Những hiện vật tùy táng đặc sắc trong chum gỗ Phú Chánh II

Cập nhật: 28-11-2015 | 07:08:03

Nghiên cứu hình thức mai táng của cư dân thời cổ có ý nghĩa rất quan trọng trong khảo cổ học. Tư liệu về mộ táng không chỉ cung cấp một số lượng phong phú đồ tùy táng, điều quan trọng hơn là qua hình thức mai táng và những đồ vật tùy táng chúng ta có thể nghiên cứu được trình độ phát triển kinh tế - xã hội, phong tục tập quán, nguồn gốc tộc người, đặc trưng văn hóa... của cư dân thời cổ. Thành tựu nghiên cứu khảo cổ học cho thấy cư dân trên đất Bình Dương thời tiền - sơ sử có nhiều hình thức mai táng phong phú, có nét gần gũi với tập quán các vùng khác nhưng cũng có những nét độc đáo thú vị mới chỉ phát hiện nơi đây, đó là việc sử dụng quan tài bằng chum gỗ và nắp là một trống đồng Đông Sơn.

Sau chiếc trống đồng đầu tiên phát hiện vào cuối năm 1995, năm 1998, anh Nguyễn Văn Cường, xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên trước đây khi rà phế liệu trên thửa ruộng nhà ông Hai Hổ đã phát hiện một trống đồng ở độ sâu khoảng 1,8 - 2,5m đã đem về gia đình lưu giữ và báo cho Bảo tàng Bình Dương. Nhận được tin báo, Bảo tàng Bình Dương kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học tại TP.Hồ Chí Minh cử đoàn chuyên gia tiến hành chỉnh lý sơ bộ hiện vật và đào thám sát tại hiện trường đã phát hiện thêm một chum gỗ nguyên vẹn cùng nhiều hiện vật tùy táng. Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ học phát hiện chum gỗ còn nguyên hình dáng (chum Phú Chánh II) chứa nhiều đồ tùy táng phẩm lạ bên trong và có đậy nắp bằng trống đồng Đông Sơn.

Hiện vật tùy táng phát hiện trong chum gỗ không nhiều nhưng lại rất đặc sắc, đặc biệt không ít di vật hữu cơ còn được bảo tồn trong tình trạng nghiên cứu tốt và rất hiếm thấy với các nhà khoa học, có thể phục vụ nghiên cứu phân tích và trưng bày lâu dài.

Kiếm gỗ: Một chiếc, còn nguyên vẹn, được chế tác rất cầu kỳ từ gõ hoặc căm xe màu nâu đỏ. Đây là thanh kiếm thứ ba thu được tại Việt Nam nhưng với dáng đốc hoặc chuôi rất khác lạ. Thanh kiếm gỗ Phú Chánh có thể coi như có chức năng tế lễ dạng như kiếm trượng dành cho thủ lĩnh bộ lạc hay tôn giáo cổ xưa. Kiếm dài 70cm, với phần đốc dài 15cm và lưỡi dài 55cm. Đầu đốc được gọt thành ba mấu, quy mô các mấu bằng, hai mấu rìa rộng 1cm, mấu ở giữa rộng 2 cm. Phần đầu của đốc kiếm rộng 7,4cm, phần giữa hơi bóp nhỏ, rộng 4,8cm nơi hẹp nhất và hơi phình ra ở phần tiếp giáp với bản lưỡi.

Ở chính giữa mặt đốc kiếm, người xưa khoét thủng tạo hình 6 tam giác đều hoặc tam giác cân. Kiếm Phú Chánh có tiết diện đốc và bản lưỡi gần hình thoi, bản lưỡi rộng trung bình 6,4 - 6,5cm, với hai rìa sắc mỏng và thon gọn về đầu, đầu mũi kiếm bị gãy nát. Kiếm dày trung bình 0,7 - 1,1cm.

Nghi trượng: Một chiếc, thân đẽo bằng tạo hình gần chữ nhật, một đầu đã bị mục nát, chiều dài còn lại 62,5cm. Di vật làm từ loại gỗ nhẹ, thớ mềm màu xám nâu nhạt, phủ bùn đen khắp bề mặt, thân rộng từ 9,2 - 9,5cm, ở cả hai mặt còn một số vết khắc vạch song song không nhận rõ hình trang trí.

Chính ở phần đầu này, người xưa chuốt vót tạo thêm 2 sừng nhọn, kích thước to nhỏ khác nhau, thân có tiết diện gần bầu dục. Đây là di vật gỗ có trang trí mới lạ, lần đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Các di vật gỗ chưa rõ chức năng: Hai hiện vật, cỡ nhỏ. Một tiêu bản có hình gần khối bán nguyệt, dài 5,5cm, rộng 2,6cm đẽo gọt từ gỗ cứng như lim hoặc căm xe. Một tiêu bản chế tác cầu kỳ hơn, chuốt gọt tạo hình gần giống nêm gỗ với một đầu to và một đầu nhọn. Cả hai di vật này đều chưa rõ công dụng.

Các di vật thực vật: Một quả bầu bị dập bể thành 29 mảnh lớn nhỏ, bề mặt láng bóng, màu đen hoặc nâu sậm. Khoảng 40 quả cau, những trái còn nguyên dạng cho biết chúng đều được người xưa tước hết vỏ, một số gọt bằng hai đầu, để nguyên không bổ tách miếng. Một số loài thảo mộc, rơm rạ lúa và các vỏ cây đập nhỏ, khoảng 20 hạt lúa cỡ hạt dài trong một đồ đựng trét sét vàng đậm. Ngoài ra, còn một số mảnh vụn có kích thước khác nhau, có thể là mảnh gỗ sao do người thợ xưa đẽo vát và khoét ruột chum gỗ còn sót lại. Những vết tích mảnh vụn, cũng các vết đẽo gọt còn in trên chum gỗ cho thấy rõ chúng được tạo bởi rìu kim loại.

Gương đồng: Một chiếc, bị người xưa đập vỡ thành 4 mảnh trước khi chôn vào chum gỗ. Gương tròn với mặt soi láng bóng, song do ngâm lâu ngày trong bùn nên mặt soi bị bong tróc gần hết. Mặt soi không bằng mà hơi cong. Ở mặt sau, phần chính giữa gương có một núm tròn nổi khá cao, có lỗ xuyên ngang. Quanh núm có một vành tròn nổi để trơn, vành đai rộng 0,3cm, đường kính khoảng 3cm.

Từ vành đai trở ra có 3 vành hoa văn. Vành 1 và 3 là các vành có những đường gạch chéo song song và cách đều nhau, các vành nay hơi lõm xuống kiểu lòng máng. Vành 2 là vành có 4 núm tròn là tâm điểm của 4 vòng tròn nhỏ, nằm cách đều nhau, rất cân xứng qua núm tròn ở tâm gương. Khoảng giữa 4 núm tròn nổi là 4 hình chữ S nằm ngang với một đầu uốn cong (có người gọi hình chữ S này là hình giản hóa của 4 con ly). Gương Phú Chánh có đường biên trơn rộng, đường kính toàn bộ là 10,6cm, bị rỉ xanh với những vành đen do ngâm lâu ngày trong bùn đất.

Mảnh đá: Một tiêu bản, là loại đá bazan màu trắng đục, hạt mịn, còn mang một số vết đẽo nhỏ, với một mặt phẳng, mặt đối diện cong lồi, chưa rõ công dụng.

Đồ gốm: Khoảng 7 đồ đựng, đều bị người xưa đập bể trước khi chôn vào chum gỗ. Gồm 3 đồ đựng có chân đế tô màu nâu sậm, đen bóng. Các đồ đựng đều thuộc loại gốm gia dụng, chế tạo từ sét pha cát mịn, nhiều bã thực vật, vỏ nhuyễn thể nghiền vụn, lẫn các khoáng vật, nung không cao nên gốm dễ bị thấm nước. Đây là mảnh của những nồi vò hay hũ nhỏ, một số có lớp áo dày nhưng bị bong tróc tạo bề mặt loang lổ.

Chum Phú Chánh II

Nghi trượng trong mộ chum Phú Chánh II

Xác cau trong mộ chum Phú Chánh II

Gáo làm từ vỏ quả trong mộ chum Phú Chánh II

Nét độc đáo nhất của làng cổ Phú Chánh là các mộ dạng thân cây khoét rỗng tạo hình như chum hoặc lu gỗ sao và nắp đậy bằng trống đồng Đông Sơn. Cộng đồng cư dân cổ Phú Chánh không chỉ có trong tay mình trống đồng Heger I - biểu tượng của sự giàu sang và quyền uy Việt cổ - Đông Sơn, họ còn có cả các sản phẩm đặc trưng của các nền văn minh khác. Đó là chiếc gương đồng thời Hán - bằng chứng sống động về mối quan hệ giao lưu của người cổ Bình Dương ở tầm mức châu lục. Việc phát hiện gương đồng Tây Hán trong chum gỗ Phú Chánh củng cố niềm tin về niên đại tuyệt đối của của chủ nhân di tích quý hiếm này, khoảng thế kỷ I trước Công nguyên đến Công nguyên.

Sự có mặt của gương đồng cùng nhiều tùy táng phẩm và dấu tích than tro dày thành nhiều lớp trong bùn sình ở lòng chum gỗ Phú Chánh gợi nhận thức về táng thức hỏa thiêu của người cổ nơi đây. Cùng với trống đồng và gương đồng, các di vật gỗ giống như “kiếm trượng”, “nghi trượng” chôn kèm gợi ý về thân phận chủ nhân mộ chum gỗ, nắp trống đồng Phú Chánh, có thể là một vị thủ lĩnh bộ lạc hay thủ lĩnh tôn giáo của cộng đồng người Đông Nam bộ thuở bấy giờ.

Một điều đặc biệt là việc phát hiện những hiện vật gỗ giống như sừng trâu và gần 40 trái cau đã lột vỏ chôn theo trong chum gỗ gợi nét đặc trưng văn hóa dân tộc Việt cổ như tục: ở nhà sàn, săm mình, nhuộm răng đen, ăn trầu… mà nhiều thư tịch cổ, khảo cổ học, dân tộc học đã chứng minh.

BÌNH CÔNG

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Tư liệu

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1654
Quay lên trên