Ông Nguyễn Văn Hùng được nhiều người biết đến với vai trò Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC), một trong những đơn vị hàng đầu về quản lý khu công nghiệp (KCN), khu dân cư, hạ tầng đô thị và hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Kiêm nhiệm vị trí Đồng Chủ tịch Hội đồng Quản trị VSIP Group, ông Hùng lạc quan rằng, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam. Trao đổi với phóng viên, ông Hùng cho biết:
KCN Việt Nam - Singapore I (TX.Thuận An, Bình Dương) Ảnh: P.V
Dự án VSIP đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của nhiều tỉnh, thành từ Bắc chí Nam. Liên doanh này đã gầy dựng mô hình KCN tích hợp đầu tiên trên cả nước, tạo điều kiện sản xuất các sản phẩm và dịch vụ đạt chuẩn quốc tế, mở ra cơ hội đầu tư cho nhiều ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh mới.
- Ông có thể chia sẻ về hành trình phát triển cùng thành quả mà VSIP đạt được trong 20 năm hoạt động?
- Từ những ngày đầu, dự án VSIP đặt mục tiêu trở thành trung tâm thu hút vốn FDI tại Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho các dự án đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động tại các KCN của VSIP với cơ sở hạ tầng hiện đại. Chúng tôi biết đây là một mục tiêu rất tham vọng vì cần phải quy hoạch đô thị và sử dụng quỹ đất tối đa, xây dựng dịch vụ hạ tầng theo chuẩn quốc tế, chuẩn bị đội ngũ nhân sự và dịch vụ; song song đó cũng cần phải chú ý đóng góp cho cộng đồng và phúc lợi xã hội. Nhìn lại những gì đã thực hiện được trong chặng đường vừa qua, chúng tôi rất vui vì tập thể VSIP đã giữ đúng cam kết của mình.
Dự án VSIP đi tiên phong về tư tưởng quản lý và tổ chức điều hành, vì đây là KCN đầu tiên có Ban quản lý riêng, vừa sâu sát vừa kịp thời vừa uyển chuyển để hỗ trợ giải quyết ngay những khó khăn của nhà đầu tư. VSIP cũng vận dụng tốt kinh nghiệm quý giá của các đối tác Singapore trong hoạch định, thu hút đầu tư quốc tế và cả đầu tư nội địa; đồng thời xây dựng và triển khai rất sớm chiến lược tiếp thị quốc tế và đào tạo một đội ngũ năng động đi đến nhiều quốc gia mời gọi đầu tư. Nhờ đó đến nay, dự án VSIP đã thu hút vốn đầu tư từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
- Có thể thấy, các dự án VSIP góp phần quan trọng cho sự phát triển chung của các tỉnh, thành nơi liên doanh này hoạt động. Ông nhận định như thế nào về tiềm năng tăng trưởng kinh tế - xã hội của Việt Nam và các dự án VSIP có thể góp phần khai thác tiềm năng này ra sao?
- Việt Nam vẫn phải nỗ lực bắt kịp các nước láng giềng như Thái Lan về mức độ đô thị hóa, thu nhập bình quân và quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, gần 70% dân số Việt Nam vẫn sống chủ yếu bằng nghề nông tại các khu vực nông thôn. Chúng tôi cũng nhận thấy quá trình đô thị hóa đang diễn ra, dù chậm nhưng vững chắc, cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu với khát vọng vươn lên. Với cơ cấu dân số trẻ (khoảng 42% ở độ tuổi dưới 25), Việt Nam có ngày càng nhiều người trẻ dịch chuyển đến các thành phố lớn hơn.
Theo thống kê nguồn vốn FDI trong năm 2016, có hơn 70% nhà đầu tư trong tất cả các ngành sản xuất là doanh nghiệp mới. Đây là minh chứng mạnh mẽ rằng Việt Nam thật sự đang được xem là một trung tâm sản xuất mới cho châu Á. Dự án VSIP cũng giúp kích hoạt tiềm năng kinh tế của các tỉnh, thành nơi chúng tôi hoạt động - từ Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An đến Quảng Ngãi. Trong đó, Bình Dương là một điển hình cho những đóng góp của VSIP vào sự phát triển của đất nước.
Chúng tôi tự hào đã góp phần quan trọng để chuyển đổi Bình Dương từ một tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp chiếm chủ yếu 20 năm trước trở thành địa phương có tốc độ công nghiệp hóa hàng đầu trong cả nước. Cơ cấu kinh tế của Bình Dương đã chuyển dịch mạnh mẽ, công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo, chiếm tỷ trọng đến 97% trong năm nay.
Chúng tôi kỳ vọng có thể nhân rộng sức tăng trưởng của các dự án VSIP khác trong các năm tới để đóng góp vào lộ trình phát triển toàn diện của Việt Nam.
- Thưa ông, trong tương lai, VSIP có chiến lược gì để duy trì đà tăng trưởng, đồng thời đón đầu xu hướng đầu tư và đáp ứng nhu cầu của khách hàng?
- Bên cạnh việc phát triển các dự án chuẩn quốc tế, chúng tôi đặt mục tiêu cung cấp các tiện ích khép kín để phục vụ nhu cầu của các công ty hoạt động trong khu vực đó. VSIP luôn tâm niệm lấy khách hàng làm trọng tâm. Ngày nay, các tập đoàn kỳ vọng nhiều hơn ở các cơ sở hoạt động và ngày càng đề cao yếu tố hạ tầng tiên tiến và kỹ năng của người lao động.
Chúng tôi nhận thấy lòng tin ngày càng cao của các nhà đầu tư khi triển khai kinh doanh tại Việt Nam. Đây là tiền đề khả quan để VSIP duy trì đà thu hút vốn nước ngoài. Đồng thời, chúng tôi chú trọng xây dựng mô hình chuỗi cung ứng mới, trong đó phát triển công nghiệp phụ trợ, cải thiện quy trình kho vận và tạo điều kiện trao đổi hàng hóa nguyên liệu để các doanh nghiệp tận hưởng tối đa các tiện ích từ KCN VSIP. Từ đó, VSIP có thể trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể đảm đương những vai trò cao hơn chứ không đơn thuần chỉ là một địa chỉ nước ngoài cho các công ty đặt nhà máy sản xuất. Tuy vậy, sự hỗ trợ của Chính phủ là rất cần thiết để giúp lao động Việt Nam có nền tảng giáo dục tốt và phát triển kỹ năng.
- Ông rất tự hào khi nói rằng VSIP là biểu tượng thành công của mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Singapore. Vậy liên doanh đã được Chính phủ hai nước hỗ trợ như thế nào, thưa ông?
- Từ những ngày đầu, VSIP đã nhận được sự hỗ trợ và quan tâm sát sao từ Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore. Tham vọng của chúng tôi là gầy dựng mô hình KCN bền vững, đạt chuẩn quốc tế và hỗ trợ cộng đồng cùng phát triển. Chúng tôi tự hào rằng, VSIP là biểu tượng cho mối quan hệ song phương bền chặt giữa Việt Nam và Singapore, đồng thời liên doanh cũng góp phần giúp củng cố quan hệ này thêm vững bền qua 20 năm phát triển của liên doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ và doanh nghiệp Singapore ngày càng hiểu rõ hơn về thị trường Việt Nam, đồng thời chúng tôi cũng được học hỏi kinh nghiệm quý báu của các đối tác Singapore.
THANH HOÀI (thực hiện)