Người Việt Nam mua vàng tại những thời điểm này đã chịu đắt hơn giá thế giới 10% hay nói cách khác như cứ mua 1 lượng thì người dân đã mất đứt 1 chỉ vào tay giới buôn vàng.
Làm giá: Vô tư đi
14g30 chiều ngày 26/9, bảng giá vàng của thương hiệu vàng Doji hoạt động trở lại sau một thời gian không có giá giao dịch chính thức. Giá vàng lúc này được niêm yết ở mức 43,65 - 44,15 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao hơn tới 800.000 đồng so với một số thương hiệu khác đang cùng giao dịch đắt khách trên địa bàn Hà Nội.
Cùng trên bảng giá này, giá vàng thế giới được cập nhật 1.566 - 1.566,5 USD/oz, quy đổi ra VND là khoảng 39,43 - 39,44 triệu đồng/lượng. Như vậy, vàng của thương hiệu này đã có khoảng cách cao hơn giá thế giới gần 5 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, chỉ sau đó một tiếng, giá vàng thế giới có dấu hiệu nhích lên mức 1.622 USD/oz tức tương đương 40,84 - 40,85 triệu đồng/lượng. So với giá thực tế tại doanh nghiệp là 44.3 - 45,8 triệu đồng/lượng thì cách nhau suýt soát 5 triệu đồng/lượng.
Rò ràng, diễn biến nửa đầu buổi chiều đã cho thấy, các DN kinh doanh vàng đang cố giữ giá và người dân Việt Nam đã mua phải vàng đắt hơn rất nhiều so với giá thế giới. Thậm chí, khi giá giảm, các DN đã không điều chỉnh giá ngay, hoặc có thì cũng không tương xứng. Tuy nhiên, chỉ cần giá thế giới tăng nhẹ trở lại thì các DN này lập tức điều chỉnh tăng lên.
Tình trạng này cũng xảy ra với các thương hiệu vàng lớn khác và đã xảy ra trong nhiều ngày gần đây. Một người Việt Nam mua vàng tại những thời điểm này đã chịu đắt hơn giá thế giới 10% hay nói cách khác như cứ mua 1 lượng thì người dân đã mất đứt 1 chỉ vào tay giới buôn vàng.
Trong hơn 1 tuần qua, giá vàng theo xu hướng giảm và ngày càng giảm mạnh thì càng lộ rõ việc các DN trong nước cố giữ giá khi khoảng cách giá trong nước với thế giới ngày càng tăng lên. Mới đầu chỉ chênh nhau khoảng 1 triệu đồng, rồi nhích dần lên. Đến cuối tuần qua, khoảng cách là 3 triệu và đến ngày hôm nay đã xấp xỉ lên 5 triệu đồng.
Nói về hiện trạng này, chuyên gia từ một ngân hàng cổ phần cho rằng khi giá đang giảm mà tồn tại sự chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới là không sòng phẳng. Các DN vàng đang cố thu lợi tối đa mà đẩy rủi ro về phía khách hàng, kể cả khi vàng tăng nhẹ thì chênh lệch cao nhất cũng chỉ lên tới 2 -3 triệu.
Theo vị chuyên gia này, các DN lý giải chưa thể giảm giá vì vàng này mua theo giá cao trước đây là chuyện khó chấp nhận. Ai cũng biết nhập vàng và chế tác để bán ra thị trường cần có thời gian, nếu như thế giá trong nước phải có độ trễ so với giá thế giới. Tuy nhiên, khi tăng giá chả thấy DN vàng nào chịu chậm trễ, nhưng khi giá giảm thì cứ cố kéo dài để kiếm lãi tối đa.
Thậm chí, trước đây, khi giá tăng, khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra của các DN rất gần nhau. Tuy nhiên, đến nay, khoảng cách đó đã được kéo giãn ra gấp nhiều lần. Trước đây, khoảng cách chỉ mấy trăm ngàn, thậm chí có thời điểm chỉ còn hơn 100.000 đồng thì nay đã mở rộng lên đến 1,5 triệu đồng. Trong xu hướng giá được cho là tiếp tục giảm trên thế giới thì đây chẳng khác nào DN đang cố hạn chế mua vào hoặc mua với giá thấp còn bán ra vẫn giữ giá cao.
Thậm chí, trong những ngày giá giảm, DN còn tìm mọi cách để hạn chế mua bán, thậm chí, không công bố giá và tạm ngừng giao dịch... gây nên náo loạn trên thị trường.
