Những bài học mang tính thời sự

Cập nhật: 26-01-2013 | 00:00:00

40 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa và những bài học lịch sử của Hiệp định Paris vẫn còn mang tính thời sự. Trong đó, vai trò ngoại giao nhân dân thời đại Hồ Chí Minh là rất quan trọng để tạo nên thắng lợi …

>> Đấu trí trên bàn đàm phán >> Cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử >> Đàm phán Paris là tổng hợp sức mạnh ngoại giao >> Báo chí và nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam >> Tạo thế và lực giải phóng miền Nam

Bài học về ngoại giao nhân dân

Trong những ngày ở Hà Nội tìm hiểu thông tin để tuyên truyền từ chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đến thắng lợi vẻ vang trên bàn đàm phán Hội nghị Paris, rất nhiều tướng lĩnh là những nhân chứng sống đã khẳng định, thắng lợi của Hiệp định Paris là thắng lợi của trí tuệ toàn dân tộc Việt Nam, từ chính trị, chiến trường, đến ngoại giao. Tuy nhiên, trong đó phải nhấn mạnh đến bài học xương máu về ngoại giao nhân dân theo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đã vạch ra. Theo giải thích của các cựu chiến binh này, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, lúc nào đất nước gặp hiểm nguy nhất là lúc người dân đồng lòng tuyệt đối nhất. Mỗi người dân trở thành một người lính trung thành của Đảng, của chế độ sẽ tạo thành một sức mạnh tổng hợp diệu kỳ, không thể có kẻ thù nào thắng được. Từ báo chí, binh vận, binh địch vận và sự chiến đấu hy sinh cao cả của những người lính ở trong nước đến sự vận động báo chí thế giới, nhân dân toàn thế giới ủng hộ cho cuộc chiến chính nghĩa của Việt Nam đã làm lung lay ý chí xâm lược của kẻ thù. Đó là bài học xương máu về ngoại giao nhân dân mà các thế hệ hôm nay phải ghi nhớ và tiếp tục phát huy.

  Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và tỉnh Chămpasắc (CHDCND Lào) ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện Ông Nguyễn Văn Hữu (Một Hữu), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng, Chỉ huy trưởng tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ kể: “40 năm trước, tôi có đến 6 chiếc radio bên người nên đã nghe được tất cả các đài để theo dõi tình hình chiến sự, diễn biến tại Hội nghị Paris. Phải nói rằng, thời đó, sự ủng hộ của báo chí và nhân dân thế giới, sự đồng lòng của nhân dân trong nước đã tiếp thêm sức mạnh vô song cho người lính ở chiến trường. Chúng ta mất mát nhiều, nhưng những người lính vẫn chiến đấu anh dũng để giành lấy độc lập tự do. Tôi nghĩ rằng, không có sự tiếp sức của nhân dân, của dư luận thế giới, của sức mạnh tổng lực trên bàn đàm phán Paris thì chúng ta khó giành chiến thắng. Trong đó, vai trò phán đoán tài tình mọi tình huống, mọi diễn biến từ trong nước đến quốc tế của Đảng ta đã xác định được những thời cơ lớn của chiến trường và giành thắng lợi ngoại giao tại Hội nghị Paris, tạo tiền đề quan trọng cho quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tôi nghĩ rằng, bài học tổng lực từ sức mạnh nhân dân, lấy dân làm gốc là bài học xương máu cho mọi thời đại”.

Chiến lược, quyết sách rõ ràng

Phát huy tinh thần ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, trong những năm qua, tỉnh Bình Dương luôn quan tâm đến công tác đối ngoại để hội nhập quốc tế. Tính đến nay, đã có 37 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương. Các doanh nghiệp trên địa bàn Bình Dương đã xuất khẩu hàng hóa sang 193 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong năm 2012, Bình Dương đã thực hiện thỏa thuận hợp tác với thành phố Daejeon (Hàn Quốc), tỉnh Chămpasắc (CHDCND Lào). Riêng huyện Bến Cát và quận Yeongdo, TP.Busan, Hàn Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác… Trong những năm tới, Bình Dương tiếp tục mở rộng việc hợp tác, đầu tư, đẩy mạnh hợp tác với các nước trên thế giới, tiếp tục mở rộng mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương ở nước ngoài. Dự kiến từ nay đến hết năm 2015, Bình Dương sẽ có quan hệ hợp tác với 8 địa phương của các nước trên thế giới.

Trong 40 năm qua, ông Một Hữu thường nghĩ về bạn bè đã nằm xuống, nghĩ về chiến lược, quyết sách rõ ràng của Đảng, của Bác Hồ. Ông cho rằng, không phải hiển nhiên mà trong thơ chúc tết 1969, Bác Hồ đã xác định rõ “Đánh cho Mỹ cút” tiến tới “đánh cho ngụy nhào”. Bác đã đoán được mọi tình huống rất tài tình trước lúc ra đi. “Lúc đó, tôi là người chỉ huy trong cuộc chiến nên hiểu rất rõ những phán đoán tài tình của Bác, của Trung ương. Nhìn lại Hội nghị Paris, tôi nghĩ rằng, trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, bài học chiến lược, quyết sách rõ ràng, quyết định đúng và trúng trọng tâm vấn đề vẫn còn nguyên giá trị” - ông Hữu nhấn mạnh.

