Nối dài những yêu thương...

Cập nhật: 10-08-2021 | 08:49:28

Bình Dương, những ngày này đang đi qua “sóng gió” bởi sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Ai cũng như “ngồi trên đống lửa”. Thế nhưng, trong “tâm bão” mới thấy được tinh thần đoàn kết và sự chung tay của cả cộng đồng. Đặc biệt trong khó khăn, tình người tương trợ lẫn nhau lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.


Trung úy Lê Minh Phụng, phụ trách chốt kiểm soát tại Quốc lộ 1K tặng quà và động viên hai vợ chồng công nhân khó khăn, đồng thời hỗ trợ đưa họ về nhà người thân an toàn

Hạnh phúc là được cho đi

Gặp họ - những người tình nguyện luôn chung tay hỗ trợ, chia sẻ yêu thương trong những ngày này thật khó. Họ đang tranh thủ từng giờ, từng phút để nấu những bữa ăn đủ chất đến với lực lượng phòng, chống dịch bệnh tại các chốt, rồi lại vội vã với những chuyến đi để đến kịp với bà con trong các vùng cách ly, phong tỏa, khu nhà trọ có những hoàn cảnh khó khăn…

Họ đã viết nên bao câu chuyện xúc động, ấm áp tình người, lan tỏa những điều tích cực trong thời khắc khó khăn nhất. Họ là những thành viên Câu lạc bộ (CLB) Bếp yêu thương, thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ khu phố Bình Đáng, phường Bình Hòa, TP.Thuận An. Chị Lê Thị Hải, Chủ nhiệm CLB chia sẻ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại... nhìn thấy khó khăn của các khu cách ly, các cô, chú, anh, chị bán vé số, lượm ve chai, thợ hồ và một số anh chị em công nhân nhất thời bị mất việc… “Bếp yêu thương” của phụ nữ mau chóng được thành lập có 25 thành viên tham gia với tinh thần phục vụ rất cao.

Nhờ tinh thần của các thành viên trong CLB, nhờ những tấm lòng thơm thảo của các cô, chú, anh, chị... ủng hộ thực phẩm và tiền mặt, sau gần 2 tháng hoạt động, “Bếp yêu thương” đã nấu được hơn 10.000 suất ăn... phục vụ cho các lực lượng phòng, chống dịch bệnh và những người có hoàn cảnh khó khăn. Chị Lê Thị Hải tâm sự trong lúc dịch bệnh bùng phát khắp nơi, các thành viên của CLB không ngại khó khăn, nguy hiểm. “Họ không những làm tốt nhiệm vụ của người cung cấp suất ăn, mà còn liên hệ khắp nơi để xin xin, khuân khuân, vác vác lương thực, thực phẩm từ nơi này mang đến nơi kia giúp đỡ biết bao nhiêu người khó khăn. Bản thân tôi rất trân trọng sự giúp đỡ của các chị, sau những khó khăn mà chúng tôi đã cùng gồng gánh là sự tử tế và tình yêu thương còn đọng mãi”, chị Hải cho biết.

Không thể hững hờ

Những người mà tôi may mắn được gặp đều nói rằng, họ chưa từng sợ bất cứ điều gì trong cuộc sống, dù cả hiểm nguy đến tính mạng, nhất là lúc dịch bệnh đang bùng phát khắp nơi và dễ dàng bị lây nhiễm. Họ chỉ sợ sống mà không làm được điều gì có ích cho cuộc đời. Những ngày này, số ca nhiễm cứ tăng, các chốt phong tỏa liên tục được dựng lên, nhiều đoàn tình nguyện sẵn sàng bỏ lại mọi lợi ích riêng cùng nhau chung tay phòng, chống dịch bệnh. Nhóm thiện nguyện của anh Nguyễn Thế Tài, phường Tân Bình, TP.Dĩ An cũng không ngoài cuộc. “Nóng ruột lắm chị ơi! Thấy ai cũng chung tay phòng, chống dịch bệnh, mình là thanh niên mà ngồi yên sao đặng. Cuộc sống ở ngoài kia rộng lớn, vẫn có nhiều người còn đang khó khăn cần mình giúp đỡ nên phải đi thôi”.

Vậy là gác lại mọi chuyện, nhóm thiện nguyện do anh Nguyễn Thế Tài làm trưởng nhóm đồng hành làm tình nguyện viên phòng, chống dịch bệnh. Nhóm gồm 10 người đều là nhân viên của Công ty Chăm sóc ô tô Hồng Vũ, tại phường Tân Bình do anh Tài làm giám đốc. Dịch bệnh ập tới, thay vì cho nhân viên tạm nghỉ việc, anh Tài đã kêu gọi anh em chuyển qua hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh cùng địa phương. Nhóm thứ nhất gồm 5 người tình nguyện đăng ký tham gia hỗ trợ trực chốt tại các khu vực phong tỏa ở phường Tân Bình. Nhóm thứ hai với 5 người còn lại sẽ đảm nhận công việc hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ các phường đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm đến với người dân các khu phong tỏa và tham gia hỗ trợ chở F1 đi cách ly. Anh Tài đã trưng dụng 8 đầu xe của công ty để bất cứ khi nào địa phương gọi điện là nhóm đều sẵn sàng lên đường. Để các thành viên an tâm tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh của địa phương, anh Tài vẫn duy trì trả lương đều đặn cho nhân viên, từ 6,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.


