Niềm tin từ một dự án điểm 

Cập nhật: 14-08-2015 | 09:19:54

Dự án Hỗ trợ sản xuất phát triển vùng cây ăn quả có múi tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh xây dựng đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 18-7-2014. Dự án được thực hiện trong vòng 4 năm. Sau một năm triển khai, các vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn mang lại hiệu quả cao.


Anh Trần Đức Việt bên mô hình trồng mới 1 ha quýt đường theo hướng VietGAP của gia đình
. Ảnh: Q.NHIÊN

 Vườn cây phát triển tốt

Với mục tiêu đầu tư thâm canh và mở rộng diện tích các loại cây ăn quả có múi theo quy trình VietGAP gắn với việc phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới, dự án chú trọng xây dựng mô hình trồng mới 7 ha cây có múi gồm cam, quýt, bưởi theo hướng VietGAP, 5 ha thâm canh cây cam theo tiêu chuẩn VietGAP; từ đó làm cơ sở cho việc mở rộng và phát triển ra toàn tỉnh. Các hộ nông dân tham gia vào dự án được hướng dẫn những điều kiện và quy trình thực hành sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP; học tập một số mô hình đã được chứng nhận VietGAP.

Đến nay, dự án đã triển khai tới 4 hộ nông dân với 2 ha cam, 1 ha quýt, 1 ha bưởi được trồng mới tại xã Hiếu Liêm. Các hộ dân tham gia dự án được hỗ trợ 100% chi phí giống, 50% chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã xây dựng biểu mẫu ghi chép nhật ký sản xuất theo chuẩn VietGAP cho các hộ dân tham gia dự án.

Nhờ thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên các vườn hiện nay đều sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay, tại xã Hiếu Liêm hầu hết diện tích trồng cây ăn quả có múi đều canh tác theo hướng ứng dụng kỹ thuật cao như: sử dụng hệ thống tưới phun tự động, tưới nhỏ giọt dưới gốc, tưới phun sương trên cao, bón phân theo quy trình… nhằm đạt sản lượng cao nhất.

Anh Trần Đức Việt ở ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm cho biết: “Tôi may mắn là một trong những hộ dân được chọn để triển khai thực hiện dự án. Ban đầu việc tiếp cận để thực hiện trồng 1 ha quýt đường theo hướng VietGAP cũng gặp không ít khó khăn do đã quen với cách thức trồng trước đây. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ kỹ thuật, tôi đã thấy được những thế mạnh của cách thức trồng mới này. Nhờ đó, hiện nay vườn cây của gia đình đang phát triển tốt, ít sâu bệnh”.

Hứa hẹn mùa bội thu

Ông Trần Văn Minh, thành viên được hỗ trợ của dự án chia sẻ, nhờ tham gia các lớp tập huấn mà từng thành viên đều ý thức tầm quan trọng của việc áp dụng VietGAP trong sản xuất; việc áp dụng VietGAP không chỉ có lợi trước mắt mà còn lâu dài để từng bước xây dựng thương hiệu. Hy vọng, dự án không chỉ hỗ trợ về quy trình sản xuất mà còn định hướng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân sau này.

Từ việc hướng dẫn triển khai chăm sóc đến tận tay người nông dân, dự án bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của nông dân trong cách nghĩ, cách làm và quan điểm sản xuất nông nghiệp trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới hiện nay. Từ sản xuất theo tập quán cũ, hiện nay các hộ tham gia dự án đã dần chuyển sang áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giảm sử dụng phân bón, thuốc hóa học và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vi sinh cho cây trồng. Tham gia dự án, các hộ nông dân còn góp phần thúc đẩy quảng bá sản phẩm cây có múi tại địa phương nhằm tạo động lực để cho họ duy trì và phát triển sản phẩm được chứng nhận VietGAP.

Với lợi thế từ điều kiện tự nhiên có sẵn rất phù hợp với các loại cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi, những năm qua nông dân xã Hiếu Liêm đã biết đầu tư và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, thiết kế hệ thống tưới tự động kết hợp xử lý ra hoa trái vụ. Theo tính toán, đến năm thứ 3 thực hiện dự án, mỗi ha sẽ cho lãi từ 100 - 200 triệu đồng; từ năm thứ 4 trở đi, nếu đầu tư và chăm sóc tốt có thể đạt lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/ ha. Từ đó có thể thấy, hiệu quả kinh tế mà dự án mang lại rất cao.

 

Ông Nguyễn Minh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP là một trong những điều kiện bắt buộc nếu muốn sản phẩm đứng vững trên thị trường. Vì vậy, việc nhân rộng các mô hình, dự án áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết. Trong thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục triển khai các nội dung còn lại của dự án, tiến hành trồng mới 3 ha cây có múi, đồng thời hướng dẫn và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như quy trình trồng, chăm sóc cho 5 ha thâm canh nhằm đạt tiêu chuẩn để chứng nhận VietGAP.

 

QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên