Để duy trì sản xuất kinh doanh trong dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) gốm sứ đã chuyển đổi sang hình thức bán hàng online, trực tuyến. Những nỗ lực này đã đem đến kết quả đáng khích lệ.
Tăng trưởng 2 con số
Chưa hết quý 1 nhưng Công ty TNHH Gốm sứ Cường Phát (TP.Thuận An) đã có đủ đơn hàng sản xuất đến hết năm 2021. Theo DN này, đơn hàng về nhiều, song để bảo đảm hiệu quả sản xuất, DN phải tập trung nâng cao năng lực quản trị hệ thống, quản trị sản xuất, để tạo được giá thành phù hợp với thị trường.
Cũng như Cường Phát, hiện nay nhiều DN gốm sứ chủ lực ở Bình Dương đã có đủ đơn hàng sản xuất đến cuối năm. Trong đó các đơn hàng ở thị trường xuất khẩu tăng từ 10 - 15%, đơn hàng nội địa tăng từ 20 - 30% so với năm 2020. Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long chia sẻ, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, song ngành gốm sứ vẫn có rất nhiều đơn hàng. Thời gian này đa số các DN gốm sứ đều đã có đơn hàng đến hết quý 3-2021.
Sản xuất tại Công ty Gốm sứ Minh Long 1
Để có được kết quả này là sự nỗ lực lớn từ các DN trong ngành. Trong dịch bệnh, nhiều mặt hàng mới đã ra lò, được giới thiệu, quảng bá đến khách hàng thông qua hình thức trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook... “Ngành gốm sứ đẩy mạnh, phát triển mảng bán online, đây là kênh mới, tiềm năng, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19. Năm 2020 sản xuất của công ty tăng 20 - 30% so với năm trước. Người tiêu dùng mua hàng online nhiều hơn trong và sau đại dịch. Trong dịch bệnh, khách hàng không thể đến tận nơi xem hàng, lựa chọn, vì vậy mình là người chọn hàng hộ khách, cẩn thận hơn rất nhiều so với chính người mua tự chọn”, ông chủ gốm sứ Phước Dũ Long không ngần ngại chia sẻ.
Tìm hướng đi bền vững
Bình Dương từ hàng trăm năm nay vốn nổi tiếng có ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống. Trong đó, gốm sứ đuợc xem là “Hoa của đất”, sản phẩm chứa đựng vừa cả trí tuệ của người thợ, vừa cả góc nhìn văn hóa dân tộc và chất liệu đặc trưng. Hiện nay, ngành gốm sứ không chỉ phát triển ổn định, mà còn liên tục được kế thừa và phát triển dựa trên các yếu tố về điều kiện tự nhiên, công nghệ sản xuất, nguồn lao động… để tính câu chuyện đường dài, phát triển bền vững.
Bàn về câu chuyện phát triển bền vững, ông Lý Ngọc Bạch, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, cho biết gốm sứ Bình Dương đa dạng về mẫu mã, chủng loại, màu sắc, giàu tính nghệ thuật. Từ các sản phẩm gia dụng như lu, khạp, chén, dĩa, bình hoa, bình trà… đến các loại gốm sứ mỹ nghệ trang trí trong nhà, các loại trang sức dùng làm quà lưu niệm đều được khách hàng đánh giá cao. Những năm qua, gốm sứ đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, với những thương hiệu nổi tiếng như Minh Long, Cường Phát, Phước Dũ Long… Đây là lợi thế rất lớn của ngành gốm sứ Bình Dương. Hiện nay, việc cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm đang được các DN gốm sứ trong tỉnh chú trọng thực hiện. Thời gian qua, nhiều DN gốm sứ trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu chuyển sang mô hình sản xuất hiện đại.
Theo ông Vương Siêu Tín, với đặc thù là sản phẩm kết tinh bởi trình độ tay nghề của người thợ và trình độ công nghệ sản xuất, nên sản phẩm gốm sứ ngày càng đạt giá trị rất cao, tạo được giá trị gia tăng cao trong số các ngành xuất khẩu chủ lực của địa phương. Song cần đầu tư bài bản, nhất là các khâu maketing theo hướng hiện đại, kho xưởng.
“Mặc dù đơn hàng sản xuất dồi dào, song các DN trong ngành vẫn gặp những khó khăn nhất định liên quan đến quy mô DN nhỏ, khả năng tài chính chưa mạnh để đầu tư phát triển. Quá trình đào tạo nghề cho công nhân còn hạn chế; công tác tiếp thị, trưng bày sản phẩm ở hệ thống DN chưa đồng đều. Từ thực tế này, đòi hỏi các cơ quan hữu quan cần quan tâm hơn nữa đến công tác hỗ trợ DN sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong hội nhập. Bên cạnh đó, hiệp hội ngành hàng và bản thân DN cần tập trung thực hiện các giải pháp quản trị DN, nâng cao năng suất lao động, khuyến khích sự sáng tạo và bảo đảm thu nhập cho công nhân và nghệ nhân. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần giữ gìn và phát huy ngành sản xuất truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa này”, ông Lý Châu Lâm, Giám đốc Công ty Gốm sứ Tân Toàn Phát nhấn mạnh tại cuộc gặp gỡ với ngành công thương gần đây.
Theo lãnh đạo ngành công thương, trong thời gian tới, ngành sẽ tích cực hỗ trợ các DN gốm sứ tham gia các hội chợ triển lãm theo hướng số hóa, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử của tỉnh. Dự kiến trong quý 2-2021, ngành công thương sẽ kết nối với Trung tâm Thương mại Thế giới thành phố mới Bình Dương tổ chức triển lãm cho ngành gốm sứ, mỹ nghệ, gỗ.
TIỂU MY