Việc tuyên truyền thực hiện các chương trình quốc gia về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) nếu không nhờ vào cán bộ, cộng tác viên (CTV) ở xã, phường, thị trấn khó có thể hoàn thành mục tiêu. Họ là những người gần dân, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nhỏ to tâm sự với mọi người…
Chị Cúc (bìa phải) trong một lần tuyên truyền cho người dân tại cơ sở
Là người làm công ăn lương, kinh tế chưa khấm khá lắm nhưng chị Nguyễn Thị Cúc, CTV y tế ấp Tân An, xã Tân Vĩnh Hiệp, Tân Uyên là người rất nhiệt tình với công việc của mình. Chị Cúc cho biết: “Hai vợ chồng đều làm nhân công đan, nhận hàng gia công đan ghế tại nhà. Thu nhập khoảng 100.000 đồng/người/ ngày. Ngoài ra còn nuôi heo, gà, làm vườn để tăng thu nhập. Không chỉ lo làm kinh tế gia đình, tôi còn nhận làm một CTV y tế bởi thông qua đó, bản thân mình được đi tập huấn để biết thêm kiến thức trong nuôi dạy con khỏe, giữ vệ sinh nhà cửa, chuồng trại và tuyên truyền đến bà con trong ấp biết thêm để cùng nhau xây dựng một môi trường sống lành mạnh”… Nhìn cách chị chuyện trò với những chủ hộ khi đến “mùa” chiến dịch, ai cũng nhận thấy sự thân thiện, gần gũi của chị với mọi người. Với sự nhiệt tình của chị, các mục tiêu về tuyên truyền DS-KHHGĐ được thực hiện rất tốt, tình trạng sinh con thứ 3 ở địa bàn chị phụ trách giảm trong nhiều năm qua…
Cô giáo nghỉ hưu Phan Thị Mai Hoa, 56 tuổi thì có hơn 13 năm gắn bó với công việc này. Cô nguyên là Hiệu phó trường Mầm non Hoa Thủy Tiên ở thị trấn Tân Phước Khánh, Tân Uyên. Theo cô Mai Hoa, công việc bận rộn nhưng mình biết sắp xếp thời gian thì đâu cũng vào đó cả thôi. Mỗi khi đến nhà dân để tuyên truyền, cô kết hợp những chương trình y tế cộng đồng từ phòng chống suy dinh dưỡng, cách chăm sóc bà mẹ mang thai, cách giảm cân cho trẻ béo phì, tuyên truyền về bình đẳng giới…
Với những khu có đông công nhân lao động, để tuyên truyền về DS-KHHGĐ, các chị thường phối hợp tích cực với chủ nhà trọ. Một cách nữa là “chịu khó đi ban đêm vì khi đó công nhân mới đi làm về, có ở phòng trọ để nghe mình tuyên truyền. Đó cũng là cách làm của chị Trần Thị Thúy Nga, 48 tuổi ở khu phố Đông, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An. Chị đã có 5 năm làm CTV cho các chương trình của y tế dự phòng, tuyên truyền kiến thức y tế trong cộng đồng cũng như DS-KHHGĐ. Công việc của chị là tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ, nuôi dạy con tốt… Những lần đến với các bà mẹ mang thai lần đầu là công nhân ở các khu nhà trọ, chị còn tận tình chỉ bày cho họ biết cách chăm sóc mình trong thời kỳ mang thai…
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hương, cán bộ Trung tâm Y tế TP.TDM cũng đánh giá cao về công tác tuyên truyền DS-KHHGĐ của thành phố mà trong đó có công sức của các CTV y tế. Theo chị Ngọc Hương, công tác DS-KHHGĐ là phải đến từng nhà, gặp từng người nên cán bộ dân số hạn chế những cuộc họp không cần thiết để thống nhất chương trình hoạt động giữa dân số và y tế từ đó có được hiệu quả đồng bộ trên cơ sở chỉ đạo chung.
Không nề hà khó khăn, không đòi hỏi phụ cấp ít nhiều, những CTV về DS-KHHGĐ vẫn miệt mài công việc của mình bởi theo họ, sinh con nhiều khổ lắm và “bà con mình hết chứ ai, giúp người ta có cuộc sống tốt đẹp hơn khi gia đình ít con là điều nên làm”.
QUỲNH NHƯ