Trên một nhóm Facebook, một thành viên đăng hình diễn viên nổi tiếng với dòng mô tả úp mở về việc có "clip sex" của cô này và lời mời gọi: "Anh em nào muốn xem thì kết bạn tôi gửi link". Không lâu sau đó, hàng trăm thành viên khác đã vào bình luận, gửi lời mời kết bạn. Trước khi bị xóa, bài viết đã nhận hàng trăm bình luận, lượng "follower" trên trang cá nhân của người đăng đã tăng lên vài nghìn.
Cô diễn viên bị nhắc tới đã phải lên trang cá nhân đính chính rằng mình không hề có clip như vậy. Còn người chủ topic sau đó cũng không hề có bất kỳ động tĩnh gì đáp lại những người đã kết bạn với mình như đã hứa.
Trong phần bình luận dưới bài viết, có thành viên còn khẳng định mình đã có link video kể trên. Tuy nhiên, khi bấm vào, link này chỉ dẫn đến hàng loạt các trang quảng cáo chứ không hề có bất kỳ nội dung nào.
Những nội dung phản cảm, dù không có thật, vẫn thu hút lượng lớn người quan tâm trên các nền tảng như Facebook, YouTube. |
Bằng một bài đăng với nội dung không có thật nhưng đánh trúng tâm lý, hàng loạt người đã "trục lợi" thành công: Lượng "follower" tăng, lượt xem cho website tăng. Và những thứ này hoàn toàn có thể quy ra tiền. Trong khi đó, với người dùng, thứ mà họ nhận lại là việc mất thời gian, góp phần lan tỏa những thông tin xấu và thậm chí là có thể dính vào vòng lao lý với những nội dung vi phạm pháp luật.
Tại Việt Nam, những chiêu trò "câu view" như vậy trên Facebook không hiếm nhưng lại được một bộ phận không nhỏ người dùng hưởng ứng. "Mình cũng tò mò giống mọi người thôi, dù sao cũng chẳng mất gì", Hoài Nam, một sinh viên đại học tại Hà Nội nói.
"Dù sao cũng chẳng mất gì" là tâm lý của rất nhiều người khi thực hiện các cú click chuột trên Internet. Thực tế, theo Minh Chiến, một người làm trong lĩnh vực quảng cáo trên mạng xã hội, người dùng có thể mất rất nhiều thứ. "Nhẹ thì sẽ bị thu thập ID hoặc email để bán cho nhà quảng cáo, nặng - có thể nhiễm mã độc vào thiết bị nếu dính clickbait của kẻ xấu", anh chia sẻ.
Clickbait - mồi nhấp chuột - là thuật ngữ mới nổi trong thời đại mạng xã hội, khi những kẻ xấu dùng hình ảnh, nội dung thu hút người dùng nhấp chuột vào link nhưng nội dung bên trong lại không liên quan, thậm chí có chứa mã độc. Từ năm 2017, Facebook đã coi clickbait là một mối họa cần tận diệt. Tuy nhiên, các rào cản về ngôn ngữ, sự khôn lỏi của những người tạo ra chúng khiến các biện pháp của Facebook chưa thực sự hiệu quả. Clip sex, ảnh nóng của người nổi tiếng là một trong những dạng clickbait phổ biến nhất.
Theo một báo cáo hồi đầu năm 2018 của Facebook, trung bình mỗi quý, mạng xã hội này đã phát hiện và xử lý 21 triệu nội dung khỏa thân và khiêu dâm. Con số này vẫn ngày càng tăng. Theo nhận định của Forbes, kết quả này có thể đến từ việc bộ lọc của Facebook đang ngày càng hiệu quả, nhưng cũng rất có thể do người dùng có xu hướng đăng ảnh khiêu dâm lên mạng nhiều hơn.
Không chỉ trên Facebook, YouTube cũng là nền tảng chứng kiến sự bùng nổ của rất nhiều nội dung phản cảm. Hồi tháng 6 năm nay, một YouTuber đã bị cộng đồng mạng lên án, thậm chí bị dọa đánh vì làm clip đổ trứng lên đầu mẹ. Trước đó, nhiều YouTuber người Việt đã tạo ra những clip, như Thử thách 24h làm động vật, đốt xe..., làm người xem phẫn nộ. Tuy nhiên, những video như "đổ trứng" nói trên lại có lượng view cao gấp nhiều lần các video khác trên cùng kênh này, khiến YouTuber càng được nhiều người biết tới, kích thích chủ kênh nghĩ ra những nội dung táo bạo hơn.
Các chuyên gia nghiên cứu về YouTube nhận định: "Việc xuất hiện ngày càng nhiều video phản cảm cũng có một phần lỗi từ chính người xem". "Người xem càng 'chửi' thì video đó càng dễ nổi tiếng", một người làm YouTube lâu năm chia sẻ. "Cách tốt nhất khi gặp những video phản cảm như vậy là bấm nút 'Report' để YouTube xử lý, thay vì bình luận chửi bới hoặc chia sẻ về trang cá nhân để lên án", anh này nói.
Khá "Bảnh" - hiện tượng mạng từng gây "sốc" với những video triệu "view" ghi lại cảnh ăn chơi thác loạn, sử dụng vũ khí để giải quyết công việc, đốt xe máy... Khi bị bắt hồi tháng 4 năm nay, Khá "Bảnh" khai có tháng thu về tới hơn 400 triệu từ các video trên kênh YouTube của mình. Chính những lượt xem của một bộ phận người dùng đã giúp cho những người này không chỉ nổi tiếng, mà còn có được nguồn tiền "khủng" từ nội dung phản cảm.
Ngoài Khá "Bảnh", nhiều YouTuber làm nội dung không lành mạnh cũng gặp rắc rối vì sản phẩm của mình. Chủ một kênh YouTube hơn 4 triệu lượt đăng ký theo dõi từng phải xin lỗi và đền bù cho nạn nhân trong video sau làn sóng tẩy chay từ cộng đồng mạng. Một kênh YouTube chuyên làm nội dung cho trẻ em đã bị phạt 30 triệu đồng và xóa kênh vì làm các video dung tục.
Việt Nam hiện có khoảng 60 triệu người sử dụng Facebook, 22 triệu người xem YouTube thường xuyên. Đây là mảnh đất màu mỡ cho giới kiếm tiền online sử dụng những chiêu trò câu view nhằm trục lợi cho mình. Để tránh trở thành công cụ của những người này cũng như không gặp phải những rắc rối về pháp lý, người dùng cần nâng cao cảnh giác khi tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội. Thậm chí có những biện pháp mạnh tay, như report với Facebook, YouTube, báo cáo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Theo VNE