Nông nghiệp công nghệ cao của Bắc Tân Uyên phát triển đúng hướng

Cập nhật: 08-03-2019 | 07:03:31

Là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển nông nghiệp, thời gian qua huyện Bắc Tân Uyên đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao và các vùng chuyên canh cây ăn trái có múi. Đến nay, mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 Điểm nhấn cây có múi

Hiện nay, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế của huyện Bắc Tân Uyên. 5 năm qua, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện tăng bình quân 3,7 - 4,1%/năm. Năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt khoảng 2.218 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2014.

Thu hoạch bưởi tại Hợp tác xã trái cây Tân Mỹ. Ảnh: TIỂU MY

Bắc Tân Uyên có nhiều diện tích tiếp giáp với sông Bé và sông Đồng Nai; có điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng các loại cây ăn trái có múi như cam, quýt, bưởi… Trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất tập trung cây ăn trái có múi với diện tích hơn 2.091 ha, trong đó có hơn 100 ha được sản xuất theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), tập trung tại các xã Tân Mỹ, Hiếu Liêm, Tân Định.

Anh Võ Minh Tấn, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã trái cây Tân Mỹ (xã Tân Mỹ), cho biết hợp tác xã hiện có 14 thành viên, với 62 ha trồng bưởi và quýt đường (chủ yếu là bưởi). Đến nay, hầu hết các thành viên của hợp tác xã đã chuyển hướng sang trồng VietGAP và hữu cơ. Hợp tác xã đã ký hợp đồng bao tiêu với một số siêu thị và các cửa hàng lớn nên bảo đảm đầu ra sản phẩm ổn định cho các thành viên trong hợp tác xã. Hiện các thành viên đã mạnh dạn mở thêm một doanh nghiệp tại xã Hiếu Liêm để thu mua nông sản đạt chuẩn VietGAP cung ứng ra thị trường.

Về lĩnh vực chăn nuôi, toàn huyện hiện có 57 công ty, trang trại chăn nuôi và thủy sản, trong đó có 30 trang trại, công ty áp dụng công nghệ cao (trại lạnh). Theo đánh giá của ngành thú ý địa phương, đa số các trại chăn nuôi ứng dụng kỹ thuật trên địa bàn huyện cơ bản đảm bảo yếu tố môi trường, có hiệu quả kinh tế cao. Hiện nhiều trang trại trên địa bàn chuyên nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi lớn. Việc chăn nuôi gia công giúp bà con nắm vững hơn các quy trình kỹ thuật, an toàn sinh học trong việc chăn nuôi, cũng như bảo đảm đầu ra sản phẩm ổn định, hướng đến phát triển bền vững.

Tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Huyện Bắc Tân Uyên đang tập trung thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với chính sách đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, chính sách phát triển vườn cây ăn trái có múi của huyện... Trên cơ sở đó, nhiều hộ nông dân trong huyện đã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư  thâm canh, mở rộng quy mô sản xuất; nhiều tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần quan trọng để địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công.

Theo ông Thái Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, để định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng và phê duyệt Quy hoạch chi tiết ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025, đồng thời đã tổ chức công bố đến các ban, ngành có liên quan, UBND các xã, thị trấn, toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện để tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch. Trong phát triển nông nghiệp, huyện chú trọng thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với các thế mạnh của địa phương và các định hướng quy hoạch của huyện.

Đối với quy hoạch nông nghiệp, huyện Bắc Tân Uyên luôn hướng đến sự phát triển bền vững. Cụ thể, trong dự thảo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, huyện luôn ưu tiên giữ lại quỹ đất có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp phát triển cây công nghiệp, cây có múi, từng bước hình thành và phát triển các vùng chuyên canh, đặc biệt là vùng chuyên canh cây ăn trái có múi. Cùng với đó, huyện quy hoạch riêng các quỹđất tập trung đểphát triển ngành chăn nuôi theo hướng trang trại công nghệ cao ở các xã Tân Lập (50 ha), Bình Mỹ (250 ha), Hiếu Liêm (100 ha), Đất Cuốc (100 ha), Lạc An (50 ha), Tân Định (250 ha).

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác trên địa bàn huyện để lắng nghe ý kiến phản ánh. Qua đó huyện kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển.

Trong 2 năm qua, UBND huyện đã chấp thuận địa điểm đầu tư 2 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và 7 địa điểm đầu tư xây dựng mới, mở rộng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong số này có 2 cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ cao, gồm trại gà Hoàng Lan (xã Tân Định) và Hợp tác xã giết mổ gia cầm Nguyễn Tùng Lâm (xã Bình Mỹ).

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1083
Quay lên trên