Nông nghiệp, nông thôn vươn tới mạnh giàu

Cập nhật: 28-04-2020 | 05:22:26

 Sau ngày giải phóng đến nay, Bình Dương tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết thống nhất, nỗ lực vượt qua không ít khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó, nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà đã có bước chuyển mình phát triển, góp phần nâng cao đời sống và vật chất tinh thần của người dân.

 Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Trong ảnh: Tuyến đường kiểu mẫu được nhựa hóa ở xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng

 Vùng quê giàu sức sống

Có dịp về lại Bình Dương hôm nay, hẳn ai cũng phải ngỡ ngàng trước những đổi thay rõ nét, từ phố thị nhộn nhịp người xe đến những vùng quê yên bình bạt ngàn cây xanh trái ngọt. Những con đường bê tông nhựa nóng được nâng cấp mở rộng thẳng tắp thay thế cho những con đường đất đỏ, nối liền các trung tâm đô thị với vùng nông thôn xa xôi. Những ngôi nhà mới khang trang cùng với hàng loạt các công trình phúc lợi dân sinh như chợ, trường học, trung tâm y tế, các thiết chế văn hóa… đã được đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao mức hưởng thụ về vật chất lẫn tinh thần cho người dân nông thôn.

 Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong thời gian tới, ngành tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường; tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nông sản chủ lực trên địa bàn, tạo ra bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đạt năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập và đời sống người dân.

Đến với xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng vào những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có thể cảm nhận rõ được những đổi thay của một xã nông thôn mới (NTM). Hạ tầng cơ sở được đầu tư ngày một hoàn thiện, kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày một nâng lên, nhà nhà cùng thi đua xây dựng đời sống văn hóa, tích cực tăng gia sản xuất nâng cao thu nhập. Ông Trần Xuân Trà, Chủ tịch UBND xã Trừ Văn Thố, cho biết thực hiện xây dựng NTM không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mà đã có tác động trực tiếp nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Có được những kết quả như ngày hôm nay đây là thành quả nỗ lực của hệ thống chính trị và nhân dân trong xã.

Người dân các xã NTM vui tươi, phấn khởi hơn khi đời sống được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới… Ông Nguyễn Tiến Trung, Trưởng ban điều hành ấp Hiệp Thọ, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng, cho biết những luống hoa được người dân trồng hai bên đường đã tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Trên địa bàn ấp có hơn 2km đường nông thôn đều do địa phương vận động dân hiến đất, góp tiền, giải tỏa cây cối để thực hiện kiên cố hóa. Đường làm xong tới đâu, hệ thống điện chiếu sáng, mạng viễn thông kéo theo tới đó. Bộ mặt đời sống nông thôn vì thế cũng đổi thay hơn nhiều. “Gia đình tôi cũng như người dân trong ấp vui hơn, bởi đi lại thuận lợi. Nhà nào cũng sửa sang nhà cửa, chăm sóc hàng rào hoa trước nhà khang trang hơn”, ông Trung bộc bạch.

Câu chuyện về những người dân góp tiền, hiến đất xây dựng đường, nhà văn hóa đã không còn mới mẻ ở các địa phương trong tỉnh. Đến các xã NTM hôm nay, đâu đâu cũng bàn chuyện làm ăn, nâng cao đời sống. Từ khi thực hiện xây dựng NTM với các quan điểm, chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân trong tỉnh đồng tình hưởng ứng đã cải thiện rõ nét đời sống của nông dân, giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Tính đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của các xã NTM đạt 60 triệu đồng/người/năm.

Nâng cao giá trị sản xuất

Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo luôn là mục tiêu hàng đầu trong quá trình xây dựng NTM. Nổi bật hơn là trên địa bàn tỉnh đã hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, những trang trại thực hành sản xuất tốt theo hướng VietGAP, hợp tác xã trồng rau an toàn và nhiều cơ sở chế biến nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm. Hiện toàn tỉnh có trên 580 ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ đối với các loại cây trồng, gồm 250 ha cây có múi, hơn 25 ha cây rau và 258 ha cây ăn quả khác. Trên lĩnh vực trồng trọt, nhiều nông hộ, trang trại đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương.

Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo), cho rằng xây dựng NTM, người dân được thụ hưởng rất nhiều, từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn đến tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi… Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trồng dưa lưới trong nhà kín nên sản phẩm của hợp tác xã đạt được chất lượng cao và được công nhận đạt chuẩn VietGAP, sản phẩm tiêu thụ ổn định trên thị trường cả nước. Hàng năm, hợp tác xã sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 200 tấn dưa lưới, doanh thu đạt 9 - 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động, thu nhập bình quân 6 - 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian qua, tỉnh đã đặc biệt quan tâm và tập trung nguồn lực lớn để đầu tư cho phát triển mô hình sản xuất, lấy người nông dân làm chủ thể thực hiện, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ để người nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Ngoài ra, tỉnh tập trung xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, đồng thời đã xây dựng và triển khai dự án mỗi xã, phường một sản phẩm. Qua đó đã góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cho người dân địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn góp phần tạo việc làm, ổn định đời sống cho hàng chục ngàn lao động địa phương.

 Đến nay, 100% xã trong tỉnh đều đạt chuẩn NTM, 3/7 đơn vị cấp huyện, thị đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Bình Dương là 1 trong 8 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM từ năm 2010 đến nay trên 25.000 tỷ đồng. Bình Dương không nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Dự kiến, đến năm 2020 có từ 12 - 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; 100 huyện, thị đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Bình quân mỗi huyện, thị có từ 2 - 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu.

THOẠI PHƯƠNG 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=665
Quay lên trên