“Dân số tăng nhanh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật không theo kịp nên không tránh khỏi những hệ lụy như quá tải trường học, bệnh viện, kẹt xe, tắc đường, ngập… Là tỉnh mới phát triển đang trong quá trình phát triển đô thị, Bình Dương không tránh khỏi những khó khăn mà các địa phương khác gặp phải. Nhưng với mục tiêu hướng đến đô thị văn minh, hiện đại thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phải bảo đảm tính thông suốt, hiệu quả, không đẩy ùn tắc từ chỗ này sang chỗ khác…”. Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong chuyến khảo sát tình hình thoát nước đô thị tại TX.Dĩ An mới đây.
Ông Mai Hùng Dũng (thứ hai từ trái qua), Phó Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát điểm tiếp giáp của trục thoát nước Suối Nhum trên xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh)
Ngập nặng kéo dài
Theo báo cáo của UBND TX.Dĩ An, hệ thống thoát nước đô thị tại thị xã đã được quy hoạch, phê duyệt vốn đầu tư từ năm 2002 với tổng diện tích cho toàn lưu vực là 2.513 ha. Theo quy hoạch này, hai trục thoát nước chính là trục Suối Xiệp chạy dọc đường ĐT743 xuyên qua quốc lộ 1K, qua một phần địa phận tỉnh Đồng Nai rồi đổ ra sông Đồng Nai. Diện tích tiêu thoát của trục này là 1.364 ha; trục Suối Nhum xuôi theo dòng chảy tự nhiên băng qua xa lộ Hà Nội đi qua một phần địa phận TP.Hồ Chí Minh rồi đổ ra sông Đồng Nai (hiện phía TP.Hồ Chí Minh đã thi công xong phần cống, chờ Bình Dương đấu nối là hoàn chỉnh).
2 trục thoát nước nói trên được gắn vào hệ thống kênh tiêu gồm 9 nhánh là kênh T1, T2, T3, T4, T5A, T5B, T6 làm nhiệm vụ thu gom, chuyển tải và 2 tuyến kênh tự nhiên làm nhiệm vụ tiêu thoát cho toàn thị xã. Hiện tại, đã có 3 nhánh thuộc hệ thống kênh tiêu được thi công xong và đưa vào sử dụng gồm kênh tiêu T5A dài 2.320m, kênh tiêu Suối Nhum dài 1.400m và kênh tiêu T6 dài 1.734m. Các nhánh còn lại đang trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND TX.Dĩ An cho biết, tình hình ngập của thị xã ngày một nặng và kéo dài do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do tình trạng lấn đất công để làm nhà, xây dựng công trình gây thu hẹp dòng chảy. Cụ thể như Suối Xiệp hiện nay vẫn còn một số đoạn tự nhiên với bề rộng của suối từ 5 - 7m, nhưng một số nơi người dân lấn đất làm nhà khiến dòng suối chỉ rộng còn 1,5 - 2m, cộng thêm rác thải sinh hoạt, cát đá tự nhiên bồi lắng đã tạo ra nhiều “nút thắt”, từ đó gây nên tình trạng ngập cục bộ với mức độ ngày càng nặng và lan rộng. Riêng với Suối Nhum, do độ dốc cùng với chiều dài khá lớn nên khi có mưa lớn nước đổ về nhiều gây lũ và đã xảy ra tai nạn chết người do bị nước cuốn.
Tháo gỡ vướng mắc
Đại diện Ban Quản lý dự án Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết, do thời gian thực hiện quy hoạch hệ thống thoát nước đô thị tại TX.Dĩ An kéo dài, bên cạnh đó tình trạng lấn chiếm đất công để làm nhà, xây dựng công trình đã phát sinh nhiều vướng mắc cần phải điều chỉnh. Tỉnh cũng đã có nội dung thỏa thuận với UBND tỉnh Đồng Nai về việc bồi thường giải phóng mặt bằng đoạn bờ trái Suối Xiệp nhằm hoàn thiện quy hoạch, tránh tình trạng “đẩy ngập từ nơi này sang nơi khác”. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ UBND tỉnh Đồng Nai.
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư, quy hoạch hệ thống thoát nước đô thị tại TX.Dĩ An xây dựng đã lâu nên so với thực tế đã phát sinh nhiều bất cập. Cần phải đánh giá lại khối lượng nước tiêu thoát so với tư vấn thiết kế trước đây, vì thực tế đã có nhiều công trình dù đã được khảo sát, tư vấn kỹ nhưng khi đưa và sử dụng đều bị quá tải do không lường hết các yếu tố xung quanh. Đối với dự án thiết kế cống hộp kín sẽ rất tốn kém, nếu có sự cố phải đào bới rất phức tạp nên cần chuyển đổi thành cống hở, kênh bê tông để dễ kiểm soát, quản lý.
Trong khi chờ đợi điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống thoát nước đô thị tại TX.Dĩ An, ông Nguyễn Văn Nghĩa kiến nghị, giải pháp trước mắt là tiến hành nạo vét lòng suối, giải tỏa “nút thắt”, giảm ngập cục bộ, nhất là khu vực nội ô thị xã.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, thoát nước đô thị là không phải di chuyển điểm ngập từ nơi này sang nơi khác mà phải có giải pháp đồng bộ, triệt để bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, liên thông. Để đẩy nhanh tiến độ dự án thì việc gì trong khả năng của địa phương phải nhanh chóng triển khai giải quyết. Có thể tách quy hoạch hệ thống thoát nước đô thị tại TX.Dĩ An thành 2 phần đền bù giải tỏa với đầu tư xây dựng nhằm rút ngắn thời gian hoàn thành quy hoạch. Tới đây, UBND tỉnh cũng sẽ có cuộc họp với UBND tỉnh Đồng Nai để thống nhất phương án phối hợp.
DUY CHÍ