Ông Nguyễn Thanh Răng (sinh năm 1961), ở ấp Bến Giảng, xã Phú An, TX.Bến Cát đã có gần 30 năm gắn bó với nghề làm bánh tráng. Nghề này đã giúp gia đình ông vươn lên khá giả...
Kiên trì vượt khó!
Ông Răng sinh ra trong một gia đình thuần nông, cuộc sống khó khăn phải bươn chải kiếm sống từng ngày. Năm 1985, khi đang học lớp 11 ông đã phải thôi học về phụ giúp gia đình. Kể về cơ duyên với nghề làm bánh tráng, ông nói: “Tôi đến với nghề làm bánh tráng như một cái duyên. Một hôm, đang ngồi xay bột thì có người chạy xe bột mì từ Tây Ninh xuống bảo tôi lấy vài bao bán thử. Tôi cũng liều lấy 10 bao để bán. Thấy tôi bán được, một số gia đình ở gần nhà đã mở lò bánh mì. Từ chỗ chỉ vài hộ làm bánh tráng nhỏ lẻ ban đầu, nay đã hình thành nên làng nghề bánh tráng Phú An”.
Ông Răng luôn theo sát từng công đoạn của quá trình sản xuất bánh để chất lượng bánh tráng luôn được bảo đảm. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Ông Răng kể, vào thời điểm năm 1990, ở xã Phú An có đến hơn 100 hộ tham gia làm bánh tráng. Nhà làm ít người thì 1 bếp, nhà có đông thành viên thì có 3 - 4 bếp hoạt động liên tục từ tờ mờ sáng cho đến quá trưa. Vào lúc giáp tết hoặc có đơn đặt hàng, cả xóm phủ một màu trắng của bánh tráng. Bánh tráng Phú An lúc đó không chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn được xuất đi Mỹ và một số nước châu Âu.
Làng nghề bánh tráng Phú An hưng thịnh nhất là vào thời kỳ 1990-2000. Sau đó đến giai đoạn làng nghề gặp khó khăn do giá nguyên liệu, nhân công cao, trong khi đầu ra không ổn định, nhiều người đã phải bỏ nghề. Năm 2010, khi địa phương bắt đầu xuất hiện nhiều nhà máy, xí nghiệp, nhiều người không còn mặn mà với nghề làm bánh tráng, chuyển qua làm công nhân có thu nhập ổn định hơn.
Khó khăn là thế, nhưng với niềm đam mê nghề, ông Răng vẫn quyết tâm gắn bó, khôi phục nghề truyền thống của quê hương. Để giảm bớt công sức và thời gian, ông đã sang Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh học nghề và tìm hiểu, mua máy về làm bánh tráng. Bên cạnh khoản vốn tiết kiệm được, ông còn vay ngân hàng 200 triệu đồng và mượn thêm anh em trong gia đình, bạn bè để có 700 triệu đồng mua máy làm bánh, máy cắt, xây nhà xưởng, xây trụ phơi bánh trên diện tích khoảng 3.000m2 đất của gia đình.
Ông Răng cho biết thêm, làm bánh tráng bằng máy móc ngoài giảm nhiều chi phí nhân công còn làm ra nhiều sản phẩm hơn. Nếu như trước đây, làm bằng thủ công một ngày ông sản xuất ra được 200kg bánh thì hiện nay có máy móc hỗ trợ, sản lượng bánh làm ra tăng lên 500kg/ngày, tương đương khoảng 50 thiên (50.000 bánh); giá bán hiện nay từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Bánh tráng ông làm vừa xong là có thương lái đến gom hàng nên đầu ra rất ổn định.
Mong sớm có nhãn hiệu tập thể
Từ một người nông dân, giờ đây ông Răng đã là Giám đốc doanh nghiệp kinh doanh nông sản xã Phú An, TX.Bến Cát. Doanh nghiệp của ông đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với mức lương khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Doanh thu của doanh nghiệp bình quân khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Ông Răng chia sẻ, làm nghề gì cũng có sự vất vả, khó khăn. “Nghề làm bánh tráng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Vào những tháng mưa, có khi không làm được hoặc làm xong cũng bị hư, không đạt chất lượng phải bỏ hết. Bên cạnh đó, cũng có thời điểm giá nguyên liệu đầu vào tăng, trong khi giá bán sản phẩm lại bấp bênh, không ổn định cũng làm cho người gắn bó với nghề này chật vật”, ông Răng tâm tình.
Tuy nhiên, điều ông Răng quan tâm nhiều hơn cả là hiện nay, bánh tráng ông làm ra vẫn để bánh trần, buộc dây bán lẻ tại các chợ, chưa có bao bì bọc ngoài. Vì thế người tiêu dùng vẫn chưa biết đến thương hiệu bánh tráng Phú An một cách chính thức. Nhằm góp phần giải quyết vấn đề này, năm 2014 ông tập hợp những hộ làm bánh tráng còn lại tại địa phương để vận động thành lập Tổ hợp tác bánh tráng Phú An với mong muốn giữ vững nghề truyền thống.
Bánh tráng Phú An có đặc tính dẻo, trắng, thơm ngon, nhúng nước không dính... nên được nhiều người ưa chuộng. Với sự giúp đỡ của Sở Khoa học - Công nghệ, hy vọng rằng Tổ hợp tác bánh tráng Phú An sẽ sớm được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
QUỲNH NHIÊN