Phát huy lợi thế, xây dựng sản phẩm nông nghiệp tiềm năng - Kỳ 2

Cập nhật: 09-03-2021 | 07:45:40

Kỳ 2: Mở ra hướng đi mới

 Chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tại Bình Dương, tuy còn gặp một số khó khăn trong triển khai Chương trình OCOP, song cũng có nhiều cơ hội để phát triển nếu các địa phương biết phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có.

 

Sản phẩm bưởi đường lá cam Bạch Đằng được đưa vào Chương trình OCOP

 Cơ hội phát triển

OCOP là chương trình hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Triển khai hiệu quả chương trình này sẽ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững. Hiện chương trình đang được các địa phương triển khai tích cực, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Từ lâu, thương hiệu bưởi Bình Dương đã có tiếng, nhưng nhìn chung đầu ra của sản phẩm còn phụ thuộc phần nhiều vào thương lái. Với việc bưởi được chọn làm sản phẩm OCOP, kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho người trồng bưởi. Ông Nguyễn Minh Sang, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên cho biết, qua lời kể của các vị cao niên, vào những năm đầu thế kỷ XIX, thấy đất đai ở đây khá màu mỡ, từ đó, nhiều người đổ về khai hoang, lập nghiệp và đưa nhiều giống cây ăn quả về đây trồng. Thế nhưng chỉ có cây bưởi tồn tại đến ngày hôm nay. Những năm gần đây bưởi liên tục được mùa, được giá, nhiều gia đình đã trở nên khá giả nhờ cây bưởi.

Còn ở xã Bạch Đằng (TX. Tân Uyên), cây bưởi đường lá cam Bạch Đằng cũng đã khẳng định được thương hiệu với gần 400ha bưởi được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân mà còn là sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng sạch và an toàn của vùng đất Bình Dương. Ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bạch Đằng, chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi sản phẩm bưởi địa phương được tham gia Chương trình OCOP và được đánh giá 3 sao”.

Ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên) cho hay, trước đây, đa số bà con canh tác theo hướng tự phát, lợi dụng thuốc bảo vệ thực vật nên giá bán không được cao. Qua nhiều năm, bà con đã rút ra được kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc bưởi theo hướng VietGAP nên sản phẩm làm ra được thương lái săn đón, giá lại ổn định. “Chúng tôi kỳ vọng vào Chương trình OCOP sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho HTX và người dân địa phương trong việc quảng bá thương hiệu, nhất là cơ hội để tiếp cận thêm nhiều đầu ra và mở rộng thị trường. Ngoài việc hướng đến sản xuất hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, các thành viên trong HTX sẽ cùng nông dân tiếp tục nỗ lực đưa trái bưởi sạch của Bình Dương đi xa hơn bằng việc mở rộng các kênh tiêu thụ bền vững vàhướng đến vùng quy hoạch chuyên canh đặc sản bưởi ở địa phương”, ông Thành bộc bạch.

Nỗ lực vượt khó

Các HTX, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh đều xác định làm OCOP là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để tạo dựng thương hiệu, ghi dấu ấn tại các thị trường lớn trong nước và mục tiêu xa hơn là xuất khẩu. Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo), cho biết việc tham gia chương trình là rất cần thiết. Bởi các mặt hàng của hợp tác xã nếu được công nhận là sản phẩm OCOP sẽ có thương hiệu, được tham gia hệ thống xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, không chỉ có chỗ đứng trên thị trường trong nước, khu vực mà còn có cơ hội mở rộng thị trường sang nước ngoài.

Ông Nguyễn Châu Long, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Giáo, cho biết tham gia OCOP đòi hỏi người nông dân phải chuyên nghiệp hơn trong sản xuất. Đổi lại khi có sao OCOP, nông sản Bình Dương có cơ hội vươn tầm thế giới. Tuy nhiên, một số khó khăn hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP là nhiều sản phẩm của chủ thể đăng ký lập hồ sơ dự thi đánh giá phân hạng sản phẩm chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản phẩm, chưa phân tích kiểm nghiệm cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chưa có nhãn hiệu, bao bì đơn giản, chưa bắt mắt khách hàng, công tác quảng bá xúc tiến thương mại còn hạn chế.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để khắc phục những tồn tại và đánh thức tiềm năng sẵn có tại địa phương, tỉnh đang tích cực thực hiện các giải pháp nhằm đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Với sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp ngành công thương quảng bá, giới thiệu thông qua một số hình thức như hình thành điểm trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm; xây dựng chuyên trang Website OCOP tỉnh để hỗ trợ chủ thể giới thiệu, bán sản phẩm; hỗ trợ thực hiện gian hàng chung của tỉnh tham gia hội chợ OCOP, trong và ngoài tỉnh, kể cả hỗ trợ chi phí tham gia hội chợ triển lãm ở nước ngoài.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=583
Quay lên trên