Niềm vui ngày gặp mặt

Cập nhật: 30-10-2017 | 09:41:32

Những cái ôm thật chặt, những giọt nước mắt lăn dài trên má của không ít phạm nhân khi nhiều năm xa cách, nay có dịp ngồi bên người thân cùng vui cười, chuyện trò và ăn bữa cơm thân mật. Hội nghị gia đình phạm nhân lần I mà Trại giam Phú Hòa (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo) vừa tổ chức không chỉ mang niềm vui và hạnh phúc đến với phạm nhân, mà còn là cầu nối giúp họ tự tin cải tạo tốt và dễ dàng hòa nhập cộng đồng khi mãn hạn tù.


Thân nhân đến tham quan nơi giam giữ phạm nhân

Nơi ăn, ở tươm tất

Sáng 28-10, hàng trăm người thân của phạm nhân ở khắp các tỉnh từ Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM… đã tìm về Trại giam Phú Hòa rất sớm. Không ít ông bố, bà mẹ tóc đã bạc, răng đã thưa vẫn không quản ngại đường xa. Những đôi mắt đều hướng về các phân trại, ai cũng muốn đến giờ để bước chân vào đó một lần, xem nơi ăn ở của con mình ra sao.

Và rồi sự mong chờ của các thân nhân đã được “mục sở thị”. Cán bộ trại đã hướng dẫn hàng trăm người nhà phạm nhân tham quan nơi ăn, ở và sinh hoạt của phạm nhân khắp các phân trại. Phòng nào cũng sạch sẽ tươm tất, có truyền hình cho phạm nhân xem thời sự, ca nhạc, phim ảnh đến 22 giờ mỗi ngày. Có thư viện và nơi để phạm nhân vui chơi thể thao theo giờ quy định. Ông Lê Anh Minh, ba của phạm nhân Lê Thanh Hải (ngụ phường Phú Cường, TP.TDM) lộ rõ niềm vui: “Mỗi lần tôi đến thăm thì nghe con bảo ở đây rất tốt, không có gì ba phải lo! Nay tôi được đặt chân đến đây thì thấy tốt thật, từ ăn ngủ đến sinh hoạt rất kỷ cương. Con tôi thường tâm sự rằng nay nó biết lao động, đã thấm thía với những gì nó gây ra và hứa khi trở về sẽ kiếm việc làm, sống có ích cho gia đình và xã hội. Với tình yêu thương và cách dạy dỗ của các quản giáo ở đây, tôi tin khi trở về với gia đình, xã hội, con tôi sẽ trở thành người tốt”.


Sau 4 năm xa cách, phạm nhân Lê Văn Bình (quê Bình Phước) mới có dịp ngồi ăn cơm cùng bố

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy đến từ TP.HCM cũng không giấu được niềm vui khi bước chân vào đây: “Tháng trước, thằng Luân nhà tôi bảo “Trong cuộc đời ai cũng có lần làm sai, vấp ngã. Cái chính là mình biết nhận ra cái sai để đứng lên làm lại. Mẹ cứ tin ở con, tối đừng thao thức mà bệnh đau”. Nghe con nói vậy tôi rất vui, biết nó đã học được nhiều điều sau những ngày chấp hành án. Tôi tin với sự quyết tâm của con, cộng với sự quan tâm, chia sẻ của cha mẹ, người thân và chính quyền địa phương, các cháu sẽ không quay lại con đường cũ”, bà Thủy tâm sự.

Niềm vui ngày họp mặt

Ngày hội gia đình phạm nhân đã thật sự mang lại niềm vui, hạnh phúc cho cả phạm nhân lẫn người thân. Có không ít phạm nhân đã 4 - 5 năm xa cách gia đình, nay có dịp ngồi bên chuyện trò, ăn cùng mâm cơm với người thân, thật ấm lòng. Ông Lê Văn Phương, ba của phạm nhân Lê Văn Bình (đến từ huyện Phước Bình, tỉnh Bình Phước) xúc động khi nhận bát cơm từ tay con trai mà ông cho là thằng “bất trị”. “Tôi nuôi nó từ nhỏ đến lớn, nó chưa từng pha cho ba bình trà hay bới cho ba chén cơm. Cái gì cũng yêu cầu ba mẹ làm. Vì được thương chìu quá nên con mình nó hư. Nay nó ngồi bên việc đầu tiên là bới cơm, gắp thức ăn cho ba, như thế tôi đã thấy nó lớn thật rồi. Nghe con khoe giờ là tay đan lát cừ nhất tổ, kiếm được tiền để dành, tôi thấy vui lắm”, ông Phương chia sẻ.

