Chiến tranh dù đã lùi xa nhưng nhịp “hành quân” trong các hoạt động cộng đồng của các thương binh trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên chưa bao giờ đứt đoạn. Dù tuổi cao, sức khỏe có phần giảm sút nhưng họ luôn phát huy phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ mà 2 thương binh sau đây là những điển hình như thế.
Ông Lê Văn Cần lên kế hoạch, xây dựng chương trình hành động khu phố 4
Thương binh Lê Văn Cần: Trách nhiệm với cộng đồng
Theo giới thiệu của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bắc Tân Uyên, chúng tôi đã tới thăm ông Lê Văn Cần, thương binh hạng 4/4 ở khu phố 4, thị trấn Tân Thành. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi với ông đó là một người thương binh bản lĩnh, mạnh mẽ trong các hoạt động, luôn được bà con quý trọng, cấp ủy, chính quyền địa phương tín nhiệm.
Sinh ra và lớn ở tỉnh Thanh Hóa, năm 1969, ông Cần tham gia vào chiến trường miền Đông Nam bộ khốc liệt. Khi đất nước thống nhất, ông trở về quê hương làm xã đội trưởng. Sau khi nghỉ hưu tại địa phương, năm 2004, ông Cần vào Tân Thành sinh sống và làm việc. Vốn là người nhiệt tình, trách nhiệm với cộng đồng nên ngay sau khi đến khu phố 4 sinh sống, ông Cần tích cực tham gia công tác xã hội địa phương. Từ năm 2008 đến nay, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ khu phố 4; Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Tân Thành rồi Trưởng ban Điều hành khu phố 4, thị trấn Tân Thành.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trước khi có những kế hoạch làm đường, ông tổ chức các cuộc họp công khai với người dân, cùng chi ủy khu phố phân công từng đảng viên đến từng hộ gia đình vận động. Để 100% người dân đồng thuận, ông nêu gương cán bộ, đảng viên thực hiện trước, sau đó vận động những người dân cao tuổi có uy tín nhất trong khu vực giao đất, hiến đất, hoa màu. Từ việc nêu gương này, bà con khu phố thấy lợi ích làm đường nên đồng thuận chung tay, góp sức thực hiện. Điển hình, ông Cần cùng các ban, ngành, đoàn thể vận động nhân dân giải tỏa, giao đất để thi công tuyến đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng chạy qua khu phố với chiều dài khoảng 1.000m từ UBND thị trấn Tân Thành đến xã Tân Định. Từ đầu năm đến nay, ông phối hợp cùng với các ngành, đoàn thể vận động 65 hộ dân trong khu phố làm 5 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 1.100m.
Ông Cần chia sẻ: “Mình làm tốt thì nói dân mới tin nên mọi việc tôi luôn chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, rõ ràng, thực hiện tốt quy chế dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân”.
Thương binh Tô Hữu Phúc: Tích cực giáo dục thế hệ trẻ
Về ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm hỏi thương binh 4/4 Tô Hữu Phúc bà con ai cũng biết. Ông Phúc đã 83 tuổi nhưng sức khỏe và trí nhớ rất tốt. Kể lại những năm tháng xưa cũ gắn liền với màu áo xanh bộ đội, ông Phúc vẫn còn nhớ như in. Đó là năm 1960, ông Phúc cũng như bao thanh niên khác, tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của non sông. Thời điểm ấy, cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, chiến trường miền Đông Nam bộ, nơi ông xung trận cũng là tâm điểm của cuộc chiến. Với nhiệm vụ cứu thương, ông Phúc cùng các đồng đội ở Bệnh viện 175 miền Đông luôn bám sát trận địa, xây dựng hệ thống trạm quân y trong rừng để cứu chữa thương bệnh binh. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, khó khăn vất vả, thiếu máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc men, ông Phúc cùng các chiến sĩ quân y vừa tải thương, vừa chăm sóc, điều trị để nhanh chóng trả lại quân số chiến đấu cho các đơn vị ngay tại mặt trận.
Ông Tô Hữu Phúc tích cực phổ biến mô hình ủ rác thải làm phân bón, bảo vệ môi trường
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Phúc lại tiếp tục xung phong tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Trở về từ chiến trường, ông tiếp tục công tác trong ngành y tế đến năm 1993 thì nghỉ hưu. Từ năm 2005 đến năm 2014, ông Phúc được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã và là bác sĩ Trạm Y tế xã Hiếu Liêm.
Ông Phúc cho biết: “Từng trực tiếp tham gia các chiến trường, hơn ai hết, bản thân tôi thấu hiểu những hy sinh cao cả của đồng chí, đồng đội. Tự hào về truyền thống cách mạng, những năm qua, mỗi khi có dịp, tôi luôn kể cho thế hệ trẻ về những ký ức chiến tranh, khơi dậy lòng tự hào dân tộc; củng cố niềm tin của thế hệ trẻ vào Đảng, vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Ngoài những câu chuyện về lịch sử, tôi còn trao đổi với thế hệ trẻ về đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật, phòng, chống tệ nạn xã hội, vận động thanh niên ủ rác thải làm phân bón, bảo vệ môi trường” .
K.HÀ - PHƯƠNG THANH