Có thể nhìn nhận, chiến lược, sách lược đến quyết sách tài tình từ cuộc đàm phán ở Paris đã nâng tầm ngoại giao Việt Nam lên tầm quốc tế. Nói như ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên Đại sứ, thành viên đoàn đàm phán CP VNDCCH, những bài học về ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc và tinh thần đoàn kết quốc tế trên bàn đàm phán Hiệp định Paris năm nào vẫn còn nguyên tính thời sự, nhất là việc giữ vững độc lập, tự chủ, coi đây là nguyên tắc quan trọng nhất trong xử lý các vấn đề đối ngoại đặt dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng.

  Tinh thần Hiệp định Paris vẫn còn nguyên giá trị

-  Đại tá NGUYỄN VĂN BIỆN, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh: Hiệp định Paris là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ của nhân dân Việt Nam

Trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp ác liệt, rồi đến chống Mỹ trường kỳ, quân và dân ta đã chịu đựng biết bao hy sinh, mất mát, biết bao người con ưu tú đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc. Vì vậy, khi Mỹ chấp nhận ký Hiệp định Paris, những người Việt Nam yêu nước hết sức vui mừng. Việc Mỹ phải ký Hiệp định Paris là một thắng lợi cực kỳ to lớn, tạo ra cục diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hiệp định Paris không chỉ là kết quả của cuộc đấu trí trên bàn đàm phán kéo dài gần 5 năm (1968-1973) mà còn là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ của nhân dân Việt Nam trên khắp chiến trường mà đỉnh cao là chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vào cuối tháng 12-1972. Có thể nói, cội nguồn của thắng lợi Hội nghị Paris là tinh thần quyết chiến quyết thắng, là ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ cho chân lý, giành độc lập tự do của cả dân tộc Việt Nam. Cuộc đấu tranh này cũng phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hiệp định Paris mãi mãi đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam như một dấu son không bao giờ phai mờ. Hiệp định Paris còn là bằng chứng tất yếu của sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ toàn thế giới.

 - Đại tá LÊ QUANG MỸ, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:  Đưa lịch sử Việt Nam sang một trang mới

Hiệp định Paris được ký kết như một thắng lợi quan trọng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang một trang mới, đi đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hiệp định Paris đã trở thành biểu tượng của tinh thần không có gì quý hơn độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Hiệp định Paris không chỉ là một sự kiện có ý nghĩa đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam mà còn là sự kiện lịch sử chứa đựng nhiều nội dung về nghệ thuật quân sự, nghệ thuật đàm phán và các vấn đề quan hệ quốc tế khác.

Được sống đến ngày hôm nay, được chứng kiến kỷ niệm 40 năm ngày Hiệp định Paris được ký kết thì không có gì vui bằng. Chỉ mong rằng thế hệ trẻ hôm nay phát huy những gì cha ông đã đổ mồ hôi, xương máu mới có được để xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 - Thiếu tướng NGUYỄN VĂN PHÊ, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:  Đó là biểu tượng của tinh thần không có gì quý hơn độc lập, tự do của dân tộc ta

Sau kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta, gây chấn động thế giới, ngày 27-1- 1973, Mỹ chấp nhận ký kết Hiệp định Paris. Phải nói, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam thời đó đã thu hút sự quan tâm không chỉ của người Việt Nam yêu nước mà còn thu hút sự chú ý của nhiều dân tộc và nhân dân thế giới. Điều này cho thấy vị thế, uy tín và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Hiệp định Paris được ký kết là quân và dân ta đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chiến lược “Đánh cho Mỹ cút”, tiến lên “Đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây thực sự là cột mốc vàng đánh dấu quyền tự quyết dân tộc của người Việt Nam được thực hiện một cách đầy đủ và trọn vẹn.

Tôi cũng như bao nhiêu người con Việt Nam yêu nước thời đó rất phấn khởi trước sự kiện lịch sử trọng đại này, chúng tôi đều tin tưởng rằng, đất nước mình sẽ thống nhất trong một ngày không xa. Và điều đó đã trở thành hiện thực sau hơn 2 năm, đánh dấu bằng chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc thắng lợi vào trưa ngày 30-4-1975.

 - Chị HÀ THANH, Bí thư Chi đoàn Sở Ngoại vụ: Chúng tôi luôn phấn đấu trở thành cán bộ ngoại giao năng động

Là một cán bộ trẻ làm công tác ngoại giao, qua nghiên cứu Hiệp định Paris, chúng tôi cảm nhận được nghệ thuật ngoại giao tài tình của Đảng ta, của đoàn đàm phán Việt Nam. Sự thành công của hiệp định này đã thể hiện rõ nghệ thuật ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh. Những bài học vô giá này, tuổi trẻ chúng tôi luôn ghi nhớ. Tôi luôn phấn đấu học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ để phục vụ tốt hơn cho công tác ngoại vụ của tỉnh nhà trong quá trình phát triển, hội nhập.

HỒ VĂN – THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=732
Quay lên trên