Nông dân chuẩn bị trái cây phục vụ thị trường tết

Cập nhật: 13-12-2022 | 07:37:40

 Những ngày này, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đang tất bật chăm sóc, bón phân, xử lý vườn cây ăn trái để cung cấp những trái cây chất lượng tốt nhất phục vụ thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và xem đây là vụ chính của năm.

 Thu hoạch dưa lưới ở nhà vườn của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo)

 Nâng cao chất lượng

Mang ý nghĩa tượng trưng cho sự tròn đầy, dưa lưới đã được người dân lựa chọn để bày trong dịp tết cổ truyền. Nhiều năm trở lại đây, cứ đến tháng 10 âm lịch là các hộ trồng dưa lưới trên địa bàn tỉnh xuống giống vụ tết. Bình quân 1 ha cho sản lượng khoảng 20 tấn dưa lưới, với giá mùa tết dao động từ 45.000 - 70.000 đồng/kg, tùy loại, mỗi ha nông dân có lãi từ 70 - 400 triệu đồng. Theo các hộ trồng dưa, hiện thời tiết đang rất thuận lợi cho vụ dưa tết.

Những ngày này, ở các vườn trồng dưa lưới của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, xã An Bình, huyện Phú Giáo, nhân công đang tất bật chăm sóc, xuống phân cho vườn dưa lưới phục vụ thị trường tết. Sau khi dịch bệnh ổn định, thị trường sôi động trở lại, HTX tăng diện tích sản xuất. Hiện nay, nhiều diện tích trồng dưa của các thành viên HTX đã xuống giống hơn 50 ngày tuổi, dự kiến những ngày giáp tết sẽ thu hoạch để phân phối ra thị trường.

Theo ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Kim Long, đối với vụ dưa tết, ngoài chất lượng, hương vị thơm ngon, người tiêu dùng còn quan tâm đến vẻ đẹp bên ngoài của trái dưa. Vì vậy, để có trái dưa to tròn, ngon và đẹp, thu hoạch đúng dịp tết, cần nhiều yếu tố trong kỹ thuật canh tác. “Năm nay, tuy chi phí có tăng, nhưng bù lại thị trường ổn định hơn. Đặc biệt, dưa lưới của HTX được trồng trong nhà màng bảo đảm an toàn, mẫu mã đẹp nên được thương lái đặt mua từ trước, không phải lo về đầu ra. Dự kiến, chúng tôi sẽ cung ứng ra thị trường hơn 150 tấn dưa lưới trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão”, ông Quyết chia sẻ thêm.

Tại thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, người trồng dưa cũng đang tất bật thuê nhân công chăm sóc vườn. Bà Nguyễn Thị Hà, người trồng dưa cho biết, khi lên ý tưởng chuyển đổi cây trồng từ cây cao su sang cây dưa lưới theo hướng VietGAP, ngoài việc đầu tư công nghệ với nhà màng, hệ thống tưới tự động, bà tập trung vào chất lượng, xây dựng thương hiệu riêng trên thị trường. Dù có vốn đầu tư ban đầu khá cao, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ, kỹ thuật canh tác mới nên công chăm sóc giảm, sản phẩm an toàn, được thị trường ưa chuộng. Nếu đạt năng suất và giá cả ổn định, từ 4 - 5 vụ, người trồng dưa lưới có thể thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Năm nay, bà xuống giống khoảng 2 sào đã được hơn 30 ngày tuổi. Dưa này có thời gian thu hoạch khá nhanh, chỉ khoảng 75 ngày. Theo bà Hà, vụ này thời tiết khá thuận lợi, song chi phí lại tăng khoảng 1,5 lần so với năm ngoái. Do đó, để có đầu ra ổn định, gia đình bà tập trung chăm sóc cho dưa bảo đảm chất lượng và mẫu mã, không chạy theo số lượng.

Chủ động nắm bắt thị trường

Bưởi cũng là loại trái cây không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày Tết Nguyên đán, chính vì vậy, nhu cầu của người dân đối với loại trái cây này là rất lớn. Nắm bắt nhu cầu thị trường, khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến tết, cũng là lúc nông dân trồng bưởi trên địa bàn tỉnh đang tất bật chăm sóc để cho thu hoạch vào đúng dịp tết.

Ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên), cho biết hiện ông cùng các thành viên trong HTX chuẩn bị vụ mùa bưởi tết. Theo ông Thành, hiện nay giá bưởi đang ở mức rất thấp, chỉ bằng 1/3 so với những năm trước. Giá bán tại vườn, bưởi đẹp chỉ được 15.000 đồng/kg; trong khi đó, chi phí đầu tư năm nay rất cao, vì giá phân bón và vật tư đều tăng nên ông cũng không dám đầu tư mạnh vào vườn bưởi.

Nhận định chung, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, giá bưởi luôn ở mức thấp, nhiều thời điểm không tiêu thụ được do diện tích cây có múi tăng nhanh, nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm, xuất khẩu lại gặp khó. Tuy nhiên, người trồng bưởi vẫn tập trung chăm sóc để phục vụ thị trường bưởi tết với nhiều kỳ vọng. Anh Lê Minh Sang, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, chia sẻ: “Người nông dân đã chăm sóc hết mình để cho bưởi đẹp, chất lượng, mong sao giá cả tốt để sản xuất có lãi”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm gần đây, sản xuất cây ăn trái có múi trong tỉnh được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích và giá trị, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Theo thống kê, toàn tỉnh có tổng diện tích cây có múi đạt trên 3.800 ha, chiếm trên 53% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh.

Thời tiết khá thuận lợi cho vụ trái cây tết năm nay và nhiều nhà vườn đều đã có thương lái đến đặt hàng. Đây cũng là tín hiệu khả quan, giúp các nhà vườn có thêm động lực để tập trung sản xuất những vụ tiếp theo. Vào thời gian giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng cao. Do đó, các nhà vườn phục vụ hàng hóa nông sản cần bám sát thực tế, để chủ động chuẩn bị lượng hàng hóa đầy đủ, kịp thời.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=488
Quay lên trên