Nông thôn đổi thay toàn diện

Cập nhật: 21-12-2023 | 09:39:55

Dầu Tiếng đã khoác lên mình “chiếc áo mới” kể từ khi xây dựng nông thôn mới (NTM). Các xã nông thôn không chỉ mới bởi đường làng, ngõ xóm được nâng cấp mở rộng, những ngôi trường mới khang trang, những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều mà còn mới cả ở tư duy, cách làm.

 Chương trình xây dng nông thôn mi giúp din mo nông thôn thay đổi. Trong nh: Đường vào p Bến Tranh (xã Thanh An)

 Diện mạo khởi sắc

Chúng tôi thường về Dầu Tiếng bằng xe máy để cảm nhận được thật đầy đủ về sự đổi thay của huyện NTM. Ấn tượng rõ nét nhất chính là đường sá ngày càng xanh - sạch - đẹp, góp phần làm thay da đổi thịt cho huyện nhà. Hạ tầng nông thôn huyện được quan tâm đầu tư, nhờ đó giúp việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân thuận lợi hơn. Đó là tiền đề để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Năm 2023, phát huy nội lực của chính mình cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và các doanh nghiệp, huyện tiếp tục nâng cấp, sửa chữa 14 tuyến đường, tổng chiều dài 42km. Đến nay 99/100 tuyến đường do huyện quản lý, tổng chiều dài 233,98km được nhựa hóa, đạt 99%; 100% đường do xã quản lý được cứng hóa bằng sỏi đỏ, trong đó có trên 47% tuyến đường được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng, bảo đảm phương tiện đi lại thuận tiện quanh năm. Các tuyến đường mới đầu tư đều được trang bị một số hạng mục cần thiết, như: Biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, cây xanh…

Là xã đầu tiên được chọn để thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn đến năm 2025, Thanh An đang từng bước chuyển mình đi lên mạnh mẽ. Nhiều con đường “nắng bụi, mưa lầy” trước đây đã lùi vào dĩ vãng, thay vào đó là những con đường nhựa, bê tông thẳng tắp, những công trình điện vào tận thôn xóm. Có mặt tại một tuyến đường ở tổ 13 ấp Bến Tranh, chúng tôi được ông Nguyễn Ngọc Bích, Trưởng ban Công tác mặt trận ấp Bến Tranh, chia sẻ: “Tuyến đường dài 1.300m này trước đây là con đường đất đỏ bụi mù, mới được đổ bê tông nhựa nóng 700m, sắp tới sẽ được đầu tư để hoàn thiện phần còn lại. Từ khi xây dựng NTM làng quê mình tươi mới hơn, các tuyến đường được đầu tư nâng cấp, mở rộng giúp người dân đi lại thuận tiện. Người dân còn trồng hoa hai bên đường để giúp tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp” .

Tiếp tục tham quan ấp Cần Giăng, chúng tôi thật sự ấn tượng bởi những hàng rào bằng cây cảnh được cắt tỉa, kéo dài thẳng tắp tại tuyến đường thuộc tổ 7, 8, 9. Ông Lê Trọng Tuấn, người dân sinh sống nơi đây cho biết: “Sau khi được tuyên truyền, người dân hiểu rằng, NTM giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đa số bà con đều đồng tình ủng hộ. Con đường này trước đây rất nhỏ, người dân đã tình nguyện hiến đất để mở rộng, đóng góp kinh phí để lắp đèn chiếu sáng. Đường được mở rộng, đi lại dễ dàng hơn bà con rất phấn khởi”.

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập

Theo thời gian, bức tranh nông thôn Dầu Tiếng như được tô đẹp thêm qua cách làm sáng tạo, thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Đến nay, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt đạt trên 850 ha. Một số loại cây trồng có giá trị mang lại hiệu quả cao, như: Bưởi, cam, quýt, sầu riêng, chuối cấy mô, hoa lan... Diện tích ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi đạt trên 170 ha với các dự án chăn nuôi gà, heo theo mô hình khép kín, bền vững. Công nghệ chăn nuôi tiên tiến đã được áp dụng trong chăn nuôi, như: Hệ thống chuồng kín, chuồng lồng, hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống tự động, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, sử dụng đệm lót sinh học…

Ngoài việc phát triển nông nghiệp, huyện luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế, cá nhân đầu tư sản xuất, khuyến khích phát triển các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Trong năm 2023, huyện tiếp tục mời gọi được 25 doanh nghiệp và 12 cơ sở tiểu thủ công nghiệp đầu tư với số vốn 57,4 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện lên 513 doanh nghiệp và 1 cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định (trong đó có 106 doanh nghiệp sản xuất) đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 13.000 lao động tại địa phương.

Từkết quảđầu tư mởrộng, tăng quy mô sản xuất, kinh doanh, đời sống vật chất người dân trong huyện được cải thiện, tỷlệlao động cóviệc làm thường xuyên trên địa bàn huyện đạt 98% (trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 90%). Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện cuối năm 2023 ước đạt trên 80,5 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, năm 2023 chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện tiếp tục đạt được kết quả khả quan, nhiều công trình hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, nâng cấp sửa chữa, từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều việc làm mới, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

 Đến nay, huyện Dầu Tiếng có 9/11 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, gồm: Thanh An, Định Hiệp, Định Thành, Long Hòa, Minh Tân, Định An, Minh Hòa, Thanh Tuyền và Long Tân. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2024 có 11/11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh; đồng thời, phấn đấu có 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

 HẠNH NHI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=535
Quay lên trên