Ông Trump có bao nhiêu khả năng tái đắc cử?

Cập nhật: 28-06-2019 | 15:24:35

Một loạt kết quả thăm dò ý kiến cử tri trên toàn nước Mỹ vừa công bố đã khiến Tổng thống Donald Trump nổi giận vì cho rằng ông không có nhiều cơ hội chiến thắng các đối thủ bên đảng Dân chủ. Tuy nhiên, các chuyên gia thì cho rằng kết quả thăm dò này chưa phản ánh chính xác những khả năng thắng - bại của ông Trump vào năm tới.

Một ngày sau khi các kết quả thăm dò cử tri được công bố trên báo chí, Tổng thống Trump đã đùng đùng nổi giận, lên mạng xã hội Twitter đăng liền 2 dòng bình luận: “Tin giả chưa bao giờ tệ hại hơn bây giờ. Nhờ trời, chúng ta có thể phản pháo lại chúng trên mạng xã hội”.

Ông Trump tiếp tục công kích truyền thông, gọi các cuộc thăm dò dư luận vừa công bố là “thăm dò giả” với các con số được mạo dựng nên, là vũ khí mới của truyền thông nhằm tấn công vào uy tín của ông. Ông Trump còn viết rằng, ông không những sẽ giành chiến thắng vào năm 2020 mà còn được dân chúng Mỹ mời tiếp tục ở lại Nhà Trắng, dù điều này trái với Hiến pháp Mỹ.

Cơn giận của ông Trump được châm ngòi bởi kết quả thăm dò cử tri do Đại học Quinnipiac tiến hành. Theo đó, 6 ứng cử viên sơ bộ của đảng Dân chủ hiện đang dẫn điểm ông Trump với khoảng cách từ 5 đến 13 điểm phần trăm. Trong đó, Joe Biden là người dẫn điểm cao nhất, với 13 điểm phần trăm, thấp nhất là Cory Booker, với 5 điểm phần trăm.

Kết quả nêu trên cũng trùng khớp với một vài cuộc thăm dò dư luận khác, cho thấy bầu không khí dư luận dành cho Tổng thống Trump hiện không tươi sáng lắm, nhất là khi ông đang xây dựng chương trình nghị sự để tung ra trong chiến dịch tranh cử sắp tới. Liệu những kết quả này có ảnh hưởng gì đến chiến dịch sắp tới của ông Trump không? Câu trả lời là có thể có, cũng có thể không.

Dữ liệu của các hãng thăm dò cho thấy nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump luôn chìm trong tỉ lệ ủng hộ thấp ngay từ khi ông nhậm chức đầu năm 2017. Trong hơn 2 năm qua, chỉ có một lần duy nhất ông Trump được tận hưởng tỉ lệ ủng hộ cao hơn phản đối và tỉ lệ này kéo dài được gần nửa tháng. Phần thời gian còn lại, tỉ lệ ủng hộ của ông luôn dao động quanh mức 40%.

Tổng thống Donald Trump là người giỏi điều khiển dư luận.

Hiện tại, tỉ lệ ủng hộ ông ở mức 42,6%, còn tỉ lệ không đồng tình là 53%. So với người tiền nhiệm Barack Obama thì tỉ lệ ủng hộ của Tổng thống Trump kém khá xa. Ông Obama luôn đạt tỉ lệ ủng hộ dao động trong khoảng từ 43% cho đến 59% suốt 2 nhiệm kỳ tổng thống, trong đó đa phần là trên 50%.

Theo giới chuyên gia, hiện nay vẫn còn quá sớm để kết luận từ các kết quả thăm dò cử tri. Mặc dù các cuộc thăm dò được thực hiện nhằm phản ánh mức độ ủng hộ của các khu vực cử tri dành cho các ứng cử viên nhưng kết quả chỉ phản ánh tình cảm cử tri vào thời điểm hiện tại, khi tiến hành các cuộc thăm dò. Qua thời gian, tình cảm, thái độ của cử tri có thể thay đổi rất nhanh.

Các chuyên gia phân tích ý kiến cử tri vẫn chưa quên những cuộc thăm dò được tiến hành trong giai đoạn nước rút trước ngày bầu cử năm 2016. Hầu như cuộc thăm dò nào cũng phản ánh ưu thế tại các bang chủ chốt thuộc về bà Hillary Clinton.

Thế nhưng, những thành phần cử tri chưa quyết định, được đánh giá là “không quan tâm đến cuộc bầu cử”, đến ngày bầu cử lại kéo nhau đi bỏ phiếu và họ đã không nói cho các nhà thăm dò cử tri biết họ sẽ chọn bỏ phiếu cho ông Trump. Bên cạnh đó, kết quả thăm dò cử tri của Đại học Quinnipiac còn cho thấy ông Trump cũng có thể hưởng lợi từ tỉ lệ 70% cử tri nói rằng nền kinh tế dưới thời ông Trump lãnh đạo đến nay là “xuất sắc”, là “tốt”.

Giới phân tích luôn biết rằng, ông Trump nổi tiếng là một tổng thống của “truyền hình thực tế”, với nhiều màn phát biểu gây sốc trên truyền hình. Mặt khác, ông cũng là vị Tổng thống Mỹ rất giỏi về chiến thuật sử dụng mạng xã hội để điều khiển dư luận. Người ta nói rằng, ông Trump có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng, đẩy nó lên đến cao trào rồi sau đó thoái lui ngay khi ở trên miệng vực và tuyên bố chiến thắng. Cái hay của ông Trump chính là trong khi mọi người, báo chí truyền thông còn bận rộn làm ầm ĩ về vấn đề ông tạo ra thì ông lại âm thầm triển khai kế hoạch của riêng mình.

Chiêu thức phát động khủng hoảng rồi thoái lui, tuyên bố chiến thắng đó đã từng giúp ông Trump đánh bóng hình ảnh của mình trong cử tri. Tiêu biểu cho chiêu thức này là vụ gây áp lực buộc Mexico phải đồng ý ngăn dòng người di cư vào Mỹ vừa qua. Ông Trump ra tuyên bố sẽ áp thuế 5% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu của Mexico nếu sau ngày 10-6 mà Mexico không có biện pháp truy quét, ngăn chặn người di cư đến Mỹ.

Trong khi dư luận dồn sự chú ý vào vấn đề “thương chiến” sắp nổ ra giữa Mỹ và Mexico thì ông Trump đã âm thầm đàm phán với Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador và đạt được điều mình mong muốn, có thể xem là một thắng lợi quan trọng. Khi thỏa thuận về người di cư giữa Mỹ và Mexico được công bố ngày 7-6, mọi người mới vỡ lẽ rằng Tổng thống Trump đã “cao tay ấn” hơn giới truyền thông trong vụ Mexico. Kết quả này đã giúp ông tăng điểm trong mắt cử tri Mỹ, đồng thời khẳng định chính sách thuế quan đã trở thành công cụ chính trị lợi hại của ông.

Tổng thống Donald Trump cũng sử dụng chiêu thức tương tự trong đối sách với CHDCND Triều Tiên. Và cách đây 2 năm, khi mới lên nắm quyền, ông tung hỏa mù “có 2 băng ghi âm các cuộc nói chuyện riêng giữa ông với cựu Giám đốc FBI James Comey. Khi guồng máy dư luận và đồn thổi ở Washington lên cơn sốt về vấn đề này thì ông Trump đưa ra đáp án cuối cùng trên Twitter: “Tôi chẳng làm ra hay nắm trong tay bất cứ băng ghi âm nào như thế cả”.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=6332
Quay lên trên