Thế giới đang cần thêm sự trợ giúp của nhiều nhà khoa học để giải quyết các vấn đề toàn cầu như thay đổi khí hậu, an ninh lương thực hay không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Đó là lý do mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho ra đời Báo cáo Khoa học, Kỹ thuật và Công nghiệp năm 2015 xếp hạng 40 quốc gia có trình độ khoa học tiên tiến nhất thế giới, với số liệu tính tới năm 2012.
Các xếp hạng này dựa trên tỷ lệ phần trăm số bằng đại học thuộc các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kỹ thuật hay toán học (STEM) được trao tính trên đầu người để có kết quả so sánh công bằng giữa các quốc gia có dân số khác nhau. Dưới đây là 10 quốc gia đứng đầu danh sách.
10. Bồ Đào Nha (25%)
25% sinh viên tại Bồ Đào Nha đã tốt nghiệp với tấm bằng STEM. Quốc gia này còn có tỷ lệ tiến sỹ làm việc trong lĩnh vực giáo dục là 72%, cao nhất trong tổng số 40 quốc gia được khảo sát.
9. Áo (25%)
Áo có số tiến sỹ đang trong độ tuổi lao động lớn thứ hai trong số các nước được khảo sát. Trung bình cứ 1.000 người Áo thì có 6,7 phụ nữ và 9,1 nam giới có bằng tiến sỹ.
8. Mexico (25%)
Bất chấp việc chính phủ chấm dứt miễn giảm thuế lên các khoản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tỷ lệ người có bằng STEM ở Mexico đã tăng từ 24% năm 2002 lên 25% năm 2012.
7. Estonia (26%)
Estonia là một trong số các quốc gia có tỷ lệ phụ nữ có bằng STEM cao nhất, đạt 41% năm 2012.
6. Hy Lạp (26%)
Chính phủ Hy Lạp chỉ dành 0,08% GDP cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong năm 2013, trở thành một trong những quốc gia đầu tư ít nhất cho khoa học đươc ghi nhận. Đây có thể là lý do khiến tỷ lệ người có bằng STEM giảm từ 28% năm 2002 xuống còn 26% năm 2012.
5. Pháp (27%)
Ở Pháp, hầu hết khác nhà nghiên cứu đều được ngành công nghiệp tuyển dụng thay vì làm việc trong chính phủ hay các trường đại học.
4. Phần Lan (28%)
Ở Phần Lan, số lượng các nghiên cứu y học được công bố nhiều hơn số lượng nghiên cứu được thực hiện ở bất cứ lĩnh vực nào khác.
3. Thụy Điển (28%)
Thụy Điển chỉ đứng sau Na Uy về tỷ lệ sử dụng máy tính tại nơi làm việc, bao gồm cả những hoạt động như lập trình. Khoảng 3/4 người lao động ở Thụy Điển dùng máy tính trong công việc của mình.
2. Đức (31%)
Đức có số sinh viên tốt nghiệp với bằng STEM trung bình hàng năm cao thứ ba thế giới, tương đương 10.000 người, chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia có dân số lớn hơn nhiều so với Đức.
1. Hàn Quốc (32%)
Tuy đứng thứ nhất danh sách năm nay, nhưng Hàn Quốc cũng là nước có tỷ lệ người có bằng STEM giảm mạnh nhất trong số 10 quốc gia đứng đầu (giảm từ 39% năm 2002 xuống còn 32%).
Xét tổng thể, 40 quốc gia có nền giáo dục khoa học tiên tiến nhất thế giới trong danh sách của OECD có tỷ lệ người có bằng STEM giảm từ 23% năm 2002 xuống còn 22% sau 10 năm. Mỹ đứng gần chót bảng trong danh sách này với chỉ 16% dân số có bằng STEM trong giai đoạn 2002-2012.
(Nguồn: Reuters)