Vào giữa một tháng mùa mưa mát mẻ của phương Nam, chúng tôi đã tìm gặp và có buổi trò chuyện thật thú vị với nữ tiến sĩ trẻ Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm trường Đại học Thủ Dầu Một. Chị Thương được mọi người biết đến bởi lòng đam mê nghiên cứu khoa học và có khát vọng đưa khoa học trở nên gần gũi với đời sống bằng những ứng dụng thực tế.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương (bìa trái) cùng lãnh đạo trường Đại học Thủ Dầu Một hướng dẫn đoàn cán bộ tỉnh Bến Tre tham quan phòng thí nghiệm nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo. Ảnh: P.V
Đam mê khoa học
Mái tóc tém cá tính, gương mặt tỏa sáng với nụ cười tươi gần gũi, tác phong nhanh nhẹn… là ấn tượng ban đầu mà chúng tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm trường Đại học Thủ Dầu Một. Sinh ra và lớn lên tại Bình Dương, từ nhỏ chị Thương đã nuôi dưỡng ước mơ đam mê khoa học. Ấp ủ ước mơ trở thành một nhà khoa học, nên khi tốt nghiệp THPT, chị Thương đã theo học tại khoa Vi sinh - Sinh học phân tử, trường Đại học Khoa học tựnhiên TP.Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp đại học, nối tiếp niềm đam mê, chị Thương đã hoàn thành luận án tiến sĩ công nghệ sinh học từ học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc, chuyên ngành công nghệ sinh học tại trường Đại học Ulsan năm 2012. Sau đó, tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương trở về công tác, giảng dạy tại trường Đại học Thủ Dầu Một; đảm nhận vai trò là giảng viên (năm 2012-2014); Phó Trưởng khoa Tài nguyên - Môi trường (2014-2016); Phó Trưởng khoa Công nghệ sinh học (2016) và hiện nay là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm trường Đại học Thủ Dầu Một, người đã thành công trong nghiên cứu và nuôi cấy nấm dược liệu quý đông trùng hạ thảo với giá thành thấp mà vẫn bảo đảm chất lượng. Ảnh: T.LÊ
Trong suốt quá trình công tác, nghiên cứu, tiến sĩ Thương đã khẳng định được “thương hiệu” cá nhân qua rất nhiều sản phẩm ứng dụng thực tế. Đó là những đề tài nghiên cứu chế tạo mô hình sinh học hiếu khí; nghiên cứu nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris trên môi trường nhân tạo tại trường Đại học ThủDầu Một; nghiên cứu phát triển hạt nano từ phủ lớp sinh học ứng dụng trong lọc tủy và nhiều công trình được đăng tải trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế… Trong đó, đặc biệt nhất là chị đã thành công trong việc triển khai ứng dụng nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo trên môi trường nhân tạo. “Với thành công từ việc nuôi trồng nấm dược liệu quý như đông trùng hạ thảo, chúng tôi mong muốn trong thời gian sắp đến có thể nuôi trồng rộng rãi chủng nấm, liên kết với các ngành chức năng để mở rộng khả năng sản xuất nấm có dược tính, giá trị kinh tế cao tại Bình Dương và các vùng lân cận, nhằm hạ giá thành sản phẩm; đồng thời chuyển giao công nghệ đến người dân”, tiến sĩ Thương chia sẻ. Có thể nói, đây là bước khởi đầu ấn tượng trong chuỗi đề tài nghiên cứu về các loại nấm dược liệu trong các nghiên cứu kế tiếp về mảng sinh học ứng dụng, tạo nhiều hứng khởi cho tiến sĩ Thương cùng các cộng sự.
Đưa công nghệ sinh học ứng dụng vào cuộc sống
Với những niềm trăn trở, đau đáu với nghề, mong mỏi được cống hiến cho đời bằng những sản phẩm hữu dụng, nữ tiến sĩ trẻ Nguyễn Thị Liên Thương đã khẳng định được bản lĩnh và được trường Đại học Thủ Dầu Một tạo điều kiện để phát huy tài năng, cụ thể là giao đảm nhiệm vai trò là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm (ra đời tháng 10-2016). Không ngại khó khăn, chị Thương đã mạnh dạn đề xuất, lập dự án và đứng ra gánh vác trọng trách với nhà trường khi đã định hướng, đưa Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đi vào hoạt động hiệu quả. Cụ thể, trong hợp tác với doanh nghiệp, trung tâm đã tư vấn, đưa đến ký kết giữa Công ty Geneworld và trường Đại học Thủ Dầu Một về phát triển mỹ phẩm từ đông trùng hạ thảo; tư vấn đưa đến ký kết về phát triển sản phẩm rượu và quy trình nuôi từ đông trùng hạ thảo; nhận đặt hàng phát triển sản phẩm xà bông hữu cơ, tinh dầu và trà túi lọc; phối hợp tổ chức các ngày khoa học thực hành cho học sinh các trường THPT, THCS; tổ chức các hội thảo về công nghệ sinh học và sinh học ứng dụng…
Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương (thứ 3, từ phải qua) và các công sự tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp chất lượng cao tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: P.V
Bên cạnh đó, tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương cũng đã phối hợp cùng nhà trường nâng cấp phòng nuôi đông trùng hạ thảo bao gồm máy lạnh, kệ, đề xuất xây dựng và sản xuất nấm linh chi; đề xuất xây dựng nhà lưới trồng rau hữu cơ điều khiển tự động qua phần mềm; phối hợp với giảng viên khoa công nghệ sinh học, trong nghiên cứu, phát triển các sản phẩm như xà bông hữu cơ, son môi hữu cơ, tinh dầu, chế phẩm vi sinh ủ phân và phòng bệnh cây trồng, chế phẩm tiêu hữu cơ, cà phê chồn, tỏi đen, mẫu tiêu bản thực vật… Đặc biệt, chị còn phối hợp với doanh nghiệp nhằm đưa sản phẩm đến người tiêu dùng với giá thành hợp lý nhất. Là người đam mê và rất tâm huyết với hoạt động nghiên cứu khoa học, nên chị luôn được sự ủng hộ và tạo điều kiện của lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo khoa và cộng sự. Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương chia sẻ: “Trên hành trình nghiên cứu khoa học, dù có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng chưa khi nào tôi cảm thấy đơn độc vì luôn nhận được sự tin tưởng từ lãnh đạo trường, đồng nghiệp, gia đình”.
Nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ sinh học hiện cũng còn khá xa lạ với nhiều người, nhưng bằng sự đam mê và tâm huyết với lĩnh vực mình đã chọn, tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương đã và đang góp phần đưa các công trình nghiên cứu, kết quả thực nghiệm trở nên gần gũi với thực tế đời sống. Không những thế, trung tâm do chị phụ trách còn tìm ra các giải pháp nâng cao khả năng hiện thực hóa các kết quả nghiên cứu trong việc áp dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào thực tiễn…
THANH LÊ