Hàng loạt bức ảnh mới về một hố khổng lồ trên sao Hỏa cho thấy rất có thể nước từng tồn tại trong một hồ sâu khổng lồ trên hành tinh đỏ.
Một hố gần đường xích đạo của sao Hỏa.
Tàu Mars Reconnaissance Orbiter của Mỹ đã chụp ảnh McLaughlin, tên của một hố có chiều rộng 92 km trên sao Hỏa, để tìm kiếm nguồn nước ở đó. Hố này rất sâu nên các nhà khoa học đoán rằng nước từng tồn tại trong hố. Ngày nay, McLaughlin là một hố khô, song chứa nhiều đất sét và các dấu tích khác về sự tồn tại của nước trong quá khứ.
Sau khi phân tích các bức ảnh do tàu Mars Reconnaissance Orbiter chụp, các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện một vùng ẩm ướt bên dưới hố McLaughlin, Space đưa tin.
"Bằng cách kết hợp các dữ liệu, chúng tôi đã tìm ra bằng chứng cho thấy nước tồn tại bên trong hố, chứ không phải chảy vào từ bên ngoài", Joseph Michalski, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hành tinh tại Mỹ, phát biểu.
Những nghiên cứu về khả năng tồn tại của sự sống trên sao Hỏa trong tương lai có thể giúp giới khoa học làm sáng tỏ nhiều điều về quá trình tiến hóa của sự sống trên trái đất.
Do lực hấp dẫn của sao Hỏa nhỏ hơn nhiều so với trái đất - chỉ bằng khoảng 1/3 - bề mặt của nó xốp hơn nhiều so với hành tinh của chúng ta. Với bề mặt như thế, nước có thể ngấm xuống lòng đất. Trên trái đất, sự sống luôn xuất hiện ở những nơi mà nước tồn tại, kể cả bên trong những tầng đất cực sâu. Những vi khuẩn sống cách mặt đất từ 5 km trở lên chiếm khoảng một nửa số lượng loài sinh vật trên địa cầu. Phần lớn những chủng vi khuẩn đó đã tồn tại từ hàng trăm triệu năm trước. Điều đó cho thấy rất có thể sự sống bắt đầu từ dưới lòng đất. Vì thế, nếu nước tồn tại bên dưới bề mặt sao Hỏa, chúng ta có thể hy vọng rằng vi khuẩn cũng trú ngụ ở đó.
VNE