Thời gian gần đây, đi đến đâu trên địa bàn phường Phú Mỹ (TX.TDM) cũng thấy cây lá vang (hay còn gọi là lá giang). Nhiều nông dân cho biết, lá vang dễ trồng lại cho thu nhập ổn định. Lá vang đã thật sự trở thành loại cây xóa đói giảm nghèo cho nông dân nơi đây.
Từ một xã thuần nông, Phú Mỹ trở thành một phường “vệ tinh” của trung tâm Thành phố mới Bình Dương. Do nhu cầu phát triển nên quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp của phường bị thu hẹp, Hội Nông dân (HND) phường đã hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường và cây lá vang được ưu tiên chọn lựa bởi dễ trồng, không cần diện tích rộng. Do đó, từ một loại cây mọc hoang, lá vang nhanh chóng trở thành hàng hóa, đem đến thu nhập ổn định cho nông dân.
Bà Nguyễn Thị Lùn thành công với mô hình trồng cây lá vang
Điển hình như bà Nguyễn Thị Lùn ở khu phố 1. Từ ngày diện tích đất nông nghiệp chuyên trồng rau màu vô quy hoạch, bà về đất nhà phá bỏ tầm vông chuyển sang trồng cây lá vang. Từ những bụi lá vang thử nghiệm ban đầu, đến nay, bà đã mở rộng diện tích gần 3.000m2. Bà Lùn nói: “Ban đầu cũng lo lắm, cây lá vang phù hợp với thổ nhưỡng đó nhưng không biết có đầu ra không bởi cây này mùa mưa ở đây thiếu gì. Tuy nhiên, nghe lời cán bộ hội tôi cũng trồng thử; tuy... khó giàu nhưng đủ để gia đình tôi sống tốt”.
Một điều khiến bà Lùn cũng như nhiều nông dân khác mạnh dạn chuyển sang trồng lá vang bởi nó phù hợp với những nông dân đã quá tuổi lao động, các công đoạn trồng tương đối nhẹ nhàng. Chỉ vào miếng đất trồng rau màu, bà nói thêm: “Miếng đất đó tôi chuẩn bị trồng lá vang luôn. Thu nhập tuy không cao do tiền phân bón, chà (cây tầm vông dành cho dây leo) tương đối nhiều, nhưng giá cả loại cây này tương đối ổn định”. Theo tính toán của bà, cứ 2 tháng cây lá vang thu hoạch một lần, thời gian thu hoạch khoảng 20 ngày. Với 3.000m2 đất, bà thu lợi trung bình khoảng 7 triệu đồng/vụ. Sau khi trừ chi phí bà còn khoảng 5 triệu đồng tiền lãi.
Gia đình ông Phạm Văn Lãnh, ở khu phố 1 cũng rất thành công với mô hình trồng lá vang. Ông Lãnh kể, trước đây ông sinh sống bằng nghề trồng rau màu. Khi đất vào quy hoạch, ông không biết tính sao. Bởi là nông dân nên xưa nay ông chỉ quen làm ruộng, giờ đây còn quá ít đất thì biết trồng gì. Thấy được hiệu quả kinh tế của cây lá vang của bà con trong vùng, trên diện tích 500m2 đất, ông quyết định trồng 800 cọc lá vang và đang dự tính mở rộng lên gấp đôi diện tích. Theo ông, lá vang dễ trồng, ít vốn đầu tư mà lại không tốn nhân công. Ông Lãnh tính: “Trồng lá vang chỉ tốn tiền mua chà, kẽm, trồng trụ xi măng là chủ yếu. Với số vốn khoảng 10 triệu đồng, đầu tiên, ông mua kẽm làm hàng rào cao 1m, sau đó cắm chà tre hoặc trúc cho lá vang bò lên. Một bụi lá vang chăm sóc tốt thì thu hoạch hoài. Khi thu hoạch chỉ cần rút cây chà, tuốt lá bám trên cây rồi bó thành từng bó”.
Ông Lê Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch HND phường Phú Mỹ, cho biết thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp với cây lá vang. Từ đó, cây lá vang trở thành nguồn thu nhập chính của nông dân. Toàn phường hiện có 70 hộ trồng với khoảng 3 ha diện tích. Để giúp nông dân gắn bó đất vườn của mình và không ngừng phát triển cây trồng thích hợp. HND phường đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật song song với việc giải quyết vốn cho nông dân đầu tư sản xuất. Năm 2011, hội đã vận động Quỹ hỗ trợ nông dân giải quyết cho 4 hội viên vay 26 triệu đồng, ngoài ra, vận động các điểm bán vật tư thiếu cho nông dân đến khi thu hoạch sẽ hoàn trả với số trên 200 triệu đồng...
Lá vang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để mô hình nhân rộng, nông dân phường Phú Mỹ rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng để duy trì và ổn định đầu ra.
TIỂU LIÊN