Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7-4-1907, ở làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân từ một gia đình lao động có truyền thống yêu nước, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1928, đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và năm 1930 trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng.
Tổng Bí thư Lê Duẩn với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) Ảnh: T.L
Năm 1931, đồng chí là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc kỳ và cũng trong năm đó, đồng chí bị địch bắt tại Hải Phòng, rồi kết án 20 năm tù và lần lượt bị giam ở các nhà lao Hà Nội, Sơn La và Côn Đảo. Tại các nhà tù này, đồng chí tham gia các cuộc đấu tranh chống chế độ giam cầm hà khắc và tổ chức việc học tập chính trị.
Năm 1936, do cuộc đấu tranh của nhân dân ta và thắng lợi của Mặt trận Nhân dân Pháp, chính quyền thực dân ở Đông Dương buộc phải trả tự do cho nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam, trong đó có đồng chí Lê Duẩn. Ra khỏi nhà tù, đồng chí ra sức hoạt động cách mạng ở các tỉnh miền Trung, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương nhằm động viên, tập hợp quần chúng đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, chống nguy cơ phátxít và chiến tranh.
Năm 1937, đồng chí được cử làm Bí thư lâm thời rồi Bí thư Xứ ủy Trung kỳ đến năm 1939. Những hoạt động tích cực của đồng chí Lê Duẩn đã góp phần quan trọng đưa tới cao trào đấu tranh sôi nổi trong cả nước. Năm 1940, đồng chí bị địch bắt ở Sài Gòn, bị kết án 10 năm tù và đày đi Côn Đảo lần thứ hai cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đồng chí được Đảng và Chính phủ đón về đất liền, tham gia cuộc kháng chiến ở Nam bộ.
Năm 1946, đồng chí ra Hà Nội làm việc, cùng Trung ương Đảng chuẩn bị cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược. Cuối năm đó, đồng chí được Bác Hồ và Trung ương Đảng cử vào lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam bộ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tháng 2-1951, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Từ năm l946 đến năm 1954, đồng chí làm Bí thư Xứ ủy, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Từ năm 1954 đến 1957, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí trở lại miền Nam làm Bí thư Xứ ủy Nam bộ để lãnh đạo phong trào cách mạng. Bằng nhãn quan chính trị sáng suốt, đồng chí đã dự đoán đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai sẽ phá hoại Hiệp định Giơ- ne-vơ, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, âm mưu chia cắt đất nước ta.
Trước âm mưu thâm độc, thủ đoạn dã man và sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù, cách mạng miền Nam tưởng như đứng trước vực thẳm. Trong điều kiện bị vây lùng và khủng bố tàn khốc, phải hoạt động bí mật nhưng đồng chí đã đi khắp miền Nam, miền Trung, miền Tây Nam bộ đến trung tâm các thành phố lớn Sài Gòn - Chợ Lớn, Đà Lạt… để nắm tình hình thực tiễn, xây dựng và tổ chức lại các tổ chức Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng. Sống trong lòng nhân dân, hiểu thấu nguyện vọng thiết tha, sự bức xúc của đồng bào và chiến sĩ miền Nam, đồng chí đã suy nghĩ, trăn trở về cách mạng miền Nam. Chính những năm tháng đầy khó khăn gian khổ, đầy thử thách ác liệt này, trí tuệ và tư duy sáng tạo tuyệt vời của đồng chí được thể hiện rõ. Trên cơ sở lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn khốc liệt ở chiến trường Nam bộ, năm 1956 đồng chí soạn thảo văn kiện nổi tiếng “Đề cương cách mạng miền Nam”. Đây là phác thảo quan trọng cho con đường cách mạng giải phóng miền Nam. Trong đề cương, đồng chí Lê Duẩn phân tích chính xác âm mưu, thủ đoạn và khả năng của Mỹ - ngụy; thái độ của các giai cấp, tầng lớp nhân dân; phân tích tình hình chính trị, kinh tế - xã hội miền Nam… Trên cơ sở đó, đồng chí xác định đối tượng của cách mạng miền Nam, kẻ thù trước mắt của cách mạng miền Nam là đế quốc Mỹ xâm lược, địa chủ phong kiến, tư sản mại bản phản động và tay sai của đế quốc Mỹ.
