Các nhà khoa học Nhật bối rối khi "cây anh đào trên không gian" đã bất ngờ nở hoa sớm trước sáu năm, theo Hãng tin Japan Daily Press ngày 11-4.
Phi hành gia Koichi Wakata đang cầm gói hạt hoa anh đào trên ISS ngày 13-4-2009 - Ảnh: rt.com
“Cây anh đào ngoài không gian” bất ngờ nở hoa hôm 1-4 - Ảnh: phys.org
Báo cáo cho hay các hạt giống hoa anh đào được phi hành gia người Nhật Koichi Wakata - nay là trưởng chỉ huy ISS - mang lên ISS hồi tháng 11-2008 và được mang về Trái đất vào tháng 7-2009.
Sau chuyến du hành không gian đó, một hạt giống hoa anh đào đã được nhà thực vật học người Nhật Takao Yoshimura lựa chọn để gieo, hạt nảy mầm bình thường và phát triển tốt tại vườn ươm gần ngôi đền Phật giáo Ganjoji, tỉnh Gifu thuộc miền trung nước này.
Nhưng “cây anh đào ngoài không gian” chỉ mới 4 năm tuổi cao khoảng 4m đã bất ngờ nở hoa vào ngày 1-4 vừa qua và gây bối rối cho các nhà khoa học, bởi thông thường cây anh đào trưởng thành phải mất 10 năm mới chớm đợt nụ đầu tiên.
Và bất ngờ hơn - theo linh mục trưởng đền Ganjoji Masahiro Kajita - cây anh đào này lại bung nở 9 hoa, mỗi hoa chỉ có 5 cánh so với “cây anh đào mẹ” của nó nở tới 30 cánh.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên chưa biết tại sao cây anh đào ngoài không gian lại phát triển nhanh và nở hoa sớm đến thế” - ông Kajita nói với giới truyền thông.
Theo Japan Daily Press, hạt giống “cây anh đào ngoài không gian” nằm trong số 265 hạt được thu hoạch từ cây anh đào cổ thụ Chujohimeseigan-zakura 1.250 tuổi ở đền Ganjoji. Trước đó, các nỗ lực để ươm cây con từ hạt giống của cây anh đào cổ thụ này đều không thành công.
“Ở góc độ khoa học, chúng tôi không loại trừ khả năng hạt giống cây anh đào này đã bị ảnh hưởng phần nào khi tiếp xúc với môi trường không gian, chẳng hạn các bức xạ vũ trụ đã đẩy nhanh quá trình nảy mầm và phát triển của cây” - cô Kaori Tomita Yokotani tại ĐH Tsukuba, Nhật - tác giả tham gia dự án nghiên cứu cây anh đào nở hoa sớm - lý giải.
Theo TTO