Theo Viện CIEM, từ khi gia nhập WTO, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt 18,9%/năm, còn nhập khẩu 19,5%/năm.
Báo cáo “Đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố sáng 3/4 cho thấy, từ khi gia nhập WTO, mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân của Việt Nam thấp hơn so với nhập khẩu, với mức tăng trưởng xuất khẩu 18,9%/năm trong khi nhập khẩu 19,5%/năm.
Cụ thể trong cả giai đoạn 2007-2011, xuất khẩu đã tăng 2,4 lần, từ 39,8 tỷ USD lên 96,9 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 19,5%, cao hơn chỉ tiêu 16%/năm trong kế hoạch 2006-2010. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn so với 5 năm trước khi gia nhập WTO (tăng hơn 2,6 lần, bình quân 21,5%/năm).
Viện CIEM đánh giá tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu do tăng trưởng thương mại toàn cầu; và tự do hóa và cải thiện khả năng cạnh tranh, trong khi việc gia nhập WTO không có tác động đáng kể. Cùng với đó, xuất khẩu có tập trung hơn vào một số thị trường tương đối mới (Trung Quốc, Hàn Quốc, do FTA khu vực), bên cạnh các thị trường truyền thống (ASEAN, Mỹ, EU, Nhật)… và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các đối tác, song thị trường xuất khẩu còn chưa đa dạng.
Cơ cấu xuất khẩu khá giống với cơ cấu xuất khẩu của Trung Quốc và ASEAN. Đặc biệt, tỷ trọng hàng tiêu dùng và hàng trung gian tăng, trong khi tỷ trọng dầu thô giảm. Dù vậy, lợi thế vẫn tập trung ở các nhóm hàng sử dụng tài nguyên khoáng sản, dựa vào nông nghiệp và các ngành chế biến thâm dụng lao động.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu tăng nhanh ngay sau khi gia nhập WTO, song đã tăng chậm lại trong thời gian gần đây (do khó khăn trong nước và tăng năng lực kiểm soát nhập khẩu). Các nhân tố khác như tỷ giá danh nghĩa và thu hút FDI cũng tác động đến nhập khẩu. Cụ thể, từ 2007 tăng trưởng nhập khẩu tới 40%. Cả giai đoạn 2007-2011, nhập khẩu tăng 2,6 lần, từ 44,9 tỷ USD lên 106,7 tỷ USD; tốc độ tăng trung bình 18,9 %
Nhập khẩu khá tập trung từ một số thị trường chính (khoảng 72-77%, do mức độ bổ trợ tốt hơn). Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng nhanh nhất, và Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhập khẩu của Việt Nam. Hàng trung gian chiếm tỷ trọng lớn nhất, dù có giảm (năm 2006 chiếm 62,4%; đến 2011 chiếm 58,7%). Tỷ trọng hàng hóa vốn và hàng tiêu dùng có tăng trở lại.
Vì thế, về cán cân thương mại, Viện CIEM cho biết, nhập siêu liên tục tăng cho đến năm 2008, sau đó giảm dần (chủ yếu do suy giảm kinh tế trong nước). Dù nhập siêu, năng lực sản xuất xuất khẩu ít tăng trong các năm 2007-2008, mà chỉ tăng trong những năm gần đây. Trong đó, nhập siêu hàng hóa đạt 14,2 tỷ USD vào năm 2007 và 18,0 tỷ USD năm 2008 (so với 5,1 tỷ USD năm 2006). Sau đó, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và các chính sách của Chính phủ nhập siêu giảm xuống 12,2 tỷ USD vào năm 2009 và 9,8 tỷ USD năm 2011.
“Diễn biến tăng nhập siêu, đặc biệt là từ 2007, đi liền với sự mất cân đối nghiêm trọng giữa đầu tư và tiết kiệm trong nước, cách thức điều hành chính sách vĩ mô (tài khóa, tiền tệ, tỷ giá), chính sách đầu tư và thương mại”- Ông Nguyễn Anh Dương (Phó Trưởng ban, Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện CIEM) đánh giá.
Theo VOV