Việc xác định đúng tính chất xã hội miền Nam, xác định đúng kẻ thù của cách mạng ở thời điểm đó có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện tư duy sắc sảo và nhãn quan chính trị sáng suốt của đồng chí Lê Duẩn. Sau khi phân tích 3 nhiệm vụ cách mạng nước ta, đồng chí chỉ rõ: Trong hoàn cảnh cụ thể của miền Nam lúc này, nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng, ngoài con đường đó không có con đường nào khác. Về phương pháp cách mạng, Đề cương nêu rõ hiện nay vừa phải sử dụng đấu tranh hòa bình, vừa phải chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang khi tình hình thay đổi; trong đấu tranh chính trị có vũ trang tự vệ, đồng thời phải chuẩn bị khả năng để tiến lên đấu tranh vũ trang toàn diện. Để tập hợp, xây dựng lực lượng, Đề cương nêu rõ chủ trương xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng cho phù hợp với tình hình cụ thể ở miền Nam.
Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn tưởng chừng bế tắc của cách mạng miền Nam, bản Đề cương do đồng chí Lê Duẩn khởi thảo có giá trị đột phá, khai thông, tạo ra một không khí tràn đầy niềm tin, dấy lên phong trào đồng khởi mạnh mẽ ở miền Nam những năm 1959-1960. Ý nghĩa to lớn của Đề cương không chỉ có thế, mà quan trọng hơn là góp phần chuẩn bị cơ sở lý luận và chính trị cho Nghị quyết Trung ương 15 (năm 1959) và Nghị quyết Đại hội III của Đảng (năm 1960) về đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng ta. Với tư duy sáng tạo lớn, với “Đề cương cách mạng miền Nam”, có thể nói, đồng chí Lê Duẩn là người đầu tiên đề xuất cương lĩnh chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam.
Năm 1957, đồng chí Lê Duẩn được Trung ương cử lãnh đạo công việc chung của Đảng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Đại hội III của Đảng, đồng chí được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Suốt 15 năm (1960-1975) trên cương vị này, trong hoàn cảnh đất nước trải qua những khó khăn, thử thách cực kỳ nghiêm trọng, trong bối cảnh quốc tế có những diễn biến vô cùng phức tạp và trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có những bất đồng sâu sắc, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Trung ương Đảng kiên định đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, tranh thủ sự giúp đỡ và đoàn kết quốc tế, sáng suốt lãnh đạo quân và dân ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong thời gian này, đồng chí góp phần rất quan trọng cùng Trung ương hoạch định đường lối chiến lược; giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn cách mạng trên phạm vi cả nước; xác định rõ nhiệm vụ cách mạng chung và nhiệm vụ cách mạng mỗi miền; xác định mối quan hệ biện chứng giữa cách mạng hai miền; mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới... Điều đó cho thấy ở đồng chí có một tư duy sáng tạo rất lớn.
Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, đồng chí là người chịu trách nhiệm chủ yếu trước Trung ương về phong trào cách mạng miền Nam. Đồng chí có nhiều suy nghĩ, trăn trở, tìm tòi, đã cùng tập thể Trung ương Đảng hoạch định, phát triển và hoàn chỉnh đường lối, chiến lược và phương pháp cách mạng nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng chí đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh cách mạng vào chiến trường miền Nam với những đặc thù của nó; đồng thời đã có những dự báo, đánh giá chính xác tình hình và đề xuất chủ trương mang tính quyết sách lớn đối với cách mạng miền Nam. Xuyên suốt những chủ trương đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; hậu phương lớn với tiền tuyến lớn; phối hợp chặt chẽ 3 mũi giáp công, 3 vùng chiến lược; liên tục tiến công bằng 3 thứ quân.
Suốt 26 năm trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí cùng với Bộ Chính trị và Trung ương Đảng kiên định đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ và đoàn kết quốc tế, sáng suốt lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Lê Duẩn là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đặc biệt là trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
P.V (tổng hợp)