Bài 7: Xây dựng Bình Dương thành tỉnh công nghiệp - dịch vụ - đô thị
Ngày 1-1-1997, tỉnh Bình Dương được tái lập, được coi là bước ngoặt lịch sử trong quá trình thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đây, Bình Dương có nhiều điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thay da đổi thịt. Theo đó, Nghị quyết của HĐND tỉnh khóa V xác định, sẽ xây dựng Bình Dương thành tỉnh công nghiệp - dịch vụ - đô thị.
Trong báo cáo định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 1997 do ông Hồ Minh Phương, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh đọc tại kỳ họp lần thứ nhất, HĐND tỉnh khóa V, đã xác định: Mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương trong năm 1997 là phải tiếp tục bám sát những tư tưởng chỉ đạo chiến lược và những nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ Sông bé lần thứ VI đã đề ra cho cả thời kỳ 1996-2000; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát triển tỉnh công nghiệp; tập trung huy động mọi nguồn lực, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, gắn với giải quyết tốt những vấn đề bức xúc về văn hóa - xã hội; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng.
Theo đó, các chỉ tiêu phát triển chủ yếu năm 1997 được UBND tỉnh xác định là tổng sản phẩm trong tỉnh sẽ tăng 19%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 38%; giá trị sản xuất nông - lâm - nghiệp tăng 7%; giá trị dịch vụ tăng 18%; giá trị xuất khẩu tăng 37%; vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 1 - 1,5 lần so với năm 1996 và vốn đầu tư trong nước tăng từ 1,5 - 2,5 lần so với năm 1996. Về cơ cấu kinh tế ngành trong năm 1997, GDP trong công nghiệp chiếm tỷ trọng từ 50 - 51%, dịch vụ từ 32 - 33% và nông nghiệp là từ 17 - 18%.
Từ khi tái lập tỉnh, Bình Dương đã tập trung đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Trong ảnh: Một góc đô thị Thủ Dầu Một hôm nay. Ảnh: P.V
Trên cơ sở căn cứ yêu cầu của sự phát triển của năm 1997 và những năm tiếp theo, HĐND tỉnh khóa V đã quyết nghị về nhiệm vụ những chỉ tiêu chủ yếu của năm 1997. Cụ thể là cần huy động mọi nguồn lực, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục và ổn định; chú trọng công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và phát triển các thành phần kinh tế theo đặc điểm, tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục giải quyết những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình xã hội, đẩy mạnh các phong trào xã hội nhằm giải quyết việc làm, chăm sóc các đối tượng chính sách, xây dựng cuộc sống mới, ngăn ngừa và đẩy lùi các tệ nạn xã hội; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng; chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân các vùng sâu, vùng xa và vùng căn cứ kháng chiến cũ.
Để hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 1997, trong chỉ đạo điều hành, HĐND tỉnh cho rằng, cần chú trọng đến những vấn đề chủ yếu, đó là nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch tổng thể theo hướng xây dựng tỉnh Bình Dương thành tỉnh công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, gắn với quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng các khu dân cư gắn với khu công nghiệp; tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển; tăng cường vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước; phát triển kinh tế hợp tác xã; đổi mới thương nghiệp Nhà nước để làm tốt vai trò lưu thông, quan tâm đến thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Bên cạnh đó, tỉnh cần khai thác tiềm năng du lịch, đầu tư bằng nhiều hình thức xây dựng các khu du lịch sẵn có; quy hoạch và đầu tư xây dựng Khu di tích địa đạo Tây Nam Bến Cát; đầu tư khai thác các tuyến du lịch có khả năng thu hút đông đảo khách đến vui chơi giải trí. Đặc biệt là phải huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; cải thiện môi trường đầu tư và quản lý tốt đầu tư nước ngoài; huy động sức dân thực hiện nghĩa vụ lao động công ích để xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương; ưu tiên các công trình chuyển tiếp năm 1996; đầu tư các công trình trọng điểm của tỉnh năm 1997; đầu tư cho các huyện mới thành lập. Việc phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp, khai thác tài nguyên khoáng sản phải bảo đảm môi trường sinh thái…
Song song đó, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, coi trọng giáo dục đạo đức; khuyến khích phong trào thi đua dạy tốt - học tốt; thực hiện xã hội hóa giáo dục phù hợp với từng vùng, thực hiện phổ cập THCS ở những nơi có điều kiện; ưu tiên cho sự phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ; phấn đấu xóa lớp học ca 3 và phòng học tập trong năm 1997; mở rộng quy mô dạy nghề; tập trung đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề của tỉnh; đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Mặt khác, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các bệnh viện và hệ thống trạm xá; tăng cường trang thiết bị y tế, cộng với việc coi trọng giáo dục y đức đối với đội ngũ cán bộ y tế nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng khám và điều trị bệnh; chấn chỉnh công tác bảo hiểm y tế, kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Đồng thời, địa phương cũng tăng cường quản lý Nhà nước về văn hóa - thông tin; quan tâm và tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển. Đối với các công trình văn hóa quan trọng như công viên tỉnh, nhà văn hóa thiếu nhi cần được tăng cường xây dựng để đáp ứng nhu cầu giải trí sinh hoạt của nhân dân, các yêu cầu giáo dục, phát triển năng khiếu của thiếu niên, nhi đồng; xử lý kịp thời những hành vi truyền bá văn hóa phẩm độc hại; đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao và chú trọng thể thao thành tích cao...
Về quốc phòng - an ninh, sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; nâng cao chất lượng của lực lượng vũ trang nhân dân, sẵn sàng chiến đấu cao, kịp thời đập tan âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch; đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, kết hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc giữ gìn trật tự kỷ cương, an ninh xã hội; phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sơ kết cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới trong cộng đồng dân cư” để có kế hoạch tiến hành sâu rộng cuộc vận động này… (còn tiếp)
CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA NĂM 1997:
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh là 19%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 38%; giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tăng 7%; kim ngạch xuất khẩu tăng 37%; thu mới ngân sách đạt 738,7 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương là 312,2 tỷ đồng; giảm tỷ lệ dân số 0,7%; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến hết năm 1997 đạt 50% tổng số hộ…
THU THẢO (thực hiện)