“Già rồi, lưỡi ngắn, nói chuyện không còn nhanh nhẹn, trôi chảy như hồi đó, cứ lắp ba lắp bắp; chân thì cũng yếu lắm rồi, đi lại khó khăn”, ông tự nhận như thế. Nhưng ông nào có chịu yên, 13 năm tự đứng ra tổ chức đám giỗ cho đồng đội, cũng là chừng ấy năm ông gõ cửa ngành chức năng, chính quyền địa phương xin công nhận liệt sĩ cho đồng đội mình. Tết này, ông đã bước qua tuổi 90 và tâm nguyện vẫn là “khi nào hết cách tôi mới bỏ cuộc, chứ không đành lòng nhìn người đồng chí của mình đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mà đến nay chưa được công nhận liệt sĩ”. Người lính già này chính là ông Ao Sỹ, Trưởng ban Liên lạc Đoàn B.90 - C.200 - C.270.
Các đồng chí, đồng đội năm xưa thắp nhang tưởng nhớ ông Trần Văn Thời tại Bia ghi công liệt sĩ xã Phủ Lý
Người bạn thân mãi đi xa
Ông Ao Sỹ, Trưởng ban Liên lạc Đoàn B.90 - C.200- C.270 (các đơn vị tham gia mở đường và xây dựng cơ sở trên dọc hành lang chiến lược từ Nam Tây nguyên đến miền Đông Nam bộ để làm nhiệm khai thông đường Hồ Chí Minh, đoạn từ Nam Tây nguyên đến Đông Nam bộ) tự nhận: “...Chân thì cũng yếu lắm rồi, đi lại khó khăn”, nhưng đôi chân già ấy, cái miệng lắp ba lắp bắp ấy thì vẫn đang tiếp tục gõ cửa các ngành chức năng, chính quyền địa phương của tỉnh Đắk Nông để làm thủ tục xin công nhận liệt sĩ cho ông Trần Văn Thời - liệt sĩ đầu tiên của Đoàn B.90 hy sinh vì sự nghiệp mở đường Hồ Chí Minh cuối dãy Trường Sơn, đoạn từ Nam Tây nguyên đến Đông Nam bộ.
“Nay bước sang năm thứ 13 rồi, gõ cửa đủ các ngành chức năng, chính quyền địa phương từ tỉnh Đồng Nai đến Đắk Nông, ông không ngán hả?”, khi nghe câu hỏi đó, mắt ông Ao Sỹ đượm buồn và chớp chớp, hình như không giấu được cảm xúc. Và ông nhớ về một miền ký ức... Cách đây hơn 60 năm, 25 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn B.90 đã Nam tiến với nhiệm vụ về miền Nam hợp nhất với lực lượng của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, xây dựng cơ sở, soi mở đường và bắt liên lạc với lực lượng cách mạng của Xứ ủy Nam bộ, hình thành con đường chiến lược thông suốt Bắc - Nam ở cuối dãy Trường Sơn. Để được chọn vào đoàn này phải có một tiêu chuẩn đặc biệt là “không có vợ con và người yêu ở miền Bắc” để khi lên đường không bận bịu hậu phương và cũng là một biện pháp giữ bí mật tuyệt đối chủ trương của Đảng. Chỉ vì muốn tham gia đoàn này, ông Trần Văn Thời có người yêu ở miền Bắc nhưng đành giấu tổ chức. Thông tin không ai biết, ông Trần Văn Thời chỉ tâm sự riêng với ông Ao Sỹ và cũng luôn được giữ bí mật.
Vàm sông Đak R’Tik, nơi ông Trần Văn Thời hy sinh
Ông Ao Sỹ kể, theo dự định ban đầu, hai đoàn Nam - Bắc sẽ gặp nhau vào cuối tháng 7-1960 tại vàm suối lớn, nhưng điều này khó thực hiện bởi tháng này miền Nam đã vào mừa mưa, suối lớn, suối nhỏ đều đầy nước như nhau không phân biệt được. Vì vậy, anh em phải chờ... Tháng 9, cơn mưa rừng dai dẳng, có lúc 2, 3 ngày chưa thấy mặt trời. Vàm sông Đak R’Tik cuồn cuộn chảy. Nhưng vì lương thực đã cạn và các thành viên của đội nóng lòng mở đường về Nam, vì vậy y tá Trần Văn Thời, người trẻ nhất đoàn xung phong bơi qua sông... Có vinh quang nào mà không trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương. Vàm sông Đak R’Tik chảy cuồn cuộn, sức người có hạn và ông Trần Văn Thời đã anh dũng hy sinh khi mới bước qua tuổi đôi mươi...