Nhóm thiện nguyện của anh Nguyễn Thế Tài đồng hành phòng, chống dịch bệnh

Một ngày của nhóm thường bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng và kết thúc tầm 23, 24 giờ đêm. So với chăm sóc ô tô, công việc này chiếm nhiều thời gian và công sức hơn, đặc biệt là đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Vậy nhưng cả nhóm đều làm việc hăng say với tinh thần tự nguyện vì cộng đồng và trách nhiệm với địa phương. Anh Tài chia sẻ: “Nguy hiểm thì ai mà không sợ, nhưng với chúng tôi, sợ nhất là sống một cuộc đời hờ hững!”.

“Bình Dương rồi sẽ ổn thôi”

Bình Dương đang trong thời điểm mùa mưa. Trong ngày, có lúc trời nắng như đổ lửa, có lúc đổ xuống những cơn mưa rào bất chợt khiến người ta trở tay không kịp. Chốt kiểm soát của Công an TP.Dĩ An trên Quốc lộ 1K giáp tỉnh Đồng Nai là chốt chặn được địa phương đánh giá phức tạp nhất trên địa bàn, bởi đây là tuyến đường huyết mạch nối liền giữa 2 địa bàn Bình Dương và Đồng Nai và đi các tỉnh. Khó khăn nhất là thời điểm nhiều người dân kéo nhau về quê. Khi kíp trực chốt chặn lại, nhiều người dân rất bức xúc. Trung úy Lê Minh Phụng, Công an TP.Dĩ An phụ trách chốt và các anh em phải giải thích từng li từng tí, dần dần bà con mới hiểu và thông cảm cho công việc của các anh.

Hơn bao giờ hết, dịch bệnh khiến người ta dễ đồng cảm, tình người, sự sẻ chia xuất hiện ở khắp mọi nơi. Mới đây, trong lúc làm nhiệm vụ, các anh công an TP.Dĩ An trực tại chốt trên Quốc lộ 1K đã kịp thời hỗ trợ khi biết được hoàn cảnh khó khăn của vợ chồng anh Bùi Vũ Khang và chị Nguyễn Thị Trúc Linh làm công nhân tại KCN Hố Nai 3, tỉnh Đồng Nai. Do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, hai vợ chồng anh Khang và chị Linh khó khăn không đủ điều kiện để ở lại. Trong khi đó, chị Linh mang thai sắp đến ngày sinh, nên họ quyết định về quê. Hai vợ chồng đã đạp xe 2 ngày từ KCN Hố Nai 3 về đến chốt kiểm soát của Công an TP.Dĩ An trên Quốc lộ 1K. Sau khi kiểm tra giấy tờ hợp lệ và giấy test Covid-19 âm tính, các anh đã trao tặng tiền và quà cho vợ chồng anh Khang chị Linh; đồng thời hỗ trợ xe đưa 2 vợ chồng về tận nhà người thân tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh để nghỉ ngơi và chờ sinh.

Trung úy Lê Minh Phụng cho biết: “Chốt chặn không cấm hoàn toàn mà linh động từng đối tượng. Vì vậy, khi có người tới là chúng tôi phải yêu cầu họ đưa đủ các giấy tờ, rồi mới quyết cho họ qua hay không. Ở đây, nguy cơ lây nhiễm của anh em cũng cao hơn nơi khác. Ý thức được điều này, những anh em tham gia chốt chặn đều tự cách ly với các thành viên trong gia đình. Nhiều anh em cả tháng nay chưa được về nhà. Trong dịch bệnh mới thấy, nhiều người còn khó khăn khổ cực hơn mình rất nhiều”. Các anh luôn nhắc nhở nhau, hơn lúc nào, cách tốt nhất để dịch bệnh mau qua là phải tích cực chấp hành nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh của tỉnh, của thành phố, cùng chung sức, đồng lòng với chính quyền địa phương vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh, quyết tâm đẩy lùi đại dịch Covid-19. Tuy vất vả là thế, nhưng trên những khuôn mặt dạn dày nắng mưa sau lớp khẩu trang ấy, vẫn lộ ra những ánh mắt tự tin “rồi dịch bệnh sẽ qua, rồi Bình Dương sẽ lại ổn”.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=831
Quay lên trên