Thực hiện Chương trình hành động số 22b ngày 6-11-2016 của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thời gian qua UBND huyện Phú Giáo đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể phối hợp triển khai thực hiện, kết quả đã tạo được sự đột phá trên lĩnh vực nông nghiệp.
Từ các chính sách của địa phương, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được nông dân huyện Phú Giáo đầu tư, phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Mô hình trồng bưởi của nông dân Trần Xuân Tịnh, ấp 3, xã Tân Hiệp. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Hình thành nhiều trang trại ứng dụng công nghệ cao
Năm 2015, trên lĩnh vực nông nghiệp của huyện Phú Giáo, tỷ trọng giữa ngành trồng trọt và chăn nuôi tương ứng là 70,4% - 29,6%; kinh tế hộ gia đình vẫn đóng vai trò nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Thời điểm đó, việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp của huyện chủ yếu là các trang trại chăn nuôi, còn các trang trại trồng trọt đã được hình thành nhưng chưa thật sự rõ nét...
Thực hiện Chương trình hành động số 22b của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đến nay kinh tế - xã hội của huyện đã có sự thay đổi rõ nét. Nổi bật, trên địa bàn huyện, lĩnh vực nông nghiệp CNC phát triển mạnh, điển hình là nhiều trang trại trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng CNC, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2018, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện đạt 3.991 tỷ đồng, đạt 100,36% so với nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra, tăng 5,86% so với năm 2017. Trong đó, riêng giá trị nông, lâm nghiệp và thủy sản từ các trang trại trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn huyện đạt hơn 1.526,5 tỷ đồng. Cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, với tỷ lệ tương ứng 30,6% - 69,4%.
Không chạy theo số lượng
Đến nay, trên địa bàn huyện Phú Giáo đã hình thành các vùng sản xuất tập trung với những cây trồng chủ lực, có tính cạnh tranh như cao su, tiêu, cây ăn trái. Về chăn nuôi, đến đầu năm 2019 toàn huyện có hơn 2 triệu con gia súc, gia cầm, trong đó chăn nuôi theo hình thức trang trại có 150 trang trại với hơn 1,620 triệu con gia súc, gia cầm. Hiện đa số các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện ứng dụng kỹ thuật, CNC, có hệ thống máng ăn, uống tự động.
Ngoài 2 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tập trung tại xã An Thái và xã Phước Sang, toàn huyện hiện có 177 trang trại đạt tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tổng diện tích hơn 1.520 ha. Riêng Khu nông nghiệp CNC An Thái đi vào hoạt động năm 2008, đến nay đã trở thành mô hình kinh tế xanh điển hình, mở ra nhiều cơ hội cho nông dân trên địa bàn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp để tham gia thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, trên địa bàn huyện có 100 mô hình sản xuất ứng dụng CNC, gồm 54 mô hình trồng trọt theo hướng VietGAP, 46 mô hình chăn nuôi và 22 tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC được vay vốn theo Quyết định 04 của UBND tỉnh.
Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, khẳng định phát triển nông nghiệp CNC là hướng đi tất yếu của huyện. Để phát triển mạnh, các mô hình ứng dụng CNC cần phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, trình độ sản xuất, khả năng đầu tư, quản lý của người dân vùng nhận chuyển giao và ứng dụng CNC. Huyện cũng xác định, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC phải đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường; sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch của địa phương.
Theo lãnh đạo huyện Phú Giáo, phát triển nông nghiệp, xây dựng địa phương trở thành huyện nông thôn mới, có nền nông nghiệp công nghệ cao là một trong những định hướng chiến lược được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV đề ra. |
HOÀI PHƯƠNG