Quyết định số 22/2023/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm có hiệu lực từ ngày 10-10- 2023. Xoay quanh về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương.
Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ góp phần giúp người chấp hành xong án phạt tù nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. Trong ảnh: Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh gặp, động viên các phạm nhân cải tạo tốt tại Trại tạm giam Công an tỉnh (Ảnh: CABD cung cấp)
- Thưa ông, theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người chấp hành xong án phạt tù phải có những điều kiện nào mới được vay vốn?
- Người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn bao gồm: Người chấp hành xong thời hạn án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù; người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá. Theo đó, điều kiện được vay vốn bao gồm: Có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do công an cấp xã lập và được UBND cấp xã xác nhận; không còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm.
- Như vậy, phương thức vay, mức vốn, thời hạn cho vay và hồ sơ vay vốn đối với các đối tượng này được quy định cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Về phương thức cho vay: Đối với người chấp hành xong án phạt tù thì được thực hiện theo phương thức thông qua hộ gia đình; đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện theo phương thức cho vay trực tiếp. Mức vốn và thời hạn cho vay: Người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng và không phải thực hiện bảo đảm tiền vay; đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án. Vay vốn trên 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật và Ngân hàng Chính sách xã hội về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ vay vốn.
Hồ sơ vay vốn, trình tự và thủ tục cho vay, kỳ hạn trả nợ, mức trả nợ, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn được quy định như sau: Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn về hồ sơ vay vốn, trình tự và thủ tục cho vay, kỳ hạn trả nợ, mức trả nợ bảo đảm đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện. Việc gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn thực hiện theo quy định của pháp luật. Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ hướng dẫn người đi vay về hồ sơ vay vốn, trình tự và thủ tục cho vay.
- Xin ông thông tin rõ hơn về quy định vay vốn của cơ sở sản xuất, kinh doanh có lao động là người chấp hành xong án phạt tù?
- Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh có lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm: Chi phí để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm gồm chi phí cho việc thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.
Về mức vốn cho vay, Quyết định số 22/2023/QĐ- TTg quy định đối với vay vốn để đào tạo nghề, như sau: Mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/ người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.
- Để nguồn vốn kịp thời đến với đối tượng cần vay vốn, hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương đã triển khai các giải pháp thực hiện cụ thể nào, thưa ông?
- Theo Văn bản số 3336/ BCA-C11 ngày 20-9-2023 của Bộ Công an, thì Bộ Công an giao công an các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan có liên quan tham mưu HĐND, UBND cùng cấp bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay. Do đó, việc đầu tiên đối với các địa phương là phải rà soát, xác định được nhu cầu vay vốn mới tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí vốn thực hiện chương trình.
- Xin cám ơn ông!
TƯỜNG VY (thực hiện)