Tính đến nay, Báo Bình Dương đã viết rất nhiều bài để biểu dương những cựu binh “tỏa sáng” giữa đời thường. Riêng chương trình Đào tạo nông dân thành doanh nhân chung sức xây dựng nông thôn mới, đã có 4 doanh nhân cựu chiến binh (CCB) tham gia chương trình truyền thông đa phương tiện: Nhật báo, Báo Điện tử và giao lưu trực tuyến trên Bình Dương Online. Tất cả đều là những tấm gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi và tích cực làm công tác xã hội, từ thiện.
Ông Đoàn Minh Chiến đang chăm sóc vườn bưởi của mình
Sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao
Trong số CCB ấy có 1 thương binh nặng loại II, mất hơn 61% sức khỏe và ảnh hưởng chất độc da cam đến 65%, đó chính là Đại tá, CCB Đoàn Minh Chiến, mà mọi người vẫn quen gọi là anh Ba Chiến. Với hàng chục mảnh đạn còn nằm trong đầu, tim, phổi, song ông đã giữ vững tinh thần cách mạng tiến công trên mặt trận kinh tế. Từ năm 1984, ông Ba Chiến đã vai súng, vai rựa khai hoang mở đường trên mảnh rừng Chiến khu Đ, ở ấp Vườn Ươm, xã Tân Định, Bắc Tân Uyên, để lập vườn, trồng trọt với khát khao mãnh liệt “thay áo mới”, làm giàu cho chiến khu xưa, nơi ông từng chiến đấu, đổ máu, cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Bước đầu khởi nghiệp, ông trồng lúa để có cái ăn trước mắt, rồi trồng các thứ cây ăn trái, lấy ngắn nuôi dài. Cuối năm 2000, ông đã hoàn tất việc trồng cao su, từ khi bưởi da xanh lên ngôi, ông trồng bưởi.
Ông kể: “Không thể kể hết sự khó khăn, dữ dằn ngày đó: không điện, nước, đường sá và trên mặt đất là hàng tấn bom, mìn của cả 2 bên. Tôi đã trực tiếp gỡ hàng tấn mìn. Và đất đã không phụ công người, đến khi có trái ngọt, quả sai thì tôi vui đến rơi nước mắt!”.
Đến nay Trang trại Đại tá Đoàn Minh Chiến đã có 54 ha, trong đó gần 30 ha cao su, 15 ha bưởi. Trang trại của ông đã giải quyết việc làm, nhà ở ổn định cho 20 lao động. Cao su tuy xuống giá, nhưng ông vẫn giữ vườn, do dự đoán rồi giá sẽ lên. Còn vụ bưởi năm nay ông đã thu hoạch được 113 tấn, doanh số 4 tỷ. Dự kiến năm sau sản lượng sẽ tăng gấp đôi.
Nữ doanh nhân cựu binh ngành công an tham gia số giao lưu trực tuyến đầu tiên là bà Nguyễn Thanh Thủy. Bà Thủy thành lập công ty năm 2009. Đến nay bà đã là chủ của một công ty bưởi lớn nhất miền Đông Nam bộ. Năm 2016, bà Thủy là 1 trong 10 gương nông dân xuất sắc trong cả nước được nhận giải “Sao thần nông - cho mùa bội thu” do Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức. Hiện bà Thủy còn liên kết với một số trang trại chuyên canh bưởi da xanh và Năm Roi ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Bình Thuận, với diện tích trên 100 ha. Với sản lượng lớn và đầu ra ổn định, doanh thu bình quân hàng năm của công ty bà Thủy đạt hơn 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty còn tạo công ăn việc làm cho 45 lao động trên địa bàn với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Một cựu binh nổi bật nữa của chương trình là ông Nguyễn Hữu Vận. Ông được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vào Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) vừa qua tại Hà Nội. Ông cho biết: “Từ khi Đảng và Nhà nước có chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, tôi đã mạnh dạn đầu tư làm trang trại cao su”. Hiện tại, gia đình ông Vận đã sở hữu hơn 40 ha cao su và bưởi. Hàng năm gia đình ông thu nhập hàng tỷ đồng.
Tiếp nối thế hệ cha anh là CCB Lê Văn Tiếp ở Long Nguyên, Dầu Tiếng. Tuy diện tích và cả doanh số của anh còn khiêm tốn, song đây một mô hình kinh tế nông nghiệp đô thị có triển vọng. Anh đang dự tính thành lập Câu lạc bộ Trồng hoa lan trên cây cao su từ gợi ý của dự án Đào tạo nông dân thành doanh nhân.
