Sở Nội vụ vừa có báo cáo đánh giá, phân tích kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) (Par Index) tỉnh Bình Dương năm 2022. Qua phân tích, đánh giá, sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao Chỉ số CCHC năm 2023.
Cán bộ, công chức thân thiện, tận tình trong giải quyết TTHC cho người dân, góp phần nâng cao Chỉ số CCHC. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công phục vụ người dân giải quyết TTHC
Xác định nguyên nhân
Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã tổ chức hội nghị công bố Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022. Theo kết quả công bố, tỉnh Bình Dương đạt 84,78/100 điểm, đứng thứ 35/63 tỉnh, giảm 22 bậc (năm 2021 hạng 13/63 tỉnh, thành phố). Trong đó, điểm thẩm định đạt 52,81/61,50 điểm, giảm 3,64 điểm so với năm 2021; điểm khảo sát lãnh đạo, quản lý 17,35/22 điểm, giảm 0,19 điểm; điểm đánh giá tác động của CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội đạt 5,96/6,50 điểm, tăng 1,46 điểm; điểm chỉ số hài lòng quy đổi (SIPAS) đạt 8,67 điểm, giảm 0,11 điểm.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết Chỉ số CCHC của tỉnh năm 2022 có 4/8 chỉ số thành phần tăng điểm. Riêng chỉ số công tác chỉ đạo điều hành CCHC đạt 9,50 điểm, tăng 1 điểm (tăng 10,52% giá trị) và giữ nguyên thứ hạng (xếp thứ 1); 4/8 chỉ số thành phần giảm điểm là: Cải cách tài chính công, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
Các chỉ số thành phần giảm điểm do nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội. Bên cạnh đó là việc xây dựng, vận hành hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh triển khai còn chậm, chưa triển khai kết nối với hệ thống báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu của tỉnh với hệ thống báo cáo của Chính phủ…
Đề ra giải pháp
Để cải thiện Chỉ số CCHC của tỉnh trong năm 2023, các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch CCHC hàng năm; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về CCHC; đề xuất những sáng kiến, cách làm hay trong CCHC; rà soát, khắc phục các hạn chế được chỉ ra sau kiểm tra và chấm điểm Chỉ số CCHC hàng năm của tỉnh, của đơn vị. Cùng với đó là tập trung triển khai thực hiện các giải pháp đã được UBND tỉnh chỉ đạo để cải thiện và nâng cao Chỉ số CCHC, phấn đấu năm 2023 Chỉ số CCHC của tỉnh có kết quả đạt trong Top 10 cả nước. Sở Nội vụ tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch CCHC, kế hoạch tuyên truyền CCHC hàng năm.
Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền về sử dụng dịch vụ công trực tuyến và xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Văn phòng UBND tỉnh đôn đốc, theo dõi việc chấp hành quy chế làm việc của UBND tỉnh; rà soát, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các nhiệm vụ được giao. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thường xuyên đánh giá, sơ kết, tổng kết hoạt động sáng kiến của tỉnh theo quy định.
Trong công tác cải cách TTHC, Văn phòng UBND tỉnh tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC trên địa bàn tỉnh, tập trung ở các lĩnh vực: Hội nhập kinh tế quốc tế, đầu tư, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao; theo dõi, đôn đốc việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trong giải quyết TTHC; kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý người đứng đầu cơ quan chậm trễ, thiếu kiên quyết, thực hiện không đúng quy định trong giải quyết kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức về TTHC. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nâng cao chất lượng tiếp nhận, luân chuyển, xử lý hồ sơ TTHC của tổ chức và cá nhân; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tích hợp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cùng với các giải pháp trong việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thông tin, truyền thông về dịch vụ công trực tuyến, chính quyền điện tử, chính quyền số và ý nghĩa của các Chỉ số Par Index, SIPAS, PAPI và PCI đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; triển khai việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC theo mô hình “phi địa giới hành chính” tại bưu điện cấp huyện, điểm bưu điện văn hóa xã; tập huấn, hướng dẫn về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua hệ thống bưu chính công ích...
HỒ VĂN - KHẮC TUẤN