Bài 1: Toang hoác… bờ sông!
Trộm cát - một thực trạng đang diễn ra công khai hàng đêm trên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương như căn bệnh trầm kha vô phương cứu chữa, đã gây ra hậu quả nghiêm trọng; bởi không chỉ tài nguyên dưới lòng sông bị “khai thác” mà đất đai, vườn tược, nhà cửa của cư dân sống trong lưu vực này đang bị dòng chảy xâm thực mãnh liệt, đe dọa đến tính mạng, tài sản của họ khiến cho lòng dân bức xúc và căm phẫn. Nhằm đưa ra ánh sáng những hành vi phạm pháp này, phóng viên Báo Bình Dương đã có quá trình xâm nhập thực tế vào khu vực này cả ngày lẫn đêm… để tìm hiểu.
Cây cối trơ gốc vì đất bị sạt lở
Sống trong sợ hãi!
Thực ra, trong những năm qua nhiều cơ quan báo chí đã có bài phản ánh về nạn khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai này rất được chính quyền, nhân dân đồng tình ủng hộ; song cũng vì nguồn lợi phi pháp mang lại quá lớn nên bọn “cát tặc” vẫn ngang ngược lộng hành, ngày càng liều lĩnh. Từ khai thác trái phép, không giấy phép nay các đối tượng chuyển qua trộm cát có tổ chức khá bài bản, tinh vi khiến người dân liên tục phản ứng.
Bờ sông sạt lở, đất bị cuốn trôi, cây khô vẫn đứng sững
Một dải đất ở ấp Thạnh Hiệp đang sạt lở nghiêm trọng
Bà con bức xúc, phẫn nộ là phải. Hai bên bờ sông Đồng Nai đã sạt lở từng mảng, như những cái hang sâu lồi lõm, nham nhở. Nhiều gia đình trước đây sinh sống trên mảnh đất rộng thì nay bị sạt lở đổ sụp khiến đất hẹp lại và chênh vênh bên bờ vực. Điển hình như hộ ông Đặng Xuân Trung, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Hội, Tân Uyên. Chúng tôi gặp ông trong một chiều mưa tầm tã. Nhìn căn nhà cấp 4 của ông chỉ còn cách bờ sông khoảng vài bước chân, ai cũng giật mình. Trời mưa to càng làm cho ông Trung thêm lo lắng: “Đất của tôi trước đây rộng về phía bờ sông hơn 30m nhưng nay chỉ còn vài mét, nếu tiếp tục sạt lở thì sập luôn cả căn nhà. Gia đình tôi ở đây bao đời nay, có khi nào thấy sông sạt lở như vầy đâu! Tất cả chỉ vì nạn trộm cát gây nên. Lòng sông bị rút ruột, đất hai bên bờ sụp xuống và sạt lở mà thôi…”.
Được biết, thời gian qua, chính quyền địa phương đã quan tâm đến tình trạng đất ở của hộ ông Trung. Cụ thể, đã cấp cho ông một nền tái định cư nơi khác và hỗ trợ 10 triệu đồng để di dời chỗ ở; nhưng đến giờ thì ông Trung vẫn không thể chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn, vì tiền di dời thì đã có nhưng biết lấy tiền đâu ra để làm nhà mới, dù chỉ là căn nhà tạm!
Tiễn chúng tôi ra về, ông Trung buồn bã thở dài. Không biết đến khi nào thì gia đình ông cùng bầy cháu nhỏ mới được chỗ trú ngụ an toàn. Còn hiện tại thì cả nhà họ đang sống trong nỗi sợ hãi, bồn chồn trước nguy cơ đất lở, nhà sập là điều dễ dàng nhận thấy.
Thực trạng “báo động”!
Cù lao Thạnh Hội - mảnh đất hiền hòa nằm ven sông Đồng Nai vốn đã nhỏ bé nay từng ngày đang thu hẹp. Chỉ cần khoảng nửa giờ, chúng tôi đã đi vòng quanh hết xã Thạnh Hội và chứng kiến bờ sông ở nhiều nơi sạt lở toang hoác! Nghiêm trọng nhất là ở các ấp Thạnh Hòa, Tân Hội, Thạnh Hiệp. Có nơi bờ sông bị sạt lở hàng chục mét, dấu tích còn để lại là nhiều cây cao đang héo dần vì ngâm trong nước. Những cây này trước đây mọc trên đất, nay đất bị sụp xuống, mặc cho dòng nước cuốn thì cây vẫn đứng sừng sững như để tố cáo hành vi hút trộm cát gây hậu quả.
Nhà ông N. ở ấp Tân Hội cũng là nạn nhân bị ảnh hưởng từ nạn hút cát. Ông kể, những năm trước khu vườn cây ăn trái của ông rất rộng, nhưng từ khi có nạn trộm cát xảy ra đất bị lở dần, thu nhỏ. Lo lắng trước sự mất an toàn của cuộc sống, hàng đêm khi bọn trộm cát xuất hiện ông đều phản ứng bằng cách rọi đèn pin phản đối nhưng chúng vẫn bất chấp. Có lần chúng còn ném đá vào ông và đe dọa dùng bạo lực. Trước hành động hung hãn của bọn trộm cát này, ông không dám làm cách ấy nữa mà mua hàng trăm khối đá đổ quanh bờ để giữ đất. Nhưng hiện nay, tất cả các khối đá kia đều đổ xuống dòng sông và đất đai của ông tiếp tục sụp lở càng thêm dữ dội hơn!
Ông N. đã nhiều lần phản ánh với Báo Bình Dương về nạn trộm cát diễn ra sôi động ở đây. Ông cho biết: Chính quyền địa phương đã nhiều lần vào cuộc, tuy có bắt được vài vụ nhưng nạn trộm cát ngày càng diễn ra một cách ngang nhiên. Bọn trộm này chẳng hề sợ ai, chúng sẵn sàng dùng bạo lực nếu bà con nào lên tiếng. Điều mà ông trăn trở là vì việc trộm cát gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người dân thì còn có thiệt hại về kinh tế rất lớn cho địa phương. Đối tượng trộm cát không phải là người ở địa phương này mà chúng từ nơi khác kéo đến. Chúng triển khai việc trộm trong chớp nhoáng, chỉ khoảng 30 phút đã hút xong 1 ghe cát 15 khối. Hàng đêm, mỗi nhóm trộm này hút được vài chục ghe cát đem bán, thu lợi bất chính.
Trộm cát và gây sạt lở đất đai là sự thật đã và đang diễn ra trên sông Đồng Nai mà “sôi động” nhất là khúc sông đi ngang qua xã Thạnh Hội, Thạnh Phước. Đây cũng là chủ đề chính mà người dân nhiều lần kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Chính quyền địa phương đã vào cuộc nhưng vấn nạn này vẫn tồn tại một cách ngang nhiên và đầy thách thức. Với tình hình này, nếu bọn “cát tặc” vẫn hoạt động tiếp diễn ì xèo như hiện nay; chỉ trong vài năm nữa thì bờ sông Đồng Nai sẽ sạt lở mạnh hơn, sâu hơn. Điều này cũng có nghĩa là thêm nhiều vườn tược và nhà cửa của người dân sống ven bờ sông này sẽ biến mất! Ai cũng biết vậy nhưng vì sao vẫn chưa dẹp bỏ được thực trạng nhức nhối này?!
Bài 2: Cuộc chiến không cân sức
• KIẾN GIANG - CÔNG KHANH