Trao đổi về điều này, một chuyên gia từ Bộ Công thương cho rằng, việc tự ý ngừng bán hàng, gây xáo trộn thị trường là một điều bất thường. Tuy nhiên, đối với các DN vàng điều này trở nên bình thường.
Bên cạnh đó, việc định giá vàng hiện nay đều do các DN tự do định đoạt và thường chịu sự chi phối của một số DN lớn. Cho nên, những bất cập trong giá cả, rồi những hiện tượng làm giá dù đã được nêu ra nhưng đều không đi đến những một kết quả giải quyết nào cụ thể.
Các DN càng trở nên thoải mái và vô tư trong định giá trong điều kiện bình thường và sẵn sàng làm giá để kiếm lợi khi thị trường biến động.
Ông Nguyễn Thanh Trúc - Tổng giám đốc Vàng bạc Agribank, cho rằng, việc đặt giá của các doanh nghiệp vàng chưa có ai quản lý, DN muốn đặt giá bao nhiêu cũng được.
Nhập nhiều mà chưa ổn
Theo giải thích gần đây của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, vàng sẽ bị coi là làm giá khi có khoảng cách trên 400.000 so với giá thế giới. Thời điểm công bố thông tin này, giá vàng đang sốt và có khoảng cách hơn 2 triệu với giá thể giới. Vì thế, dù rất căng thẳng với tỷ giá nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn mạnh dạn cho nhập vàng không hạn chế để bình ổn thị trường.
Đến nay, khi giá vàng xuống nhưng khoảng cách so với thế giới là 5 triệu đồng liệu đã được xem là các DN đang làm giá?. Những DN lớn được cho nhập khẩu để bình ổn và được đóng góp ý kiến với Ngân hàng Nhà nước trong quản lý vàng và xử lý làm giá vàng lại đang là những người có khoảng cách gấp hơn 10 lần ngưỡng được xem là làm giá.
Thời gian qua, để bình ổn giá vàng, Ngân hàng Nhà nước đã cho nhập khẩu khoảng 10 tấn vàng. Đây là một nỗ lực lớn để bình ổn thị trường nhưng cũng là đối mặt với một rủi ro lớn về tỷ giá. Và mới đây, chính cơ quan quản lý đã thừa nhận tỷ giá đang chịu những sức ép do việc nhập vàng đã tiêu tốn một khoản ngoại tệ lớn.
Đến nay, những DN này đã làm được gì và vàng nhập về có tác dụng như thế nào khi chính những người được cấp quota, tạo điều kiện mua USD nhập khẩu lại đang là những người "làm giá" trên thi trường để ngăn cản người dân đến với giá vàng rẻ.
Chính vì thế, ngay trong giới kinh doanh vàng hiện nay đã xuất hiện những nghi vấn về hơn 10 tấn vàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu về nước ta, hiện đã được nhập đến đâu và bình ổn như thế nào... Thậm chí, có những ý kiến đã cho rằng, việc phân phối quota nhập khẩu trongt hời gian qua chưa đồng đều, quá tập trung vào một số ông lớn nên tác dụng chưa cao.
Trao đổi mới đây về việc này, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Agribank, đặt vấn đề về các doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp quota nhập khẩu vàng đã tham giá bình ổn thị trường vàng đến đâu.
Theo ông Trúc, một số doanh nghiệp vàng lớn thời gian qua chỉ sản xuất, gia công cầm chừng, tạo hiện tượng khan hiếm vàng giả, khiến giá trong nước bị đẩy lên quá cao so với giá thế giới.
Những nghi vấn này còn phải xác minh nhưng thực tế là vàng trong nước đang quá đắt so với thế giới.
Câu hỏi đặt ra lúc này là 10 tấn mà vẫn chưa ổn thì có thể nhập thêm 10 tấn nữa như tuyên bố "nhập không hạn chế" của Ngân hàng nhà nước để bình ổn, bất chấp những rủi ro về tỷ giá đang đến.
Theo nhiều chuyên gia, nhập vàng bình ổn là cần thiết nhưng khi chưa xử lý được những bất cập trên thị trường, triệt tiêu những nguyên nhân gây làm giá và gây ra bất ổn thì nhập bao nhiêu cũng khó mà ổn được thị trường mà ngược lại nguồn lực và công sức lại bị lợi dùng để các DN kiếm lợi.
(Theo Dân Trí)