 “Trại giam Phú Hòa mới hoàn thiện và đưa vào sử dụng khoảng 1 năm nay nên còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng đã giáo dục, quản lý và cải tạo tốt cho phạm nhân ở trại. Thông qua hội nghị, cán bộ trại sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp để công tác giáo dục pháp luật cho phạm nhân tốt hơn, đây là một việc làm ý nghĩa” - Thiếu tướng Phan Xuân Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VIII, Bộ Công an nói.

Không chỉ “thằng bất trị” như anh Lê Văn Bình đã đổi thay, rất nhiều phạm nhân khác ở nhà là quý tử, ra đường là “đại bàng” cũng đã thuần thục với nhiều công việc ở trại như cạo mủ cao su, lắp chip điện tử, cạo vỏ lụa hạt điều… Điển hình như Nguyễn Thạch Tuấn Anh, phạm nhân đến từ Hà Nội. Tuấn Anh là phạm nhân duy nhất đại diện cho cả ngàn phạm nhân trong trại phát biểu tại hội nghị. Tuấn Anh không chỉ có thân hình lực lưỡng, gương mặt điển trai, mà còn thể hiện cách ăn nói đầy tri thức trước đám đông. Là quý tử trong một gia đình có điều kiện, phạm nhân được ăn học thành tài và sớm lập gia đình. Thay vì tu chí làm ăn, Tuấn Anh ngày càng sa vào ăn chơi, đua đòi rồi nghiện ngập, không bao lâu đã trở thành tay anh chị tàng trữ ma túy, cung cấp thuốc cho các con nghiện…

Nay phạm nhân này đã thụ án hơn 5 năm, cũng là lúc con trai của anh ta vừa tròn 5 tuổi. Ngày họp mặt gia đình phạm nhân cũng là ngày đầu tiên Tuấn Anh được bế con trên tay, truyền hơi ấm cho con mà nước mắt tuôn trào. “Tôi đã sai và phải trả giá cho việc làm của mình. Tôi mong tất cả phạm nhân trong trại khi trở về với gia đình và xã hội sẽ sống có ích, sống thật tốt. Nếu tư tưởng ai đó bị lung lay trước cám dỗ, hãy nhớ lấy những lời dạy của giám thị, các thầy, các cô trong thời gian ở trại để thức tỉnh. Đặc biệt là người thân của mình hôm nay, không ai muốn vào đây để lắng nghe thêm lần thứ hai. Đó, các anh chị nhìn đi, cha mẹ, người thân của mình vì ai mà gầy yếu, mắt sâu, tóc bạc chỉ trong thời gian ngắn như thế này”, Tuấn Anh hướng mắt về phía dưới hội trường nơi có cả trăm người thân phạm nhân đang lắng nghe, khiến mọi người không khỏi chạnh lòng.

Rất nhiều ý kiến đóng góp về việc quản lý, xây dựng trại giam ngày càng tốt hơn của người thân phạm nhân đã đưa ra trong ngày họp mặt. Nhiều điều luật được cán bộ tư pháp tỉnh gửi đến phạm nhân giúp họ ý thức hơn trong thời gian chấp hành án. Và một việc làm hết sức ý nghĩa khác, đó là quỹ “Tấm lòng vàng” ở Trại giam Phú Hòa chính thức được thành lập trong ngày 28-10. Không ít nhà hảo tâm trên địa bàn đã đến chung tay đóng góp. Nhiều cán bộ trại giam, gia đình phạm nhân cũng chung tay, góp sức. Nguồn quỹ này sẽ được tích góp giúp đỡ cho những phạm nhân không có gia đình, người thân lúc ốm đau, hoạn nạn. Với những phạm nhân có cuộc sống quá khó khăn cũng được xem xét giúp đỡ ít nhiều ngày ra trại; một việc làm ý nghĩa, ấm lòng phạm nhân…

Sau khoảng 1 năm được thành lập, trại giam tổ chức nhiều hoạt động giáo dục phạm nhân, như: Mở 23 lớp học giáo dục công dân cho 744 phạm nhân mới đến trại chấp hành án; phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức 1 lớp tư vấn tâm lý, pháp luật, việc làm cho 128 phạm nhân; mở 1 lớp học văn hóa xóa mù chữ cho 27 phạm nhân… Bên cạnh đó, trại đã tiến hành 3 đợt xét đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho 228 phạm nhân, trong đó có 25 phạm nhân được giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù; có 203 phạm nhân được giảm án có thời hạn. Trại giam cũng thường xuyên tổ chức cc hoạt động văn hóa - thể thao - giải trí, dạy nghề; thực hiện chế độ chính sách đầy đủ cho phạm nhân. Trại cũng đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong việc giáo dục kiến thức pháp luật, nghề nghiệp và kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân.

 

Q.TÁM - H.PHƯỚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2719
Quay lên trên