Thời gian qua, phong trào nuôi cá lóc thương phẩm ở phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên phát triển khá nhanh, do hiệu quả kinh tế từ nuôi cá lóc thương phẩm ổn định và việc tiêu thụ sản lượng cá nuôi cũng có nhiều thuận lợi. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, theo phản ánh của các hộ nuôi cá lóc ở phường Thái Hòa, do nguồn nước sông bị ô nhiễm đã gây không ít khó khăn cho bà con nông dân.
Ông Nguyễn Thế Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thái Hòa cho rằng, nước thải sinh hoạt đen ngòm từ suối Cầu đã ảnh hưởng rất lớn đến các hộ nuôi trồng thủy sản Ảnh: TÂM BÌNH
Sản lượng cá giảm
Hiện trên địa bàn phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên có 20 hộ đang nuôi thủy sản các loại với diện tích 67,5 ha, mỗi năm cho sản lượng hàng ngàn tấn cá thương phẩm. Phong trào nuôi cá lóc thương phẩm phát triển nhanh trong những năm gần đây đã giúp cho nhiều bà con nông dân nơi đây cải thiện điều kiện kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình và đóng góp rất lớn vào mức tăng trưởng giá trị kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, do nguồn nước sông bị ô nhiễm nên đã ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng cá thu hoạch của bà con.
Với thâm niên nuôi cá lóc được hơn 12 năm, anh Trần Quang Thái Sơn, ở khu phố Tân Mỹ, phường Thái Hòa cho biết, những năm trước khi nguồn nước sông chưa bị ô nhiễm, với diện tích 50.000m2 trung bình mỗi năm anh thu hoạch được 500 tấn cá lóc thương phẩm, cho lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng. Thực tế, cá lóc nuôi được 2 vụ/năm, bình quân 10.000m2/ao anh thu được 100 tấn cá/2 vụ.
Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm 2014 và đầu năm 2015, sau một đêm ngủ dậy anh phát hiện thấy 2 ao cá bị chết trắng, 3 ao còn lại cá chết rải rác. Sau lần cá chết đó, sản lượng cá của nhà anh bị giảm đến 40%.
Không chỉ gia đình anh Sơn, 2 năm trở về trước, nhiều gia đình nuôi cá lóc ở phường Thái Hòa cũng bị chết trắng hàng loạt. Anh Tân Văn Tiến, nhà nuôi cá lóc cách nhà anh Sơn khoảng 1km nói: “Nhà tôi thuê đất để nuôi cá gần 6 năm nay, với diện tích trên 20 ha tương đương 20 ao. Thời điểm đó, nhà tôi cá cũng bị chết trắng hết 2 ao, thiệt hại khoảng 40 tấn; các ao còn lại cũng có cá chết nhưng không nhiều. Đối với gia đình tôi, cá chết như vậy còn đỡ, chứ nhiều hộ cá bị chết hết; không chỉ không thu hồi được vốn mà số nợ ngân hàng cũng không trả được”.
Mặc dù nhiều hộ nuôi cá lóc ở phường Thái Hòa đã tìm cách đối phó với nguồn nước bị ô nhiễm nhưng cá vẫn bị chết rải rác Ảnh: TÂM BÌNH
Theo anh Sơn, sau khi phát hiện cá bị chết hàng loạt, các hộ nuôi cá đã phản ảnh lên chính quyền địa phương để có biện pháp khắc phục kịp thời. Sau đó, Hội Nông dân phường phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ mời các kỹ sư nông nghiệp xuống khảo sát, đưa cá về xét nghiệm. Theo kết quả ban đầu, cá chết do bị nhiễm bệnh từ nguồn nước sông bị ô nhiễm như người dân phản ảnh từ trước. Ông Nguyễn Thế Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thái Hòa cho biết, nước sông Đồng Nai đoạn chảy qua phường Thái Hòa đang ngày một ô nhiễm. Đoạn này bị ô nhiễm là do nguồn nước thải sinh hoạt của người dân và một số khu công nghiệp ở TX.Thuận An chưa qua xử lý theo ống ngầm đổ ra suối Cầu (suối dài khoảng 1km). Từ suối Cầu, nước sẽ đổ ra sông Đồng Nai. Tuy nhiên, đến gặp sông Đồng Nai nước chỉ chảy ra được một ít (vì mực nước sông Đồng Nai thường cao hơn). Vì vậy, khi người dân lấy nước vào ao, nguồn nước sông Đồng Nai sẽ theo dòng suối Cầu chảy vào ao, gây ô nhiễm làm cá chết.
