Nhãn hiệu tập thể nâng tầm giá trị nông sản

Cập nhật: 27-04-2023 | 09:37:48

 Dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể (NHTT) măng cụt Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương” được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN) Bình Dương triển khai đã giúp sản phẩm măng cụt Dầu Tiếng khẳng định tên tuổi, đánh dấu bước phát triển cả về chất và lượng đối với những sản phẩm danh tiếng của huyện nhà.

 Vườn măng cụt của ông Huỳnh Văn Hiện, đạt tiêu chuẩn sử dụng NHTT măng cụt Dầu Tiếng

 Để măng cụt Dầu Tiếng có thể nâng cao hiệu quả cạnh tranh trên thị trường, việc xây dựng nhãn hiệu là hướng đi phù hợp nhằm phát triển bền vững. Năm 2016, Sở KHCN đã triển khai Dự án “Xây dựng NHTT măng cụt Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương” với mục tiêu xây dựng, thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển NHTT “Măng cụt Dầu Tiếng” cho người dân, góp phần bảo tồn giống măng cụt ngon, truyền thống của địa phương. Năm 2019, NHTT măng cụt Dầu Tiếng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận, giao cho Hội Nông dân huyện làm chủ sở hữu để quản lý và phát triển thương hiệu, góp phần giữ vững và nâng cao danh tiếng của măng cụt Dầu Tiếng.

Theo Sở KHCN, để phục vụ cho việc xây dựng và phát triển NHTT “Măng cụt Dầu Tiếng”, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập các tài liệu và nghiên cứu về sản phẩm măng cụt, khảo sát hiện trạng vùng sản xuất, thị trường tiêu thụ. Từ đó, đánh giá năng lực, khả năng sản xuất, tiêu thụ, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm, xác định chủ sở hữu NHTT, xác định mẫu nhãn hiệu để đăng ký bảo hộ... Dự án đã tổ chức in và hỗ trợ cho chủ sở hữu 100.000 tem nhãn. Ban Quản lý NHTT đã cấp cho các cá nhân sử dụng theo đúng quy định.

Để bảo đảm uy tín cho các sản phẩm đã cấp NHTT, những thành viên đạt tiêu chuẩn theo quy định mới được sử dụng NHTT. Theo bà Lê Vân Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, hiện tại có 9 thành viên trong tổ hợp tác sản xuất theo quy trình VietGAP xã Thanh Tuyền đủ điều kiện để được sử dụng NHTT.

Là thành viên tổ hợp tác, ông Huỳnh Văn Hiện, tổ 9 ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền, chia sẻ: “Các hộ làm vườn do không có nhiều kinh phí nên không thể xây dựng và phát triển nhãn hiệu hay thương hiệu riêng cho mình. Việc tham gia hội và sử dụng NHTT sẽ giúp bà con dễ tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi hàng hóa, sản phẩm không có nhãn hiệu thường rất khó tiêu thụ. Ngoài ra, hội viên sẽ được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, được tập huấn, trao đổi kinh nghiệm canh tác, sản phẩm làm ra sẽ có chất lượng đồng đều, giá cả sẽ cao hơn”.

Bà Lê Vân Anh cho biết: “Sau khi được cấp NHTT, sản phẩm măng cụt Dầu Tiếng ngày càng chất lượng bởi các đơn vị tham gia phải tuân thủ chặt chẽ quy chế quản lý, quy định về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm, góp phần tăng giá trị, xây dựng vùng sản xuất măng cụt có thương hiệu. Hội Nông dân huyện đã đại diện đăng ký, xác lập quyền NHTT để phân biệt sản phẩm măng cụt Dầu Tiếng với các thương hiệu măng cụt khác trên thị trường”.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên