Bài 6: Đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968, lực lượng vũ trang (LLVT) của tỉnh bất chấp hy sinh, gian khổ, cùng với các đơn vị chủ lực đứng chân trên địa bàn liên tục chiến đấu tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc Mỹ phải chấp nhận ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Thủ Dầu Một kể lại diễn biến Chiến dịch Nguyễn Huệ ở tỉnh Thủ Dầu Một
Chiến trường ác liệt
Ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Thủ Dầu Một kể lại: Đến cuối năm 1968, vùng căn cứ của ta bị địch chà đi xát lại, hủy diệt bằng bom đạn, chất độc hóa học, dùng biệt kích đổ chụp... Trong các ấp chiến lược, địch kiểm soát chặt chẽ nguồn lương thực, ngăn chặn dân cung cấp cho cách mạng. Vì vậy, tình hình chung của LLVT Phân khu 5 gặp rất nhiều khó khăn. Quân thiếu hụt, vũ khí trang bị thiếu thốn, đặc biệt khó khăn về lương thực. Trong khi đó, kết hợp với những cuộc càn quét lớn, đánh phá bằng phi, pháo, từ cuối năm 1969, trên chiến trường Phân khu 5, địch tăng cường thực hiện thủ đoạn đổ chụp từng toán biệt kích Mỹ sâu vào căn cứ ta để phát hiện kho tàng, căn cứ, chỉ điểm cho phi, pháo đánh phá. Địch thực hiện lùng sục, gài mìn trên những con đường mòn để chặn đánh cán bộ, chiến sĩ ta đi lại hoạt động. Những toán biệt kích Mỹ hoạt động theo kiểu “sáng đổ xuống, chiều bốc đi, thoắt ẩn, thoắt hiện” sâu trong căn cứ phía sau đã gây cho ta nhiều khó khăn và thương vong.
Lúc này, tình hình chiến trường Phân khu 5 và huyện Dầu Tiếng, Bến Cát (Phân khu 1) vô cùng ác liệt, bị chia cắt mạnh. Ta kết hợp thực hiện ba mũi (quân sự, chính trị, binh vận) trong đánh phá bình định chưa đủ mạnh; thế chiến tranh du kích không đều, có phần giảm sút. LLVT (kể cả đơn vị của phân khu, huyện, du kích xã) ngày càng hao hụt do thương vong, bệnh tật, đau ốm... Mỗi đại đội chỉ có 25 - 35 tay súng chiến đấu. Nhiều đơn vị số thương vong khi tải gạo, vận chuyển vũ khí nhiều hơn chiến đấu. Các đơn vị bám trụ vùng ven chủ yếu nhờ vào nguồn lương thực của dân trong ấp chiến lược ủng hộ. Các đơn vị hoạt động trên địa bàn Chiến khu Đ, Châu Thành, Tân Uyên, Bến Cát... có lúc hàng tháng trời, mỗi người chỉ có 3 - 5 lon gạo độn với rau rừng, củ mài, củ chụp, củ nần. Cái đói, cái đau, cộng với sự đánh phá càn quét, bom đạn của địch làm cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên chiến trường Phân khu 5 càng quyết liệt hơn.
Buộc Mỹ bước vào bàn đàm phán
Để đối phó với địch, cuối tháng 3-1970, Phân khu 5 mở đợt hoạt động Xuân - Hè, đánh phá bình định với những nội dung trọng tâm trước mắt là: Tập trung đánh phá làm thất bại toàn diện âm mưu bình định của địch, nhất là khu trọng điểm; gắn sự phối hợp tấn công địch với xây dựng phát triển thực lực tại chỗ; đồng thời đề ra những nội dung, yêu cầu cụ thể cho từng vùng.
Để chỉ đạo, chỉ huy kịp thời, bảo đảm đợt hoạt động giành thắng lợi, Phân khu ủy quyết định thành lập Ban Chỉ huy vùng ven và vùng trung tuyến; đồng thời bố trí tăng cường một số cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần bảo đảm thông tin liên lạc cho các trọng điểm của vùng ven và vùng trung tuyến. Các trạm giao liên, các tổ đài được bố trí lại cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị và tình hình chung của chiến trường, bảo đảm thông tin liên lạc giữa Ban Chỉ huy vùng với Phân khu ủy, Bộ Chỉ huy phân khu và cả bờ nam và bờ bắc sông Bé và liên lạc với Trung ương Cục.
Ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Thủ Dầu Một cho biết, kết hợp phương châm 3 mũi trong điều kiện chiến trường ác liệt, các LLVT Phân khu 5 nêu cao tinh thần chịu đựng khó khăn, vượt qua gian khổ, hy sinh, kiên cường bám trụ, bám địa bàn, anh dũng chiến đấu với những nỗ lực phi thường đã vượt qua thời kỳ khó khăn, thử thách cam go nhất, từng bước chuyển phương châm, phương thức hoạt động tác chiến phù hợp với tình hình. LLVT phân khu liên tục chiến đấu chống địch càn quét, tổ chức tấn công địch khi có thời cơ, đánh mạnh và từng bước làm thất bại kế hoạch “bình định” nông thôn của Mỹ - ngụy, phá lỏng, phá rã bộ máy kìm kẹp của địch trên diện rộng; căn cứ phía sau được giữ vững và củng cố, mở ra điều kiện thuận lợi cho Đảng bộ, quân và dân Phân khu 5 cùng toàn miền đẩy mạnh tiến công địch giành thắng lợi to lớn hơn.
Tháng 5-1971, trước tình hình thay đổi cục diện chiến trường có nhiều thuận lợi cho ta, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết đề ra nhiệm vụ với quyết tâm: Động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nắm lấy thời cơ lớn, trên cơ sở phương châm chiến lược là đánh lâu dài, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao, phát triển thế chiến lược tiến công mới trên toàn miền Nam và trên cả chiến trường Đông Dương, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh kéo dài”. Đồng thời, Trung ương Cục quyết định bố trí lại chiến trường miền Đông. Phân khu 5 và tỉnh Biên Hòa (U1) sáp nhập thành Phân khu Thủ Biên,
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục và Quân ủy Miền hạ quyết tâm mở cuộc tiến công Xuân - Hè 1972 với tên gọi chiến dịch Nguyễn Huệ, tạo ra bước chuyển biến cơ bản làm thay đổi cục diện chiến tranh. Đòn tiến công của quân chủ lực nhằm vào 3 hướng: Trị Thiên, Đông Nam bộ và Tây nguyên. Trong đó, miền Đông Nam bộ được xác định là chiến trường chính với mục tiêu giải phóng một số khu vực quan trọng thuộc 3 tỉnh Bình Long, Tây Ninh và Phước Long, hướng chủ yếu là đường 13.
Trong Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972, Phân khu Thủ Biên là chiến trường phối hợp. Phân khu ủy và Bộ Chỉ huy Phân khu Thủ Biên xác định nhiệm vụ chung những tháng đầu của chiến dịch là: “Đẩy mạnh 3 mũi giáp công đánh phá bình định, liên tục làm lỏng, rã bộ máy kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ trên diện rộng và nâng thế làm chủ một bước cao hơn để hoàn thành bước một đánh phá bình định...”.
Cuối tháng 1-1972, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Phân khu Thủ Biên đã phát động phong trào thi đua lập công trong LLVT toàn phân khu. Từng cơ quan, đơn vị, tiểu đoàn, đại đội, trung đội, tiểu đội xây dựng chỉ tiêu thi đua với quyết tâm giành thành tích cao nhất. Phối hợp với chiến dịch trên toàn miền, từ đầu tháng 3-1972, các LLVT Phân khu Thủ Biên mở đợt hoạt động đánh phá bình định trên toàn phân khu. Các hoạt động của LLVT trên khắp các chiến trường những tháng đầu năm 1972 đã buộc địch phải căng ra đối phó. Ngày 1-4-1972, các LLVT của ta ở Thiện Ngôn, Xa Mát đường 22 Tây Ninh đã nổ súng mở màn Chiến dịch Nguyễn Huệ. Phối hợp với hướng chủ yếu trên đường 13, các LLVT Phân khu Thủ Biên đẩy mạnh tiến công địch, đánh phá bình định. Những đòn tấn công mãnh liệt và liên tục của LLVT phân khu phối hợp với bộ đội chủ lực trên chiến trường phân khu đã làm rung động tuyến phòng thủ bắc Sài Gòn của địch. Địch thực hiện chiến thuật “be bờ”, vội vã điều toàn bộ Sư đoàn 5, 2 chiến đoàn biệt động quân và “biệt kích thủ đô” lên giải tỏa đường 13 từ TX.Thủ Dầu Một tới Lai Khê. Kết hợp 3 mũi giáp công, vừa đánh địch trong ấp chiến lược, vừa đánh bọn phả kích bên ngoài, ta buộc địch phải căng kéo lực lượng ra đối phó.
Trước cục diện chiến trường có những thay đổi lớn, cuối năm 1972, Trung ương Cục quyết định tổ chức lại chiến trường, giải thể các phân khu thành lập các tỉnh. Theo đó tỉnh Thủ Dầu Một được tái lập. Tiếp những ngày tháng sau đó, cuộc đọ sức giành đất, giành dân, mở rộng phạm vi kiểm soát giành quyền chủ động trên chiến trường giữa ta và địch ngày càng quyết liệt hơn. Và cuối cùng trước tình thế không thể đảo ngược, nhất là sau thất bại nặng nề trong leo thang chiến tranh ra miền Bắc, ngày 27- 1-1973, Mỹ buộc phải chấp nhận ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Bài 7: Góp phần làm nên đại thắng mùa xuân lịch sử
• THU THẢO