“Mẹ hạnh phúc trong sự quan tâm của con, cháu, chính quyền địa phương. Mẹ vui lắm, tuần nào cũng có cán bộ địa phương xuống thăm, tặng quà. Mẹ vui mừng và hạnh phúc nhất là ngày được nhận danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Trước giờ mọi người gọi mẹ là vợ, mẹ liệt sĩ, nay đã có tên gọi mới, mẹ Việt Nam anh hùng”. Mẹ Nguyễn Thị Chính (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo) đã tâm sự như vậy khi chúng tôi đến thăm.
Được sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội xã Phước Hòa, chúng tôi đến thăm mẹ Nguyễn Thị Chính tại ấp Bàu Cỏ. Hiện nay, mẹ đang sống với người con gái thứ tư Phan Thị Lá (SN 1942). Dù đã lớn tuổi nhưng chuyện đời, chuyện kháng chiến mẹ kể rành mạch lắm.
Mẹ sinh ra tại ấp Chánh Lưu, xã Chánh Phú Hòa, Bến Cát (nay là P.Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát). Mẹ lấy chồng và theo chồng về sống tại ấp Bàu Cỏ, xã Phước Hòa (quê chồng). Thời đó, xã Phước Hòa thường xuyên bị địch đàn áp, nhân dân sống trong cảnh cơ cực lầm than. Trước đó, chồng mẹ là ông Phan Văn Đính đã tình nguyện tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1965, trong một lần đi công tác tại Suối Sỏi (xã Hòa Lợi, Bến Cát, nay P.Hòa Lợi, TX.Bến Cát), ông bị địch phục kích và hy sinh. Đi cùng ông còn có một đồng đội khác cũng đã hy sinh. Sau đó, chúng đào hố chôn xác 2 liệt sĩ ngay tại xã Hòa Lợi. Đến năm 1985, gia đình đưa hài cốt ông về chôn cất tại quê nhà ở Bàu Cỏ. Chị Nữ, con gái mẹ nhớ lại: “Ngày nhận tin dữ về cha tôi, Nhà nước đưa giấy báo tử về, mẹ tôi khóc nhiều lắm. Lúc đó, tôi chỉ biết ôm lấy mẹ và khóc theo”.
Cũng với lòng căm thù và bất hợp tác với địch, khi giặc lập ấp chiến lược tại Phước Hòa, mẹ đưa các con gái lên Bến Cát ở nhờ nhà người thân, làm ruộng nuôi con. Các con trai, Phan Văn Tiền, Phan Văn Phấn tiếp bước cha vào rừng hoạt động cách mạng. Anh Tiền đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh nhưng may mắn không bị thương. Hiện nay, anh đang sống tại ấp Bố Lá, xã Phước Hòa và là người có công với cách mạng. Riêng anh Phấn sau đó được điều về công tác tại Trung đoàn 301 (Tân Uyên). Năm 1968, anh cùng đồng đội phục kích bắn máy bay địch thì bị trúng đạn hy sinh. Sau đó, gia đình nhận được giấy báo tử ghi rõ chức vụ là “Trung đội phó Quân đội nhân dân Việt Nam”. Đến nay, gia đình vẫn chưa tìm thấy hài cốt của liệt sĩ Phan Văn Phấn. Nhắc đến chuyện con trai hy sinh, mẹ nín lặng như đang cố kìm nén một nỗi đau. Mẹ nói: “Đã bao nhiêu năm rồi mẹ chẳng biết giờ con đang nằm ở đâu. Mẹ chỉ mong ước làm sao đưa được hài cốt con trở về quê hương, thế là mẹ mãn nguyện rồi”.
Nỗi buồn của mẹ nguôi ngoai phần nào khi đất nước được hòa bình, độc lập. Mẹ cũng vui khi bên mẹ, những người con còn lại của mẹ đã có cuộc sống ổn định, sống hiếu thảo với mẹ, các cháu đều được học hành tiến bộ.
Bước vào tuổi 96, cái tuổi xưa nay hiếm, mẹ vẫn đi lại nhanh nhẹn, mắt vẫn tinh tường. Với mẹ Chính, niềm an ủi lớn nhất đó là đã làm trọn vai trò người vợ, người mẹ và cả vai trò mà chồng mẹ đã ủy thác, khắc phục gian khổ, khó khăn nuôi dạy các con nên người.
Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH xã Phước Hòa Nguyễn Thị Kim Phương, cho biết hiện nay trên địa bàn xã Phước Hòa có 5 mẹ Việt Nam anh hùng. Các mẹ đều được Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa nhận phụng dưỡng suốt đời, mỗi tháng 1.050.000 đồng. Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương cũng đặc biệt quan tâm, chăm sóc các mẹ vào những dịp lễ, tết. Khi các mẹ đau ốm đều được hỗ trợ đưa đi khám và điều trị bệnh...
TỐ TÂM