Xây dựng gia đình hạnh phúc, văn hóa mới
Bên cạnh việc khởi nghiệp thành đạt từ nông nghiệp, đa số các cựu binh còn xây dựng, giữ lửa một mái ấm hạnh phúc, chung thủy sắt son. Mối lương duyên 46 năm của vợ chồng ông Ba Chiến như một bản tình ca đẹp của Chiến khu Đ. Ông cười vui: “Nằm viện đến 13 lần, nên năm 1970 tôi lấy luôn bác sĩ cho “khỏe”. Chắc đây là bí quyết để có sức khỏe làm việc hết mình tạo lập cơ ngơi, dù sức khỏe “xuống” do tuổi tác và thương tật!”.
Phóng viên nữ trẻ Quỳnh Nhiên của chúng tôi lắng nghe vợ chồng ông nói chuyện, rồi khen: “Chú 74 tuổi, cô 69 mà còn gọi nhau âu yếm “anh, em” hay ghê!”.
Đến trang trại, gia đình ông Chiến, chúng tôi đâu chỉ một lần tấm tắc khen “hay ghê”. Nơi đây đâu chỉ vang vọng một bản tình ca, mà còn vang mãi “khúc quân hành”. Hiện ông Chiến còn giữ lại 2 ha rừng Chiến khu Đ để nhắc nhở con cháu về truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông.
Các cựu binh khác của chương trình cũng có “hậu phương” vững chắc để đánh thắng trận chiến kinh tế. Vợ chồng ông Vận cũng đã luôn bên nhau trong làm ăn kinh tế, đến giữ vững hạnh phúc gia đình. Anh Tiếp cũng vậy: “Làm gì được vợ ủng hộ, tôi có thêm sức mạnh, vượt mọi khó khăn!”.
Ông Nguyễn Hữu Vận đang trộn phân hữu cơ vi sinh để bón cho vườn bưởi
Và đóng góp xây dựng xã hội
Từ các gia đình của các cựu binh Ba Chiến, Năm Vân... quả đúng như ông bà xưa đã nói: “Đồng vợ đồng chồng, tát bể Đông cũng cạn”. Và ông bà cũng có câu “Thất thập cổ lai hy”. Song với tuổi 74, ông Ba Chiến rất lạc quan: “Đối với tôi 60, 70 vẫn là trung niên!”. Hiện ông là người có nhiều chức vụ cao nhất trong số cựu binh này và chức vụ nào ông cũng cố gắng hoàn thành. Hiện ông làm đến 4 ủy viên Trung ương: Hội CCB, Hiệp hội Doanh nhân CCB, Hội Làm vườn, Hội Sinh vật cảnh Trung ương, 4 ủy viên địa phương: BCH Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh và 3 ủy viên mặt trận xã, huyện, tỉnh.
Ngoài việc cháy hết mình trong làm ăn kinh tế, ông Chiến còn tích cực làm công tác xã hội, từ thiện. Ông tích cực chỉ dẫn mọi người kỹ thuật trồng bưởi trên đất sỏi phún, để nhân rộng loại cây đang cho giá trị cao này. Đặc biệt ông còn xây dựng nhà tình thương “chìa khóa trao tay” cho các hộ khó khăn ở Bình Mỹ, Tân Bình, Tân Định (Bắc Tân Uyên), Thanh An (Dầu Tiếng) đồng đội cũ ở Phú Nhuận (TP.Hồ Chí Minh), Thái Bình (khoảng 300 triệu). Đặc biệt, ông đã tham gia làm cầu làm đường nối liền 2 xã Tân Định, Bình Mỹ (khoảng 400 triệu đồng) và hỗ trợ vốn xóa đói giảm nghèo (100 triệu đồng). ..
Người CCB nhiều lần được cấp thẩm quyền từ địa phương đến Trung ương khen ngợi về tinh thần sẻ chia, lá lành đùm lá rách là ông Năm Vận: “Qua tìm hiểu, tôi biết hiện vẫn còn nhiều hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa rất khó khăn. Vì vậy, tôi đã tích cực tham gia làm công tác từ thiện để giúp đỡ đồng bào, đồng chí, đồng đội nghèo phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Tính từ năm 2010 đến nay, gia đình tôi đã xây nhà tình thương, hỗ trợ Hội Người mù, tặng học bổng, lập nhà thuốc đông y... gần 2 tỷ đồng!”...
Hình ảnh của những anh bộ đội Cụ Hồ oai hùng năm xưa, nay là những lão nông đầu đội trời, chân đạp đất, lập bao chiến tích trên mặt trận mới, là hình ảnh đẹp nhất mà chúng tôi ghi nhận được. Cuộc đời các ông từ con đường binh nghiệp, đến khởi nghiệp làm kinh tế thành đạt, là bài học quý về tinh thần vượt khó vươn lên, trên nền tảng xây dựng gia đình hạnh phúc và tinh thần tương thân, tương ái. Các ông là những tấm gương sáng, mà các thế hệ mai sau mãi mãi kính trọng, học tập và làm theo.
BẢO ANH