Gắn bó với công việc tuyên truyền về phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) của tỉnh trong nhiều năm qua, bản thân tôi đã có dịp đến nhiều địa phương, công ty để ghi nhận hình ảnh những người có nghĩa cử cao đẹp - hiến máu cứu người. Nhưng với tôi, hình ảnh một anh trai bị gù lưng xuất hiện trong nhiều đợt HMTN để hiến máu, chụp hình tuyên truyền cho phong trào này đã để lại trong tôi ấn tượng đặc biệt nhất. Đặc biệt bởi anh là người khuyết tật nhưng nghĩa cử, tấm lòng của anh rất đáng trân trọng. Đó là anh Dương Quang Toàn, hiện đang sống tại khu phố 7, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một...
Đến nay, anh Dương Quang Toàn đã tham gia HMTN hơn 20 lần
Sống là cho...
Sau khi thức đến gần 3 giờ sáng, anh Toàn tranh thủ đi ngủ để có đủ sức khỏe sáng mai tham gia đợt HMTN do Ban vận động HMTN TP.Thủ Dầu Một tổ chức vào ngày 18-10 vừa qua. Đợt hiến máu này anh đã chờ 3 tháng sau đợt hiến máu trước đó, nên dù nhà có việc quan trọng anh cũng cố gắng sắp xếp để đến đúng như lịch hẹn. Thắc mắc vì sao lần này anh đến muộn thế, anh bảo: “Tối qua nhà người bạn thân có việc tang, thức khuya quá nên về mình phải ngủ đủ giấc mới dậy đi hiến máu được. Để có chất lượng máu tốt, người đi hiến máu phải chuẩn bị sức khỏe tốt trước đã...”.
Lần nào cũng vậy, mỗi khi trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một có đợt HMTN là thấy anh ở đó. Không trực tiếp tham gia hiến máu, thì anh đến chụp hình, ghi nhận không khí hiến máu để đăng lên trang Facebook HMTN do mình làm quản trị viên. Anh chia sẻ, khoảng 15 năm trước anh đọc thông tin trên một tờ báo và biết việc hiến máu cứu người hết sức ý nghĩa. “Thông tin đó viết về hoạt động hiến máu ở TP.Hồ Chí Minh. Còn mình thì ở Bình Dương và cũng không biết liên hệ với ai để được hướng dẫn tham gia. Khoảng 5 năm sau, một lần tình cờ đi trên đường thì thấy đoàn xe đang đi tuyên truyền, vận động mọi người tham gia HMTN. May sao, mình gặp được một anh trong Ban vận động khu phố 7 đi trong đoàn đó. Biết sắp tới sẽ có đợt hiến máu, mình đã xin anh ấy thời gian, địa điểm tổ chức cụ thể và chờ đến ngày để được đi hiến máu...”, anh Toàn nhớ lại. Sau lần hiến máu đầu tiên, cứ mỗi lần có đợt hiến máu tổ chức trên địa bàn thành phố, anh tổ trưởng nơi anh sinh sống đều đến báo trước cho anh mấy ngày để anh chuẩn bị sức khỏe, sắp xếp công việc tham gia. Sau này, khi đã “bắt nhịp” được, anh luôn chủ động về thời gian và sức khỏe để tham gia.
Anh Toàn chia sẻ, lúc đầu nghe anh nói sẽ đăng ký đi hiến máu, nhiều người trong gia đình cũng lo ngại vì sợ anh không có đủ sức khỏe. Anh phải tìm hiểu thông tin về lợi ích của việc hiến máu để giải thích cho người nhà biết. “Hiến máu không chỉ giúp mình tái tạo nguồn máu mới, mà mình còn được kiểm tra sức khỏe định kỳ. “Mỗi giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại”. Cao cả hơn hết là nhờ những giọt máu của những người hiến tặng mà nhiều người bệnh cần máu để điều trị đã được cứu sống...”, anh Toàn nói. Như “mưa dầm thấm lâu”, nói riết rồi mọi người cũng đồng ý để anh tham gia. Cũng may, lần đầu đi hiến máu về anh vẫn sinh hoạt bình thường nên mọi người mới yên tâm hơn. Tính đến nay, anh Toàn đã tham gia HMTN hơn 20 lần.
Ngoài tham gia HMTN, anh còn tham gia tuyên truyền, vận động thêm nhiều người khác cùng tham gia vào việc làm ý nghĩa này. Đến nay anh đã vận động được một số bạn bè, anh em đồng nghiệp cùng tham gia HMTN. Có người mới hiến được một lần, nhưng cũng có người hiến được 9 - 10 lần rồi. Để làm được việc này, anh thường lấy chính bản thân mình ra để chia sẻ, vận động mọi người. Anh còn thành lập trang Facebook chuyên về HMTN để tuyên truyền cho nhiều người biết. “Trước mỗi đợt hiến máu, chúng tôi thường cập nhật thông tin về ngày giờ, địa điểm tổ chức trên trang Facebook “HMTN TP.Thủ Dầu Một - Bình Dương” để mọi người biết, đăng ký tham gia. Mỗi đợt hiến máu trên địa bàn, nếu không tham gia hiến máu, mình thường đến đó chụp hình, viết bài tuyên truyền thêm cho phong trào ngày càng lan rộng. Mỗi khi có ai hỏi thăm, tham gia hiến máu mình thấy vui lắm. Thêm một người biết, tham gia HMTN là thêm cơ hội sống cho một bệnh nhân nào đó đang cần máu để điều trị bệnh...”, anh Toàn chia sẻ.
