Phát huy thế mạnh, thúc đẩy chương trình OCOP

Cập nhật: 09-11-2022 | 09:09:22

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bình Dương vừa họp đánh giá phân hạng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đợt I năm 2022. Kết quả, trong đợt I, Bình Dương chứng nhận sản phẩm OCOP của 12 chủ thể với 19 sản phẩm đạt 3 sao.

 Các đại biểu tham quan sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh đợt I-2022

 Bảo đảm đúng các tiêu chí

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tham gia dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP tỉnh Bình Dương đợt I năm 2022, toàn tỉnh có 65 hồ sơ sản phẩm của 40 chủ thể ở 5 huyện, thị tham gia, gồm: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên, Bến Cát, Tân Uyên. Trong tổng số 65 sản phẩm có 41 sản phẩm nhóm thực phẩm tươi sống, 2 sản phẩm nhóm thực phẩm chế biến, 3 sản phẩm nhóm gia vị, 5 sản phẩm nhóm đồ uống có cồn, 14 sản phẩm nhóm đồ uống không cồn và 1 sản phẩm nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng lần này đều là sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống của địa phương. Các chủ thể đã chủ động quan tâm đến chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác theo xu hướng thị trường tiêu dùng và theo quy định. Các sản phẩm bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu và sử dụng lao động địa phương.

Tại buổi đánh giá, phân hạng, kết quả đánh giá của tổ tư vấn đối với các hồ sơ đề xuất trên địa bàn tỉnh có 26 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao. Trong đó, trình Hội đồng cấp tỉnh xem xét đánh giá, phân hạng và trình UBND tỉnh quyết định cấp giấy chứng nhận cho 19 sản phẩm OCOP tỉnh Bình Dương đợt I năm 2022 đạt 3 sao (có số điểm từ 50 đến 69 điểm). Đồng thời, xem xét đối với 4 sản phẩm có liên quan đến vấn đề nguyên liệu và 3 sản phẩm của một doanh nghiệp về xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hội đồng đánh giá cũng đề nghị đối với các sản phẩm cần xem xét về nguyên liệu, hai công ty sản xuất cần cung cấp, bổ sung hồ sơ minh chứng về nguồn gốc nguyên liệu, hương liệu. Khi hồ sơ bổ sung đầy đủ, hợp lệ theo quy định sẽ đánh giá lần kế tiếp.

Tiếp tục đẩy mạnh chương trình

Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu tổ chức kinh tế theo hướng liên kết. Các sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, một số sản phẩm có vùng nguyên liệu được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ…

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết Chương trình OCOP là chương trình hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới trong tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững. Hiện chương trình đang được các địa phương triển khai tích cực, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đề ra mục tiêu 100% số xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tham gia chương trình OCOP; ít nhất 150 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP; ít nhất 80 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao được chứng nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Để tổ chức, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của Chương trình OCOP tỉnh thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, triển khai thực hiện nhiệm vụ của Chương trình OCOP. Cùng với đó là quan tâm tới việc tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, lợi ích của các chủ thể khi tham gia thực hiện chương trình; tổ chức quảng bá các sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2021, đợt I năm 2022 và các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

 Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh: Sở NN&PTNT cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận OCOP cho các sản phẩm. Đồng thời, xem xét, theo dõi hồ sơ bổ sung của các sản phẩm chưa được chứng nhận; tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều sản phẩm chất lượng đạt chứng nhận OCOP.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=456
Quay lên trên