đời sống cho ĐBDTTS; vẫn lắng nghe, vẫn tâm tư với những đồng bào nghèo.

Với Bình Dương, tình hình dân tộc có sự khác biệt so với nhiều tỉnh khác, đó là phần lớn ĐBDTTS sống không tập trung, mà đan xen với người kinh, điều này gây khó khăn rất lớn cho công tác dân tộc, cụ thể là việc xây dựng, triển khai các chính sách dân tộc. Để có chính sách dân tộc mang nét riêng cho ĐBDTTS Bình Dương, ông Vân đã cùng các đồng nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào để xây dựng các chính sách của tỉnh phù hợp, giúp nâng cao đời sống cho ĐBDTTS. Nhiều chính sách như: Chính sách cho người có uy tín, phổ biến pháp luật, khuyến nông… cho ĐBDTTS được ông theo dõi, triển khai thực hiện tốt.

26 năm làm công tác dân tộc, đến thời điểm này, điều làm ông vui nhất đó là: ĐBDTTS của Bình Dương không còn ai nghèo theo tiêu chí của Trung ương và toàn tỉnh chỉ còn 56 hộ ĐBDTTS nghèo theo tiêu chí của tỉnh trong tổng số gần 6.000 hộ ĐBDTTS. Dẫu biết rằng, kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của cán bộ và nhân dân trong tỉnh, tuy nhiên công lao của ông là không thể phủ nhận. Nhận xét về ông Vân, ông Lê Đình Ngọc, nguyên Trưởng phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh, cho biết ít thấy có người cán bộ nào nhiệt tình, tâm huyết với công tác dân tộc như ông Vân. Ông đã dám dấn thân, nỗ lực hết mình, làm việc bằng cái tâm trong sáng, tất cả vì cuộc sống ấm no của ĐBDTTS.

Đến nay, thời gian nghỉ chế độ hưu đối với ông Vân chỉ còn tính theo tháng, nhưng với ông khi nào còn sức khỏe thì vẫn còn tiếp tục đóng góp, cống hiến cho công tác dân tộc để ĐBDTTS ở Bình Dương ai cũng giàu có, khá giả, ai cũng có tri thức để cùng người kinh tiến lên trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân mà ông Vân đã học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh thật đáng trân trọng và ghi nhận. Xin chúc ông mạnh khỏe, tiếp tục đồng hành với công tác dân tộc, vì sự nghiệp công tác dân tộc.

THANH PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=556
Quay lên trên