Mong muốn nhiều hơn thế
Năm 8 tuổi, anh Toàn bị viêm tai giữa do đi tắm nước vào trong tai. Chỉ vì không biết nên để nước ứ trong tai lâu, gây mủ. Gia đình lúc đó cũng khó khăn, nên anh không đi khám bệnh để trị dứt điểm. Lâu ngày không trị khỏi, bệnh của anh biến chứng qua viêm màng não do não mô cầu, tình trạng sức khỏe hết sức nguy kịch. “Lúc bệnh nặng, mỗi ngày mình phải tiêm kháng sinh nhiều lần. Mình không nhớ rõ, nhưng nghe ba mẹ kể mình được cứu sống là kỳ tích lắm rồi...”, anh Toàn nói.
Công việc chính hàng ngày của anh Toàn là sửa chữa điện tử để kiếm thêm thu nhập chăm lo cho gia đình
Sau đợt bệnh nặng đó, anh bị di chứng yếu cơ lưng. Gia đình cũng đưa anh lên bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh để chỉnh hình. Lúc đó, bác sĩ cho anh một cái áo nịt cột sống để nịt. Tuổi còn nhỏ, chưa biết hết lợi ích của nó nên khi mặc đi học bị bạn bè trêu ghẹo, anh về nhà bỏ luôn cái nịt không chịu mang nữa. Lâu ngày, cột sống của anh bị rút lại, rồi bị vẹo và gù lưng như hiện nay.
Những mặc cảm với bạn bè, những khó khăn ban đầu rồi cũng qua đi. “Trước đây, mình từng đậu đại học ngành xây dựng, nhưng vì không có ai hướng dẫn, tư vấn cho nên cứ nghĩ xây dựng là phải cầm bay, vác gạch, cát, đá... mới xây được. Trong khi đó, mình lại không được khỏe mạnh như người ta nên sợ học xong ra làm không nổi. Nghĩ vậy nên mình không theo học ngành xây dựng. Sau đó, mình được tuyển thẳng vào trung cấp sư phạm. Mình cũng đăng ký vào học, nhưng rồi họ không chọn người khuyết tật nên lại thôi...”.
Quyết tâm phải học bằng được một nghề để sau này có cuộc sống ổn định hơn, anh đăng ký đi học nghề sửa chữa điện tử. Bây giờ, niềm vui mỗi ngày của anh là làm việc kiếm tiền để cùng vợ chăm lo cho gia đình, nuôi 2 con ăn học. Dù không giàu có về vật chất, nhưng gia đình nhỏ của anh luôn ấm áp tiếng cười. Anh cũng tích góp và mở cho mình một tiệm sửa chữa điện tử nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Cứ khoảng 3 tháng anh lại đi hiến máu một lần. Anh cười, nói: “Thay vì phải đi khám sức khỏe, thử máu, mình đi hiến máu thế này được một công đôi việc luôn. Hiến máu vừa giúp mình kiểm tra được sức khỏe, vừa giúp được cho đời...”.
Nhiều năm qua, anh Toàn còn có một nguyện vọng đó là đăng ký hiến xác, hiến tạng cho y học. Điều này anh ấp ủ đã lâu và cũng đã quyết rồi nhưng chưa có cơ hội đi lên TP.Hồ Chí Minh để đăng ký. Mấy lần đi xuống dưới đó lấy hàng, xong việc trễ quá nên cứ lỡ dịp mãi. “Ban đầu, khi mình đưa ra ý định này mẹ mình phản đối dữ lắm vì người già thường hay nghĩ ngợi nhiều thứ. Vợ mình lúc đầu cũng không muốn chồng làm điều này. Mình thấy việc làm này rất ý nghĩa nên cứ theo thuyết phục mẹ với vợ mãi. Mình nói với mẹ và vợ rằng, một người hiến xác sẽ cứu được 7 người khác, với lại mình làm việc thiện sẽ được đền đáp. Rồi mọi người cũng nhận ra và đồng ý cho mình làm điều này. Đây là mong muốn lớn nhất của mình, nhưng đến nay chưa có thời gian xuống TP.Hồ Chí Minh để đăng ký thôi. Điều vui hơn nữa là mẹ mình từ chỗ phản đối mình làm điều này, nhưng sau khi nghe mình giải thích bà cũng bày tỏ muốn được hiến xác, hiến tạng cho y học...”, anh Toàn tâm sự.
“Những người hiến máu là những người anh hùng”, đó không chỉ là câu nói tuyên truyền, khích lệ những người tham gia HMTN, mà còn là sự tôn vinh của xã hội đối với nghĩa cử hiến máu cứu người. Thật ra, những người hiến máu đơn giản cũng là những người bình thường như bao người, nhưng hành động của họ mới đáng khâm phục. Đặc biệt, đối với người bệnh, họ chính là những người anh hùng. Họ luôn sẵn sàng hiến tặng cho người bệnh, cho cuộc sống thứ quý giá nhất mà họ có, đó là máu. Nhờ món quà này, nhờ những nghĩa cử này mà có rất nhiều người được cứu sống nhờ có máu để truyền. Với bản thân tôi, tôi luôn trân trọng, khâm phục những người đi HMTN. Và với anh Dương Quang Toàn, điều trân trọng đó như nhân lên gấp bội. Dù cơ thể không được lành lặn, nhưng anh đã làm được điều mà nhiều người bình thường khác chưa làm được, đó là tham gia HMTN và mong muốn hiến xác cho y học để cứu người. Việc anh làm và điều anh muốn thực hiện thật cao cả và đáng trân trọng biết bao!
HỒNG THUẬN