Ông Nguyễn Thế Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên cho biết, từ năm 2009, ống nước thải ngầm từ phường An Phú, TX.Thuận An được đấu nối qua phường Thái Hòa, theo đó lượng nước thải sẽ để đổ dồn về suối Cầu rồi chảy vào sông Đồng Nai. Lượng nước thải này chủ yếu là từ nước sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý nên khi chảy vào suối Cầu bị ô nhiễm nghiêm trọng; đặc biệt vào mùa mưa, lượng nước dâng lên càng bốc mùi hôi thối nồng nặc. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến các hộ nuôi trồng thủy sản mà còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân quanh khu vực suối Cầu. |
Cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng
Để đối phó với tình trạng cá chết do nguồn nước bị ô nhiễm, ngay sau khi thu hoạch xong 2 vụ cá lóc vào giữa năm 2015, gia đình anh Sơn đã tháo cạn nước, vét hồ, phơi ao và chuyển đổi qua nuôi cá chép giòn. Vì theo anh Sơn, cá chép giòn sẽ có những đặc tính thích nghi khác với cá lóc như: không phải thay nước thường xuyên vì mật độ thả ít hơn; lượng thức ăn cũng ít do vậy lượng chất thải ra hồ sẽ không nhiều... Anh Sơn cho biết thêm, nếu nuôi cá lóc bình quân 1 tháng phải thay nước 20 lần thì nuôi cá chép giòn chỉ cần thay 2 lần/tháng. Vì vậy, anh có thể tận dụng được nguồn nước sông lúc thủy triều lên để lấy, xả nước ra, như vậy sẽ hạn chế được tình trạng ô nhiễm. Ngoài ra, vào các ngày khác, để bảo đảm đủ nước, anh thường bơm nước từ các giếng khoan vào ao để hòa tan bớt độ ô nhiễm... Hiện nay, gia đình anh Sơn đã chuyển đổi qua nuôi cá chép giòn trên diện tích 5.000m2 ao đã được 3 tháng. Đây là lứa đầu tiên, còn 4 tháng nữa anh mới thu hoạch. Chưa biết hiệu quả như thế nào nhưng theo tìm hiểu trên thị trường, cá chép giòn đến khi cho thu hoạch sẽ đạt cân nặng từ 1 - 3kg, với giá hiện khoảng 200.000 đồng/kg. Anh Sơn hy vọng, nếu nuôi cá chép giòn đạt hiệu quả sẽ hướng dẫn và tư vấn cho bà con nông dân để có hướng chuyển đổi phù hợp với điều kiện môi trường như hiện nay.
Khác với hộ anh Sơn, gia đình anh Tiến vẫn đang tiếp tục duy trì nuôi cá lóc, dù nguồn nước bị ô nhiễm. Anh Tiến cho biết: “Cá lóc dễ nuôi, sản lượng cá cho thu hoạch cao nên thời gian tới chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, để cải thiện ô nhiễm nguồn nước, ngoài việc chú ý thay nước thường xuyên thì để phòng bệnh, định kỳ 2 lần/tháng tôi sẽ tiến hành sát trùng ao nuôi bằng vôi với liều lượng 2 - 3kg vôi/100m3. Vôi được hòa tan, lóng trong và lấy nước tạt khắp ao hoặc dùng các hóa chất khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất để diệt ký sinh trùng gây bệnh.
Có thể nói, việc chú trọng khai thác diện tích đất sản xuất nông nghiệp để chuyển sang nuôi cá lóc thương phẩm đã mang lại hiệu quả kinh tế khá lớn cho bà con nông dân. Song với tình trạng ô nhiễm nguồn nước như hiện nay, mặc dù người nông dân đã tìm nhiều cách để hạn chế ô nhiễm nhưng theo ông Nguyễn Thế Mỹ, đây chỉ là biện pháp tức thời. Vì vậy, về lâu dài rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp để giải quyết tình trạng ô nhiễm một cách kịp thời, triệt để hơn.
TÂM BÌNH