Niềm tin của con người là thách thức lớn khi triển khai AI

Cập nhật: 02-11-2020 | 09:30:23

Thách thức lớn nhất khi triển khai sản phẩm AI tại Việt Nam là vấn đề niềm tin, theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc FPT Smart Clouds.

"Giữa kỳ vọng của người dùng và khả năng của AI hiện vẫn tồn tại những khoảng cách nhất định. Đây chính là thách thức về mặt niềm tin và là một trong những cái khó của chúng tôi khi triển khai các sản phẩm AI tại Việt Nam", ông Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ bên lề sự kiện giới thiệu nền tảng của FPT AI tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 30/10.

FPT AI đã bắt đầu triển khai các sản phẩm trong nền tảng về AI của mình trong ba năm, với nhiều sản phẩm như Chatbot, trợ lý ảo tổng đài, định danh khách hàng trực tuyến, tổng hợp và nhận dạng giọng nói... được nhiều doanh nghiệp sử dụng.

Tuy nhiên theo ông Minh, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng AI có thể giải quyết được cả những vấn đề yêu cầu khả năng phân tích hoặc mang nặng tính cảm xúc, thì "đây là bài toán dài, cần thời gian để giải quyết". Chuyên gia về trí tuệ nhân tạo của FPT cũng cho rằng AI hiện có tốc độ phát triển rất nhanh tại Việt Nam nên cũng không loại trừ khả năng các vấn đề trên sẽ được giải quyết ngay trong năm tới.

 

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Tổng Giám Đốc Công ty TNHH FPT Smart Cloud. Ảnh: FPT.

Trên thực tế, AI hiện đã có khả năng giải quyết nhiều vấn đề tốt hơn hẳn con người, nhưng cần được ứng dụng trong đúng tình huống, ví dụ các tình huống mà người dùng vẫn đang làm theo thói quen.

Khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tổng đài, voicebot của FPT AI có thể thay thế các tổng đài viên, giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 40% chi phí chăm sóc khách hàng. AI có thể hỗ trợ trong những tình huống tưởng như bất khả thi, chẳng hạn, khi một doanh nghiệp cần thực hiện hàng chục nghìn cuộc gọi trong một giờ đồng hồ, hay khi cần tiếp nhận số lượng lớn phản ánh của khách hàng vào ban đêm. "Điều này rất khó với con người, nhưng lại là đơn giản với trí tuệ nhân tạo", ông Minh nhận định. Tuy vậy, việc tư vấn hay chăm sóc khách hàng đặc biệt vẫn cần nhân sự con người.

Một hệ thống bán lẻ đồ điện tử cho biết, sau hai năm ứng dụng, chatbot sử dụng AI của đơn vị này có khả năng giải đáp thắc mắc cho khách hàng, kiểm hàng trong kho và cho phép đặt hàng trực tuyến. Chatbot này cũng đã trò chuyện với hơn 160 nghìn người, xử lý 1,34 triệu tin nhắn. Doanh số bán hàng qua chat tăng 20%, giúp bộ phận giảm 60% lượng công việc.

Ngành trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh so với thế giới. Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, sự phát triển về AI của Việt Nam đứng thứ 21 thế giới và đây là kết quả cao nếu so với những gì đang đầu tư. Dẫn lời một đơn vị thống kê, ông Công Anh cho biết hiện mức độ đầu tư về AI trên dân số tại Mỹ là 155 USD/người, Singapore là 68 USD/người, trong khi Việt Nam hiện ở mức dưới 1 USD/người. "Dự báo cho thấy AI có thể sẽ đóng góp khoảng 12% GDP cho Việt Nam, 18% GDP cho Singapore trong thời gian tới", ông chia sẻ.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=571
Quay lên trên