Người đưa Nhật Bản “phất cờ” trên trường quốc tế

Cập nhật: 09-07-2019 | 14:37:50

Thủ tướng Shinzo Abe đang lèo lái để đưa Nhật Bản ngày càng khẳng định mạnh mẽ hơn nữa tính chính danh quốc tế của mình nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược chính của Tokyo trong kỷ nguyên đối đầu Trung - Mỹ.

Nhật Bản điều động hàng chục nghìn cảnh sát đảm bảo an ninh Thượng đỉnh G20

Những “trái ngọt” từ một gốc vững vàng

Thành công của Hội nghị G20 vừa qua tại Osaka (Nhật Bản) có dấu ấn cá nhân rất lớn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trong bối cảnh rối bời của tình hình quốc tế, Thủ tướng Shinzo Abe đã góp phần cứu hội nghị này không trở thành hội nghị cấp cao thường niên đầu tiên kết thúc mà không thông qua được tuyên bố chung kể từ khi khuôn khổ diễn đàn G20 được nâng lên thành hội nghị cấp cao thường niên lần đầu tiên vào năm 2008.

Đó là ở cấp độ đa phương, xét ở cấp độ song phương, trong khuôn khổ G20, có thể thấy ông Abe đã có những ngày “bội thu” khi có những cuộc tiếp xúc song phương với các lãnh đạo quan trọng như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron...

Qua đó, Thủ tướng Shinzo Abe đã đặt nền tảng mới cho thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt cho quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, mở đường cho ông Tập Cận Bình tới thăm Nhật Bản trong năm 2020. Với Pháp, ông Abe đạt được thỏa thuận về hợp tác và liên kết vì "khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương không có bá quyền".

Giữa “sóng gió” Mỹ - Trung, Thủ tướng Abe đã rất khôn khéo và uyển chuyển với cả hai đối tác để lồng ghép lợi ích chung, riêng để phía Mỹ đồng ý ký vào tuyên bố chung, tránh lặp lại kịch bản của Hội nghị APEC năm 2018.

Suy rộng ra từ G20, có thể thấy, Thủ tướng Shinzo Abe đang lèo lái để đưa Nhật Bản ngày càng khẳng định mạnh mẽ hơn nữa tính chính danh quốc tế của mình nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược chính của Tokyo trong kỷ nguyên đối đầu Trung - Mỹ.

Chính sách của ông Abe rất ổn định và táo bạo.

Tính ổn định trong chính sách

Được bầu lại làm lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do vào tháng 9-2017, ông Shinzo Abe có thể sẽ nắm quyền cho đến năm 2021 và do vậy ông là nhà lãnh đạo có nhiệm kỳ dài nhất sau chiến tranh (ông Abe lên nắm quyền vào tháng 9-2012, sau một nhiệm kỳ đầu tiên ngắn ngủi 2006-2007). Phần nào đó, sự ổn định này đã giúp ông Abe trở thành trụ cột đưa Nhật Bản đóng vai trò trung tâm trong một cộng đồng quốc tế bị giằng xé giữa sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, bảo hộ,...

Trên trường quốc tế, Nhật Bản không còn đóng vai trò thụ động mà tỏ ra chủ động để bảo vệ tốt hơn những lợi ích của mình, trong khi chủ nghĩa đơn phương của Tổng thống Mỹ và sự trỗi dậy của Trung Quốc làm xáo trộn trật tự khu vực và quốc tế. Đặc biệt, để khẳng định mình, Thủ tướng Shinzo Abe còn nỗ lực phát triển chiến lược lớn mang tên "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", đa dạng hóa các đối tác để khẳng định mình trên trường quốc tế.

Tháng 8-2016, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản - châu Phi (TICAD) tại Nairobi, Thủ tướng Abe đã tuyên bố chiến lược xây dựng một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Đây là một dự án lớn tài trợ cho các cơ sở hạ tầng trong khu vực nhằm tăng cường sự kết nối, thịnh vượng và ổn định của khu vực. Chiến lược nói trên sẽ mang lại một lựa chọn thay thế cho các nước trong khu vực để cho phép họ tránh đối mặt trực tiếp với Trung Quốc.

Ông Abe cho rằng dự án Con đường tơ lụa mới không chỉ là một kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng mà trên thực tế là một dự án địa chiến lược lớn, với mục tiêu cuối cùng là mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, thậm chí đảm bảo quyền bá chủ của Trung Quốc trong khu vực. Do vậy, chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở" cũng mở ra một câu chuyện địa chính trị thay cho dự án của Trung Quốc.

Song song với đó, ông Abe cũng hướng tới đa dạng hóa các đối tác ngoại giao và chiến lược. Nhật Bản có quan điểm rất tương đồng với Ấn Độ - nước phản đối mạnh mẽ dự án của Trung Quốc. Tháng 5-2017, Ấn Độ và Nhật Bản đã xây dựng một kế hoạch chung mang tên "Hành lang tăng trưởng Á - Phi" nhằm mục đích cùng phát triển các dự án cơ sở hạ tầng và kết nối trong khu vực và đặc biệt ở châu Phi.

Tháng 7-2018, Tokyo, Washington và Canberra đã công bố một quan hệ đối tác 3 bên trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, với dự án điện khí hóa đầu tiên ở Papua New Guinea. Cuối cùng, Nhật Bản là nước khởi động lại "Đối thoại tứ giác an ninh" (bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) nhằm thiết lập một dự án thay thế cho dự án Con đường tơ lụa.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng tiếp tục đa dạng hóa các quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng, khuyến khích đồng minh Mỹ tiếp tục can thiệp ở châu Á và tạo đối trọng với Trung Quốc. Ở Đông Nam Á, Nhật Bản góp phần tăng cường năng lực hàng hải của các quốc gia trong khu vực (đặc biệt là Philippines và Indonesia) thông qua việc huấn luyện các lực lượng bảo vệ bờ biển và chuyển giao tàu tuần tra.

Tokyo cũng xích lại gần hơn với các nước châu Âu thông qua Hiệp định Thương mại tự do Nhật Bản - EU. Ông Abe cũng đẩy mạnh quan hệ hợp tác an ninh với Anh và Pháp nhằm duy trì việc tôn trọng tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Shinzo Abe còn theo đuổi một mục tiêu cá nhân trong mối quan hệ với Tổng thống Vladimir Putin. Trái ngược với những căng thẳng Nga - phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, Nhật Bản đã thực hiện chính sách hợp tác và xích lại Nga nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Nam Kurils, đồng thời đã ký kết hiệp ước hòa bình với Nga. Kể từ năm 2012, ông Abe và ông Putin đã gặp nhau hơn 25 lần.

Như vậy, Thủ tướng Abe đã nỗ lực để Nhật Bản không còn thu mình trong lĩnh vực ngoại giao và quân sự. Cam kết mang tính cá nhân này đóng vai trò trọng tâm trong việc tăng cường vai trò của quốc tế Nhật Bản. Chủ nghĩa tích cực của ông Shinzo Abe đã đặt câu hỏi về tương lai của chính sách ngoại giao chủ động của Nhật Bản sau khi ông Abe hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2021.

Việc một nhà lãnh đạo lên nắm quyền ít quan tâm đến các vấn đề quốc tế có thể làm suy yếu cam kết ngoại giao này, đặc biệt khi những vấn đề căn bản về kinh tế và dân số của Nhật Bản đòi hỏi sự quan tâm ngày càng tăng của cơ quan hành pháp nước này.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1450
Quay lên trên