Về TX.Tân Uyên, cùng với cán bộ phường Uyên Hưng, chúng tôi đến thăm mẹ Trương Thị Rồng (sinh năm 1925). Trong căn nhà đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, chúng tôi vui mừng khi thấy mẹ đang có cuộc sống ngập tràn niềm yêu thương bên con cháu.
Mẹ Trương Thị Rồng quê gốc ở xã Tân Vĩnh Hiệp (huyện Tân Uyên cũ). Sau khi kết hôn, mẹ theo chồng về Uyên Hưng sống cho đến ngày nay. Chính trên mảnh đất này, một đời mẹ đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho đất nước. Mắt mẹ sáng ngời khi nhớ về thuở oai hùng những năm chống Mỹ cứu nước. Mẹ Rồng cho chúng tôi xem những kỷ vật thời kháng chiến mà tự tay mẹ gói ghém, cất giữ kỹ lưỡng; kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những năm tháng kháng chiến đầy tự hào…
Sinh ra trong gia đình vốn có truyền thống yêu nước, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chồng mẹ là ông Nguyễn Văn Đê bắt đầu tham gia kháng chiến từ năm 1962. Thời gian đó, mẹ ở nhà, một mặt tần tảo chăm lo cho gia đình chồng cùng với các con; mặt khác mẹ tham gia tiếp tế cho cán bộ, du kích, bộ đội. Dưới đôi tay đảm đang, khéo léo của người mẹ kiên trung, lúa trên cánh đồng trong những năm kháng chiến vẫn lên xanh, kịp thời cung cấp lương thực cho cách mạng. Bên cạnh đó, mẹ còn đi cạo mủ cao su. Trong những lần tiếp tế cho bộ đội, của cải mang theo bên mình mẹ bị rơi mất, nhưng “của cải mất hết cũng không lo, chỉ lo làm sao cho lương thực đến tay quân mình mà thôi”, mẹ tâm sự. Những năm tháng ấy, giặc nhiều lần lùng sục, bắt bớ dân ta. Một lần, chúng bắt mẹ để tra khảo nơi cán bộ du kích ở nhưng mẹ một mực không khai báo.
Năm 1970, trong một lần hoạt động cách mạng tại khu rừng, chồng mẹ trúng đạn của địch, hy sinh anh dũng ngay trên quê hương. Trước khi ngã xuống, ông Nguyễn Văn Đê giữ chức Chi ủy viên thị trấn Uyên Hưng. Nhận tin dữ báo về, lòng mẹ đau xót vô cùng. Càng xót xa hơn vì thời buổi chiến tranh, đám tang cho chồng cũng không được trọn vẹn. Khi ấy, người con trai đầu lòng của mẹ là anh Nguyễn Văn Thanh đang học tại Sài Gòn. Lòng yêu nước kế thừa từ truyền thống gia đình cùng với nỗi đau mất cha đã thôi thúc anh Thanh trở về quê nhà để lên đường nhập ngũ năm 1971 khi chưa tròn 20 tuổi.
Đến cuối tháng 4-1975, ngày thống nhất đất nước đang đến rất gần. Những tưởng mẹ sẽ được đoàn viên bên người con đầu lòng yêu thương nhưng trái tim người mẹ đã vỡ tan một lần nữa. Ngày 27-4-1975, khi đang xuống đường để mở đường cho quân ta tại dốc Miếu Bà Nghĩa, người xã đội trưởng xã Bình Hóa Nguyễn Văn Thanh hy sinh. Người con trai đầu lòng của mẹ đã anh dũng hy sinh và trở thành liệt sĩ khi ngày giải phóng đang cận kề. Dẫu vậy, nén chặt nỗi đau, khi chồng và con dâng hiến máu xương cho Tổ quốc, mẹ cũng hết sức tự hào. Mẹ đã được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng ba.
Những tháng năm đau thương rồi cũng lùi vào quá khứ, người mẹ kiên trung giờ đây có cuộc sống thật giản dị và đầm ấm bên người con gái út - chị Nguyễn Thị Phụng cùng với các cháu. 3 người cháu ngoại của mẹ Trương Thị Rồng đều đã trưởng thành, 2 cháu cố cũng xinh xắn, chăm ngoan. Một năm nay, căn bệnh suyễn đã làm sức khỏe mẹ yếu đi phần nào. Danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng mà mẹ vừa được phong tặng thể hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp cho đất nước của người mẹ kiên trung.
Chị Ngô Thị Bích Tuyền, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên, cho biết: “Thời gian qua, nhận thấy ngôi nhà của mẹ Trương Thị Rồng đã xuống cấp, UBND phường Uyên Hưng đã vận động một doanh nghiệp xây tặng cho mẹ một căn nhà tình nghĩa. Song song đó, các chính sách chăm lo cho người có công cũng được địa phương quan tâm sâu sắc. Vào những dịp lễ tết, địa phương đều cử người đến thăm hỏi và tặng quà cho mẹ. Các chế độ chính sách đều được thực hiện nhanh chóng, nghiêm túc, kịp thời, trọn tình với người có công”.
HỒNG NHUNG