Nghĩa tình đồng đội
Bao nhiêu năm trôi qua, hình ảnh ông Trần Văn Thời vẫn khắc ghi mãi trong tâm trí ông Ao Sỹ. Sau ngày về hưu, vợ chồng ông Ao Sỹ trở về quê hương của ông Trần Văn Thời ở Chiến khu Đ (xã Phủ Lý, tỉnh Đồng Nai) để tìm. Về đây mới biết, đây cũng chỉ là quê hương thứ hai. Cha và chị gái cũng đã mất, không còn ai thân thuộc. Thương cho đồng đội mình, vợ chồng ông lại lặn lội ra tận miền Bắc, về tận địa chỉ mà ngày xưa ông Trần Văn Thời kể để tìm người yêu cho đồng đội của mình đã hy sinh. Nhưng người ấy đã có gia đình riêng nên ông Ao Sỹ lặng lẽ trở về và giữ bí mật cho đến hôm nay. Ông Trần Văn Thời không còn người thân, không vợ, không con... nên cũng kể từ đó, ông Ao Sỹ đứng ra tổ chức đám giỗ. Căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Đình Biên, Bí thư Chi bộ ấp Lý Lịch I, xã Phủ Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai được chọn làm nơi tổ chức đám giỗ cho ông Trần Văn Thời.
“Tôi sẽ cố gắng, khi nào hết cách mới bỏ cuộc, chứ tôi không đành lòng nhìn người đồng chí của mình đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mà đến nay chưa được công nhận là liệt sĩ...”. (Ông Ao Sỹ, Trưởng ban Liên lạc Đoàn B.90 - C.200 - C.270) |
Nghĩ lại cảnh đồng đội mình hy sinh vì Tổ quốc nhưng chưa được ghi công, ông Ao Sỹ gõ cửa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương của tỉnh Đồng Nai, rồi đến Đắk Nông. Đôi mắt ông Ao Sỹ chùng xuống: “Nó (cách ông Ao Sỹ thân mật gọi ông Trần Văn Thời) hy sinh là có thật, đồng đội tham gia mở đường chung vẫn còn. Nhưng 13 năm rồi...”. Câu nói của ông bị bỏ lửng.
Và, không chỉ lặn lội đi tìm đồng chí, đồng đội, ông Ao Sỹ còn trèo đồi, lội suối để cắm mốc từng căn cứ, từng nơi mà các đơn vị tham gia mở đường và xây dựng cơ sở trên dọc hành lang chiến lược từ Nam Tây nguyên đến miền Đông Nam bộ đã đi qua. Như lời một cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông, nói: “Núi Nâm Nung cao, hoang sơ vậy đó mà hơn chục năm trước, mấy chú cháu lên đó cắm chốt ở cả chục ngày. Lịch sử tỉnh Đắk Nông ghi công lớn của các chú”.
Chia tay người lính Trường Sơn Ao Sỹ, tôi cảm thấy một điều rất đáng trân trọng ở ông, chính là nghĩa tình với đồng đội và trách nhiệm với lịch sử. Trở về với đời thường, ở cái tuổi đã xế chiều, nhưng ông vẫn luôn cố gắng làm hết trách nhiệm của mình với những đồng đội đã ngã xuống và cả những người còn đang sống. Câu nói của ông: “Khi nào hết cách tôi mới bỏ cuộc...”, khiến tôi cứ bị ám ảnh mãi. Mong rằng, trong một ngày không xa, ước nguyện cuối đời của ông: “Tìm được danh” cho đồng đội của mình sẽ được thực hiện...
“Ông Trần Văn Thời là người Kinh nhưng khi về đây sinh sống, tham gia cách mạng làm lý lịch thì ghi là người dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc chúng tôi rất tự hào vì có một liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp mở đường Trường Sơn. 13 năm nay, mỗi năm gia đình tôi và các chú, các bác cùng đơn vị với ông Trần Văn Thời đã đứng ra tổ chức đám giỗ cho ông ấy. Tuy chưa được công nhận là liệt sĩ, nhưng ghi nhận công lao của ông Thời, xã Phủ Lý đã trang trọng khắc tên Trần Văn Thời lên bia ghi công liệt sĩ của xã...”. (Ông Nguyễn Đình Biên, Bí thư Chi bộ ấp Lý Lịch I, xã Phủ Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) |
THU THẢO